Ra mắt vở nhạc kịch Bầy chim thiên nga

|

Dựa trên truyện cổ tích nổi tiếng Bầy chim thiên nga của nhà văn Ðan Mạch An-đéc-xen, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ vừa dàn dựng thành công vở diễn cùng tên mang phong cách nhạc kịch, kết hợp giữa thần thoại và hiện thực để chuyển tải đến các em nhỏ thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình, tình yêu thương đồng loại trong cuộc sống.

Truyện cổ tích Bầy chim thiên nga xuất hiện lần đầu năm 1838, sau đó được chuyển thể trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật như: vũ kịch ba-lê, truyền hình, điện ảnh. Truyện kể về nàng công chúa xinh đẹp nhưng tội nghiệp tên Li-dơ đã phải chịu nhiều đau đớn về cả thể xác và tinh thần để dệt nên những chiếc áo bằng sợi tầm ma giúp hóa giải lời nguyền của mụ hoàng hậu độc ác, giải thoát cho những người anh hoàng tử của nàng thoát khỏi lốt thiên nga, trở lại làm người. Câu chuyện tưởng chừng đã quen thuộc, xưa cũ ấy bỗng trở nên có sức hấp dẫn đặc biệt khi được tái hiện trên sân khấu kịch của Nhà hát Tuổi trẻ bằng hình thức nhạc kịch phảng phất màu sắc sân khấu Broadway. Ở đó, sự cộng hợp của phục trang, âm nhạc, ánh sáng, thiết kế sân khấu cùng diễn xuất đã làm nên một bữa tiệc nghệ thuật mãn nhãn, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả nhỏ tuổi.

Vở nhạc kịch được Nghệ sĩ Ưu tú Lê Ánh Tuyết đạo diễn dựa trên kịch bản của tác giả Trần Lệ Chiến. Hướng đến phục vụ đối tượng là các em nhỏ nhưng ê-kíp sáng tạo không hề tỏ ra dễ dãi mà ngược lại rất dụng công trong dàn dựng và thể hiện ý đồ nghệ thuật. Sau vở nhạc kịch đầu tay mang tên Trại hoa vàng ra mắt năm 2020, tới Bầy chim thiên nga, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Ánh Tuyết đã chứng tỏ được sự dạn dày hơn trong tay nghề đạo diễn khi các yếu tố sân khấu đều được đầu tư chỉn chu, tỉ mỉ. Nhiều tình tiết kịch đã được chị nghệ thuật hóa một cách khéo léo, mang đến hiệu ứng thị giác đặc biệt cho người xem. Tiêu biểu phải nói đến phân cảnh diễn tả Li-dơ đan áo trong đau đớn và câm lặng. Việc sử dụng ngôn ngữ múa hiện đại cùng đạo cụ là những sợi dây kết hợp sự chuyển động của ánh sáng đã góp phần diễn tả, chuyển tải cảm xúc của nhân vật đầy thuyết phục. Hay ở phân cảnh miêu tả Li-dơ đi vào rừng sâu và bãi tha ma, sự xuất hiện của những tấm voan mỏng phía ngoài màn hình LED lớn phản chiếu hình ảnh những thân cây cao vút cũng khiến không gian sân khấu trở nên sâu hơn, nhiều tầng lớp hơn, diễn tả rõ nét những hun hút, mịt mờ, hiểm trở…

Nghệ sĩ Ưu tú Lê Ánh Tuyết chia sẻ, lâu nay mọi người vẫn thường cho rằng nhạc kịch là loại hình nghệ thuật hàn lâm chỉ phù hợp với một số đối tượng khán giả nhất định. Song chị cùng ê-kíp sáng tạo muốn thay đổi quan điểm ấy bằng việc mang nhạc kịch đến với thiếu nhi. Ðây cũng là cách đào tạo khán giả cho sân khấu. Nhưng làm thế nào để các em không thấy nhàm chán trước một câu chuyện đã quen thuộc, làm thế nào để vở diễn vừa có tính giải trí, vừa gần gũi thân quen mà vẫn thể hiện được những bài học cuộc sống một cách tự nhiên, nhẹ nhàng là điều ê-kíp sáng tạo phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Ở vai trò biên kịch, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến cho biết, nội dung kịch bản của vở diễn dựa trên cốt truyện cổ tích nhưng không quá lệ thuộc vào các chi tiết nội dung một cách máy móc, mà được đưa thêm vào những tình tiết thú vị mang hơi thở cuộc sống và thông điệp giáo dục để tạo sự gần gũi với thiếu nhi. Có lẽ bởi vậy mà theo dõi nhạc kịch Bầy chim thiên nga, các khán giả nhỏ tuổi bắt gặp khá nhiều những đoạn nhạc, bài hát, câu nói đương đại phổ biến với các em.

Làm nên thành công của vở nhạc kịch không thể không đề cập tới âm nhạc - linh hồn của vở diễn. Bằng sự kết hợp của nhạc cổ điển và đương đại, yếu tố âm nhạc trong vở diễn đã góp phần thể hiện rõ nét những sắc thái tình cảm của nhân vật, làm đầy hơn cảm xúc của người xem. Cùng với những bản quen thuộc, vở diễn còn sử dụng nhiều ca khúc được sáng tác mới và đặt lời mới như: Hồ Thiên nga (lời Việt: Nguyễn Tuấn Nghĩa); Bài hát Công chúa (sáng tác: Lê Hải Nam); Tâm sự của Hoàng Tử (sáng tác: Lưu Thiên Hương); I see the light (phim Tangled, lời Việt: Trần Lệ Chiến); Khúc ca cuộc đời (sáng tác: Trần Lệ Chiến)… Bên cạnh đó, cũng cần phải khen ngợi diễn xuất
lôi cuốn của dàn diễn viên trẻ Nhà hát Tuổi trẻ. Dù vở diễn không có nhiều "đất" để các diễn viên thể hiện chiều sâu, diễn biến nội tâm, song họ đã "ghi điểm" bằng lối diễn tự nhiên, gần gũi và sinh động. Ðặc biệt phải nói tới các diễn viên: Lệ Quyên (công chúa Li-dơ), Thu Nga (Bà Tiên), Hương Thủy (Hoàng hậu), Trung Thạch (Cận Phù)… Ðây là những vai diễn nhiều màu sắc đã để lại ấn tượng đậm nét đối với người xem.

Có thể thấy, vở nhạc kịch Bầy chim thiên nga đã được đầu tư khá trọn vẹn về nhiều mặt. Tuy nhiên, nếu một vài chi tiết nhỏ được điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn, vở diễn sẽ thêm nhiều hấp dẫn. Chẳng hạn, việc để nhân vật Cận Phù là người của vương quốc này có thể ra lệnh cho binh lính ở vương quốc láng giềng hỏa thiêu công chúa là điều ít nhiều gây thắc mắc cho người xem. Hay sự thức tỉnh của đức vua nếu được lý giải thuyết phục cũng sẽ giúp khán giả hài lòng hơn khi đi đến chặng cuối của một tác phẩm nghệ thuật… Dẫu sao, vở nhạc kịch Bầy chim thiên nga vẫn là món quà nghệ thuật thú vị, ý nghĩa và đáng xem đối với các em nhỏ trong mùa hè năm nay.

TRANG ANH