Cô gái Tày và sản phẩm lưu niệm độc đáo của Sa Pa

|

Yêu mến từng hoa văn, họa tiết và không muốn nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày ở Sa Pa (Lào Cai) mai một, Lồ Thị Hạnh vừa tìm hướng gìn giữ, phát triển nghề, vừa quảng bá văn hóa bản địa thông qua các sản phẩm nhuộm chàm, một mặt hàng được khách du lịch yêu thích.

Nghề dệt vải và nhuộm chàm của người Tày ở Sa Pa có từ xa xưa. Trước đây, người Tày tự trồng bông, trồng đay và trồng chàm để lấy nguyên liệu nhuộm may trang phục, khăn áo. Phụ nữ Tày ở Sa Pa vẫn tự may trang phục và làm khăn cho chồng con. Chiếc khăn truyền thống được dệt từ vải lanh với kỹ thuật khâu chỉ đột và buộc sỏi rất cầu kỳ tạo nên những họa tiết và hoa văn đặc trưng được đàn ông dùng vấn trên đầu. Cuộc sống hiện đại khiến những sản phẩm truyền thống không còn được sử dụng thường xuyên, khăn vấn hay trang phục truyền thống chỉ còn được sử dụng trong những dịp lễ, Tết, đám cưới, hát then, lễ hội...

Là người Tày nhưng Lồ Thị Hạnh sinh ra ở bản Tả Van quê mẹ và lớn lên trong cộng đồng người Giáy. Tình yêu với vải lanh và nghề nhuộm chàm của người Tày bắt đầu khi Hạnh về thăm quê bố ở xã Mường Bo, cách trung tâm thị xã Sa Pa của tỉnh Lào Cai khoảng 40 km, thấy các bà, các cô phơi những mảnh vải lanh nhuộm chàm rất đẹp nhưng lại không thấy sử dụng phổ biến như thổ cẩm của người H’Mông, người Dao.

Ði sâu tìm hiểu, Hạnh nhận thấy khó khăn của những người sản xuất là không tìm được đầu ra cho sản phẩm, dù sản phẩm rất đẹp, hoa văn, họa tiết mang những kỹ thuật đặc trưng khâu chỉ đột, buộc sỏi nhuộm chàm của người Tày Sa Pa. Năng lực sản xuất dồi dào, nguyên liệu sẵn có ngay trong bản làng nhưng nhu cầu sử dụng lại không nhiều. Sắc chàm xanh tự nhiên của núi rừng từ những tấm vải chàm đã cuốn hút Hạnh khiến cô mong muốn sáng tạo nhiều hơn nữa các sản phẩm từ vải lanh nhuộm chàm, Hạnh chuyển về Mường Bo sinh sống, bắt đầu hành trình tìm tòi, gìn giữ và phát triển nghề dệt vải lanh và nhuộm chàm của người Tày quê hương mình.

Lồ Thị Hạnh chia sẻ, khách du lịch đến Sa Pa chỉ biết đến các sản phẩm thổ cẩm của người H’Mông và người Dao. Cô muốn giới thiệu với khách một cộng đồng người Tày ở Sa Pa với nghề nhuộm chàm độc đáo và ẩm thực phong phú. Vì vậy, Hạnh xác định hướng đi ngay từ đầu khi thành lập Hợp tác xã Mường Bo Xanh và sáng lập thương hiệu Tày Indigo (vải chàm của người Tày) là sản xuất tập thể và tìm hướng tiêu thụ để phát triển sản phẩm, cải tiến, thiết kế tạo nên những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cuộc sống cũng như sử dụng trong trang trí nhà cửa, khách sạn.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm du lịch, cùng sự nhanh nhạy của một cô gái trẻ, Hạnh đi nhiều nơi để học hỏi, tìm hiểu xu hướng, nhu cầu tiêu dùng để tạo những mẫu thiết kế mới được làm từ vải lanh nhuộm chàm như vỏ gối, túi, ví, chăn ga, rèm, khăn trải bàn, tranh treo tường... tạo sức sống và mầu sắc cho sản phẩm. Xác định hướng đi thuận tự nhiên, thuần truyền thống, Hạnh khoanh vùng trồng cây đay và trồng cây chàm với sự hỗ trợ, đồng hành của các bà, các mẹ trong làng Tày để làm nguyên liệu dệt vải, nhuộm chàm.

