Chính phủ Bồ Đào Nha mới đây đã công bố một chương trình tổng thể, trong đó dự kiến huy động khoản vốn đầu tư trị giá 25 tỷ euro cho các kế hoạch phát triển năng lượng trong vòng 10 năm tới, từ các nguồn thuộc cả khối nhà nước và tư nhân.
Bà Mariana Vieira da Silva, một bộ trưởng trong chính phủ Bồ Đào Nha cho biết: “Bồ Đào Nha đã triển khai các biện pháp quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng diễn biến và sự kéo dài của cuộc xung đột Nga-Ukraine đang đặt ra yêu cầu phải có các biện pháp mới”.
Là một phần của cuộc chuyển đổi toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch, nhiều quốc gia trên thế giới đang đặt cược vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Quá trình chuyển đổi cũng đang được đẩy mạnh ở châu Âu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Bồ Đào Nha hiện là một trong những nước có tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng sản lượng điện lớn nhất châu Âu, với 60%. Quốc gia này cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050, và đã đóng cửa 2 nhà máy nhiệt điện than hồi năm ngoái.
Không giống như các nước Trung Âu, Bồ Đào Nha không phụ thuộc vào các đường ống dẫn khí đốt của Nga, vì nước này chủ yếu nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nigeria và Mỹ, và đã dừng nhập khẩu dầu thô của Nga từ năm 2020.
Chính phủ Bồ Đào Nha đặt mục tiêu tăng gấp hơn 2 lần công suất lắp đặt của các nguồn tái tạo trong thập kỷ tới. Hiện công suất thủy điện và điện gió trên bờ của Bồ Đào Nha lần lượt là 7,3 gigawatt (GW) và 5,6 gigawatt - chiếm 83% tổng công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo.
Bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu