Ninh Bình hướng tới xây dựng chính quyền số

|

Việc xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Ninh Bình trong gần hai năm qua đạt được nhiều kết quả khả quan. Trọng tâm là hệ thống một cửa điện tử của 29 đơn vị gồm các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và 143 phường, xã được tích hợp, kết nối liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia. Điều đó, không chỉ làm tăng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực thi công vụ, mà còn tạo nền tảng cho tỉnh hướng tới xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Họp không giấy tờ

TP Ninh Bình là đơn vị đầu tiên của tỉnh Ninh Bình đưa nội dung: ‘‘Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan đảng; trong quản lý điều hành, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của chính quyền; trong hoạt động các tổ chức đoàn thể vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 19, nhiệm kỳ 2015 - 2020’’. Lo sớm, làm sớm việc lắp đặt hệ thống máy chủ, truyền hình trực tuyến, ca-mê-ra giám sát, cài đặt phần mềm... đến đầu nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, hạ tầng CNTT của thành phố đã đáp ứng mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ 19, vừa tạo ra nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh. Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố, Hoàng Ngọc Khuyến cho biết: Hợp phần ‘‘họp không giấy tờ’’ là một trong những tiện ích cấu thành dịch vụ xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Ứng dụng này được thành phố triển khai thí điểm thành công nhiều cuộc họp trực tuyến, đạt hiệu quả cao. Hiểu đơn giản ‘‘họp không giấy tờ’’ là hình thức họp thông minh, họp trực tuyến thực hiện trên không gian mạng bao gồm tất cả các việc: Thông báo lịch họp, mời họp, gửi tài liệu cho người tham gia họp, xác nhận họp; hoặc đăng ký phát biểu, đóng góp ý kiến, kết luận cuộc họp. Hình thức này phù hợp nhu cầu, quy mô họp từ nhỏ đến lớn của thành phố, được hỗ trợ nền tảng công nghệ IOS, Android, PC, dễ triển khai, dễ sử dụng, chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt. Điều đó, giúp cho đơn vị tổ chức họp, các thành viên tham gia họp tiếp cận nhanh công tác chỉ đạo, điều hành; tiếp cận nhanh nội dung chương trình, tài liệu phục vụ họp; hoặc thông tin tham khảo, tổng hợp về cuộc họp. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình Đinh Thị Mỹ Hạnh nói: ‘‘Xây dựng chính quyền điện tử, thành phố đang thử nghiệm vận hành nhiều phầm mềm ứng dụng khác vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực thi công vụ như: Phần mềm VNPT-iOffice; phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, đơn thư tố cáo, quản lý ý kiến, kiến nghị cử tri; hoặc phần mềm chấm điểm các phường, xã. Thành phố có 100% TTHC thực hiện theo quy trình ISO. 230 TTHC thuộc 16 lĩnh vực cung cấp trên hệ thống một cửa. Trong đó, có 139 TTHC cung cấp dịch vụ công mức độ 2 và 91 TTHC mức độ 3, mức độ 4. Hồ sơ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được giải quyết đúng hạn. Kết quả trả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. Bộ phận một cửa tại 14 phường, xã trên địa bàn được đầu tư nâng cấp, xây mới, trang thiết bị đồng bộ, có ca-mê-ra giám sát, được kết nối liên thông với cổng dịch vụ công của tỉnh và quốc gia”. 

Đáng nói là, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT nêu trên đã tạo ra môi trường liên thông công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố với các phường, xã, các tổ chức đoàn thể chuyên nghiệp hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Anh Đinh Văn Đoan ở xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình cho biết: Ngày 7-9 vừa qua, sau khi online nộp hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh tại Trung tâm một cửa liên thông của TP Ninh Bình, chỉ mấy phút, anh Đinh Văn Đoan nhận được ngay thông tin hiển thị trên máy tính về: thông tin người nộp hồ sơ, tên người nhận hồ sơ; ngày tiếp nhận hồ sơ, hạn xử lý, ngày hẹn trả kết quả, hình thức nhận kết quả, lệ phí hồ sơ, cước phí vận chuyển, hình thức thanh toán... Công khai, minh bạch và rất nhanh gọn, thuận tiện, khiến anh Đinh Văn Đoan rất vui vì tiết kiệm thời gian đi lại. Rõ ràng việc cải cách TTHC của thành phố đã giảm bớt phiền hà, góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của một số ít cán bộ, công chức - anh Đoan chia sẻ. 

Không chỉ có TP Ninh Bình triển khai bài bản việc ứng dụng CNTT, mà qua tìm hiểu chúng tôi thấy: 100% các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Ninh Bình đã thiết lập được mạng LAN, kết nối ứng dụng phần mềm chuyên ngành với hệ thống thông tin của tỉnh qua đường truyền cáp quang băng thông rộng. Trong 126 phần mềm các loại đang sử dụng, có 43 phần mềm do các bộ, ngành Trung ương chuyển giao. 38 phần mềm do các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện. Đến nay, hệ thống một cửa điện tử tại 29 sở, ban, ngành và tám huyện, thành phố, cùng 143 đơn vị phường, xã, thị trấn được tích hợp, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Điều đó tạo thêm nền tảng cho tỉnh đẩy nhanh lộ trình xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới chuyển đổi số có nhiều bước tiến mới. 