Sản phẩm được làm thủ công hoàn toàn và các công đoạn cần nhiều thời gian, nhưng Hạnh vẫn khuyến khích động viên các bà, các cô bền bỉ duy trì để có những sản phẩm mang màu sắc bản địa. Vì thuận theo tự nhiên nên nếu trời nắng thì nhuộm củ nâu mà mưa tí tách thì lại nhuộm chàm. Ðể lên men một thùng chàm, vào mùa hè mất ba ngày, mùa đông 7-9 ngày, nhưng có những thùng chàm 20 ngày vẫn chưa lên men thì phải dùng một vài thứ sẵn có trong vườn nhà như lá ngải cứu dại, lá nếp cẩm để có được thùng chàm óng đẹp.

Từ một tấm vải lanh thô cứng, các bà, các cô sẽ nấu vải với nước tro bếp nhiều giờ trên bếp củi, sau đó lăn đá để có được một tấm vải lanh mềm mại, bóng bẩy. Ngoài mầu xanh của chàm, vải lanh còn được nhuộm tự nhiên với củ nâu, hoàng đằng để tạo nên những mầu sắc khác, từ đó kết hợp kỹ thuật phối hoa văn vẽ sáp ong của người H’Mông Sa Pa, lối thêu tinh xảo, thủ công của người Dao và kỹ thuật khâu chỉ đột và buộc sỏi tạo nên những sản phẩm độc bản. Không gian hơn 200 m của Hợp tác xã Mường Bo Xanh vừa là nơi các mẹ, các chị khâu vá, thêu thùa, vừa là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Ở đây, Hạnh còn tổ chức các buổi trải nghiệm dệt vải lanh, nhuộm chàm, tạo ra những sản phẩm lưu niệm từ vải chàm cho du khách. Tháng 3 âm lịch này, Hạnh và các bà, các mẹ lại chuẩn bị đất và gieo vụ trồng đay mới, sẵn sàng đón du khách tham quan, trải nghiệm. Hợp tác xã Mường Bo Xanh hiện có gần 30 người thợ lành nghề và tạo công ăn việc làm cho hơn 200 người. Nghề nhuộm chàm của người Tày dần dần được phục hồi, phát huy, sắc chàm lại hiện hữu trên những vạt áo, tấm khăn, chiếc túi...

Hẹn gặp lại tôi ở Hà Nội vào tháng 3 này là lúc Hạnh tham gia một triển lãm quảng bá và giới thiệu sản phẩm quê hương mình. Ðóng lại những chiếc va-ly chứa đầy những sản phẩm tâm huyết của bàn tay và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề của núi rừng Sa Pa, từ những chiếc khăn với họa tiết mạng nhện, vẩy cá, cây thông Noel, lá ngân hạnh, những chiếc vỏ gối thêu tay họa tiết bông cúc, những chiếc tranh treo từ hoa văn thêu tay với đồng xu làm điểm nhấn, tấm khăn trải bàn, trải giường thêu tay bằng chỉ len nâu hay khăn vải bông khâu đột chỉ nhuộm chàm..., Hạnh hào hứng chia sẻ, sản phẩm của Tày Indigo không chỉ làm đẹp cho các homestay ở Lào Cai, Hà Giang mà đã có mặt ở Hà Nội với năm bạn hàng thân thiết, thường xuyên đặt mua nguyên liệu vải lanh thô cũng như thuê nhuộm chàm.

Các sản phẩm của Tày Indigo cũng đã xuất khẩu sang Ðan Mạch, Anh, Pháp, Peru. Phát huy lợi thế của mạng xã hội, thông qua Instagram, Fanpage Tày Indigo, Hạnh đang tích cực chia sẻ giá trị truyền thống và quảng bá câu chuyện văn hóa của người Tày thông qua sản phẩm thủ công. Cô gái Tày tràn đầy năng lượng và ý tưởng luôn tự hào về bản sắc dân tộc mình với những giá trị khác biệt đang nỗ lực quảng bá sản phẩm thủ công được làm bởi những người phụ nữ dân tộc thiểu số và góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương.