Tăng cường giáo dục, phòng ngừa tội phạm trong thanh, thiếu niên

|

10 năm qua, tình hình người chưa thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng, với nhiều hành vi ngày càng phức tạp, nguy hiểm. Thực tế đặt ra yêu cầu cần có những biện pháp quyết liệt, cứng rắn mang tính phòng ngừa, răn đe đối với các đối tượng này.

Bài 1: Tội phạm vị thành niên có dấu hiệu gia tăng

Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 của Chính phủ cho thấy: Toàn quốc phát hiện 5.216 vụ, 15.243 đối tượng vi phạm pháp luật, xử lý hành chính hơn 10 nghìn vụ; trong đó, nhiều đối tượng là học sinh, sinh viên.

Báo cáo cũng chỉ ra tội phạm vị thành niên không chỉ tăng về số lượng mà mức độ, thủ đoạn phạm tội có diễn biến ngày càng phức tạp, độ tuổi phạm tội có xu hướng trẻ hóa.

Tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật thường xuất phát từ nguyên nhân nhận thức pháp luật của các em chưa đầy đủ; nhiều em phải sống trong cảnh bố mẹ lo làm ăn, ít quan tâm, quản lý hoặc bố mẹ ly hôn, đang chấp hành án phạt tù; các em sống với người thân, lang thang.

Trong những hoàn cảnh đó, các em bị tổn thương về tâm lý, tự ti, mặc cảm; thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện học tập, vui chơi; thiếu quản lý, giáo dục... khiến nhiều em có xu hướng phát triển lệch lạc, hành vi nổi loạn, bất cần, dễ bị đối tượng xấu lôi kéo.

Những con số báo động

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, vào tháng 8/2024, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Ðoàn Bắc Kạn) đưa ra thông tin: Qua khảo sát ở ba trường giáo dưỡng cho thấy, nhiều cháu hoàn cảnh rất đáng thương, như: trường ở Ðồng Nai có 64% cháu có hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, ly thân, hay bố mẹ đang chấp hành án tù... Tỷ lệ này ở Ðà Nẵng là 53%, Ninh Bình là 24%.

Theo báo cáo từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, độ tuổi sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng trẻ hóa, từ 12-30 tuổi chiếm 44,6%; trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13-15 tuổi. Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp, có 70-75% người trong độ tuổi từ 17-35, chiếm tỷ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên.

Ðáng chú ý, nhiều học sinh, sinh viên là những đối tượng trẻ tuổi, dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, thích trải nghiệm những cái mới, đã và đang trở thành mục tiêu mà tội phạm ma túy hướng tới. Nhiều sinh viên phải trả giá rất đắt khi tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm luật giao thông có xu hướng tăng. Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản hơn 182 nghìn trường hợp học sinh, trẻ em vi phạm.

Chỉ trong một tháng cao điểm xử lý học sinh vi phạm luật giao thông (từ 1/10-31/10), lực lượng chức năng đã xử lý khoảng 80 nghìn trường hợp vi phạm; trong đó chủ yếu là hành vi điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, tụ tập đua xe, chạy quá tốc độ quy định, đi dàn hàng ngang...

Gần đây nhất, nhóm thanh, thiếu niên, tụ tập đông người, lạng lách, đánh võng đã đâm tử vong một phụ nữ đang dừng chờ đèn đỏ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khiến người dân bức xúc, phẫn nộ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố 20 đối tượng trong vụ tai nạn này.

Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ việc hết sức đau lòng, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, hay chỉ từ một lý do đơn giản: "cảm thấy không vừa ý", "không vừa mắt", các em dễ dàng giải quyết với nhau bằng hung khí, để lại hậu quả nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội.

Cơ quan chức năng lý giải, việc gia tăng vụ việc thanh, thiếu niên tụ tập đông người, hỗn chiến là do sự phát triển của không gian mạng, không ít trẻ vị thành niên bị ảnh hưởng bởi tiếp xúc quá nhiều với "thế giới ảo" Facebook, Zalo, TikTok, game bạo lực..., dẫn tới mất phương hướng, lệch lạc trong suy nghĩ, lối sống.

"Nhờ" mạng xã hội, việc tập hợp nhau từ không gian mạng đến đời thực rất nhanh. Số lượng các đối tượng tham gia các nhóm thường đông, nhiều vụ từ 20-30 đối tượng trở lên, độ tuổi chiếm đa số từ 14 đến dưới 20 tuổi. Thậm chí, có những vụ "lôi kéo" hàng trăm đối tượng mang tính chất hỗn chiến, phạm tội rất manh động.

Muôn nẻo đường dẫn đến vòng lao lý

Hiện là học viên của Trường Giáo dưỡng số 2 (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an), T.N.M., 16 tuổi, quê Bắc Giang được đưa vào đây sau vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, cản trở người thi hành công vụ, đã bị cơ quan công an triệu tập và khởi tố.

M. nói trong ân hận: "Khi ấy, em chỉ thấy phấn khích trước những lời kích động, hò hét, cổ vũ của bạn bè. Em còn cố tình lạng lách, đánh võng ở tốc độ cao để biểu diễn. Ðã có lúc em gặp nguy hiểm, suýt va chạm với người đi đường, bản thân bị thương tích. Bây giờ, mỗi lần nhớ lại những lúc đua xe, tốc độ hơn 100 km/giờ, em thấy sợ. Chỉ cần sơ sảy, em sẽ không có cơ hội làm lại nữa".

L.T.B., 17 tuổi, ở quận Kiến An (thành phố Hải Phòng) bị một số đối tượng xấu đưa lên tận Lạng Sơn để làm việc trong quán karaoke. B. bị lực lượng chức năng bắt quả tang khi sử dụng trái phép chất ma túy cùng khách. Bố mẹ ly hôn, ba chị em B. về ở với ông bà nội.

Với lối sống cá tính, B. dần bị coi là "thành phần bất hảo", thường xuyên bị so sánh với hai người chị luôn chăm chỉ học hành. Từ đó, em dần lún sâu vào chuỗi ngày tháng rong chơi không hồi kết. Không có tiền tiêu, em chấp nhận đi làm ở quán karaoke. Lúc bị bắt, em rất sợ hãi.

"Khi mới vào trường, em khép mình, không dám tiếp xúc với ai. Khi được các thầy, cô giáo giáo dục, dìu dắt, em hiểu mình đang được trao cho cơ hội làm lại cuộc đời", L.T.B. bộc bạch.

Năm 2023, Cơ sở cai nghiện ma túy Gia Minh (Hải Phòng) tiếp nhận hàng chục trẻ vị thành niên. Phó Trưởng phòng Giáo dục-Tư vấn Phạm Văn Nguyên cho biết: Ðáng lo ngại, người nghiện ma túy ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Chỉ tính từ đầu năm 2024, cơ sở tiếp nhận hơn 10 trẻ vị thành niên vào cai nghiện.

Ðại úy Lê Thị Hồng Lụa (Ðội Giáo viên văn hóa- Trường Giáo dưỡng số 2) cho biết: Không phải tất cả các em sau khi hoàn thành chương trình giáo dục đặc biệt đều được gia đình đến đón. Có những trường hợp nhà trường phải đưa về bàn giao tại địa phương do quá xa hoặc gia đình không đủ khả năng đến đón; nhiều em bố, mẹ đều vướng vào vòng lao lý, hoặc đáng buồn hơn là họ hoàn toàn bỏ mặc. Có những trường hợp ở trường tới 24 tháng mà gia đình không hề tới thăm lần nào…

Thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, nhiều vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: Chúng ta phải làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này?

(Còn nữa)