Hướng tới chính quyền số

Gần hai năm qua, Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh tích cực tham mưu, giúp UBND tỉnh đẩy mạnh chỉ đạo ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình phối hợp Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 2.788 chứng thư chuyên dùng (USB token) cho các đơn vị liên quan trong tỉnh; cấp 119 SIM PKI phục vụ thực hiện ký số. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh quán triệt thực hiện ký số. 75% hồ sơ, văn bản thực hiện đầy đủ ký số tổ chức và cá nhân lãnh đạo trên hệ thống quản lý văn bản của tỉnh. Việc ứng dụng  ký số  làm thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giấy tờ sang môi trường điện tử hiện đại, nhanh gọn, tạo thuận lợi cho giải quyết công việc của cơ quan hành chính. Đối với việc triển khai hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành cũng có nhiều chuyển biến: Tỉnh đã cấp 6.300 hộp thư điện tử và thiết lập hệ thống truyền hình trực tuyến tới 162 điểm cầu. Có ba điểm cầu đặt tại Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. 16 điểm cầu đặt tại các huyện ủy, thành ủy, UBND huyện, thành phố. 143 điểm cầu ở các xã, phường, thị trấn bảo đảm kết nối trực tuyến hội nghị của tỉnh, Trung ương; và phát huy hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Các tính năng đăng nhập một lần (SOS), đồng bộ TTHC, trạng thái TTHC và nhiều loại dịch vụ: Đổi giấy phép lái xe; đăng ký khai sinh; cấp bản sao văn bằng chứng chỉ từ sổ gốc; đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xác nhận tình trạng hôn nhân... được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Do vậy, Ninh Bình được đánh giá xếp thứ chín trong 63 tỉnh, thành phố về đồng bộ hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 142.908 hồ sơ. Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh Ninh Bình, Tạ Quang Phương cho biết: ‘‘Ngoài 1.853 TTHC được chuẩn hóa, công khai, mới đây tỉnh công bố thêm 838 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lên 1.041 dịch vụ, đạt tỷ lệ 56,67%. Mức độ 4 là 399 dịch vụ, đạt tỷ lệ 21,72%. Từ tháng 10-2020, tất cả TTHC sẽ được tập trung giải quyết tại một nơi là TTPVHCC của tỉnh xây dựng trên diện tích 7.150 m2, đầu tư nhiều trang thiết bị điện tử, phần mềm hiện đại, cáp quang phủ sóng 5G do VNPT cung cấp. Ở đây có 31 quầy dành cho 20 sở, ngành bố trí cán bộ, công chức có chuyên môn nghiệp vụ để tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Đó là giải pháp “đột phá” kế tiếp cho chuyển đổi số đối với hoạt động các cơ quan hành chính Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại công khai, minh bạch”. Về vấn đề này, Chánh Văn phòng Sở Giao thông vận tải (GTVT) Ninh Bình xác nhận: Đơn vị có 107 TTHC đưa ra thực hiện tại TTPVHCC của tỉnh. Sở GTVT đã bố trí ba nhân sự chính thức và ba nhân sự dự phòng giải quyết các TTHC cho người dân bảo đảm thuận lợi. Bên cạnh đó, tỉnh đưa vào khai thác nhiều dịch vụ đô thị thông minh trong lĩnh vực y tế, cho nên chỉ số xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của tỉnh Ninh Bình được cải thiện từ xếp thứ 40 năm 2015, tăng lên vị trí thứ 16 năm 2018 và xếp thứ 15 năm 2019. Quan trọng hơn là việc xây dựng chính quyền điện tử đã góp phần cải thiện môi trường làm việc, tăng thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân về phụng sự hành chính công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế là: Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh chưa đạt quy chuẩn, trung tâm điều hành thông minh mới đang thử nghiệm. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu chưa kết nối với nền tảng thông tin quốc gia. Tỉnh chưa có kho dữ liệu tập trung. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và việc trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính thấp; nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác hệ thống thông tin thiếu, cùng nhiều tồn tại khác. Nguyên nhân chính là do lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Hệ thống văn bản  quy phạm về xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh thiếu và yếu. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa có thói quen làm việc trên môi trường mạng. 

Xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, xã hội số, nền kinh tế số là xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo nhiều chuyên gia, Ninh Bình cần khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông gia tăng đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến truyền dẫn cáp quang nội tỉnh; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ in-tơ-nét đến từng hộ dân; tăng cường phát triển mạnh viễn thông 3G, 4G, 5G, tạo ra dịch vụ mới, giá trị mới phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới chuyển đổi số. Trước mắt, tỉnh cần tập trung rà soát, đánh giá toàn bộ cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị, để quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu theo tinh thần Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Rà soát các TTHC, nếu đủ điều kiện, thì đưa lên mức độ 3, mức độ 4; rà soát đánh giá mã định danh các cơ quan, tổ chức khối đảng để thống nhất phục vụ liên thông kết nối cơ quan đảng với chính quyền có hiệu quả. Khẩn trương nâng cấp hệ thống thư điện tử công vụ bảo đảm thông tin cho các cơ quan đơn vị. 

Ninh Bình là địa phương thí điểm chuyển đổi số, cho nên nhiều ý kiến của cán bộ, công chức trong tỉnh đề nghị Tỉnh ủy Ninh Bình sớm ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề nêu trên để “gỡ khó” cho việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mặt khác, tỉnh cần tập trung chỉ đạo hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số. Đối với các sở, ban ngành, các huyện, thành phố, xã, phường trong tỉnh cần tích cực khai thác có hiệu quả hội nghị trực tuyến, truyền hình trực tuyến để giảm bớt chi phí, thời gian hội họp; chủ động lựa chọn xã, phường điểm, triển khai thí điểm chuyển đổi số, tăng cường truyền thông kỹ năng truy cập, sử dụng in-tơ-nét, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm an toàn thông tin, từ đó mới tạo nền tảng đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số phục vụ tốt hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.