Cánh chim đầu đàn của nghệ thuật ca múa nhạc nước nhà

|

NDO - Là đơn vị nghệ thuật hàng đầu của nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam, được thành lập năm 1951, Đoàn văn công nhân dân Trung ương, tiền thân Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam ngày nay là nôi đào tạo, hội tụ tỏa sáng của nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng, nhiều cán bộ lãnh đạo của nghệ thuật ca múa nhạc; vinh dự biểu diễn phục vụ đồng bào cán bộ chiến sĩ khắp cả nước và quốc tế, được giao tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật trong các sự kiện quan trọng của đất nước, giới thiệu, lan tỏa văn hóa nghệ thuật Việt Nam rộng khắp các nước trên thế giới. 

Những năm tháng hào hùng

Là Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tiên của cả nước, với bề dày 70 năm, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam quy tụ những tên tuổi lớn của nền nghệ thuật cách mạng. Những tên tuổi lớn đã trở thành “cây đa, cây đề” của nền nghệ thuật cách mạng như Nguyễn Văn Thương, Tân Nhân, Quốc Hương, Chu Thúy Quỳnh, Thu Hiền…với tài năng đã tinh thần cống hiến hết mình vì nghệ thuật đã sớm được được công chúng khán giả yêu mến.

Trong hai Cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lớp các nghệ sĩ nhà hát đã góp mặt trên hầu hết các chiến trường cùng với các đoàn quân can trường giương cao lá cờ quyết chiến quyết thắng trên tất cả các mặt trận. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các nghệ sĩ đã đem lời ca tiếng hát phục vụ các đơn vị dân công, bộ đội tham gia các chiến dịch, góp phần động viên tinh thần chiến đấu, tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Sau năm 1954, giữa muôn vàn gian khó và thiếu thốn, các nghệ sĩ của nhà hát đã xây dựng được những tiết mục nghệ thuật đặc sắc tham dự Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới tại Rumani, Ba Lan. Bài giao hưởng “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận mở màn cho chương trình, đã tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam anh hùng trong chiến đấu, nhưng cũng rất tinh tế trong âm nhạc.

 Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021 (Ảnh: LINH ANH).

Những năm tháng chống Mỹ cứu nước ác liệt, chỉ với các phương tiện thô sơ như xe đạp, xe thồ để chở các phương tiện kỹ thuật, bảo đảm tính cơ động dã chiến, nhà hát đã tổ chức 17 lần đi biểu diễn phục vụ hỏa tuyến. Mặc cho bom rơi, đạn nổ, tiếng hát vẫn át tiếng bom, những điệu múa, tiếng đàn vẫn tung cánh bay tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội, dân quân.

Để chia sẻ với chiến trường miền Nam, Nhà hát cử một số diễn viên giỏi vượt Trường Sơn vào chiến trường B, làm chiến sĩ giải phóng quân thực sự, tay đàn, tay súng, phục vụ chiến trường. Và máu đã đổ, nghệ sĩ múa Phương Thảo đã ngã xuống ngay trên quê hương mình trên đường hành quân biểu diễn phục vụ quân và dân Quảng Đà năm 1968.

Nhiều nghệ sĩ chia sẻ, họ không thể nào quên ký ức những năm tháng hào hùng đi biểu diễn tận trong từng sâu, diễn bên mâm pháo, dưới chiến hào hay biểu diễn phục vụ các tầng lớp công nông chiến sĩ phục vụ biên giới, hải đảo phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội đi khắp các nông trường, khích lệ bà con miền bắc tích cực xây dựng xã hội chủ nghĩa, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền nam. Nhiều câu chuyện cảm động khi những người thương binh, những chiến sĩ chuẩn bị lên đường ra mặt trận, bước vào trận đánh được nghe những lời ca, tiếng hát, thưởng thức những điệu múa của những nghệ sĩ mà họ chỉ được nghe qua đài, nhìn thấy qua những trang báo mà chưa bao giờ gặp mặt. Món ăn tinh thần đó đã tiếp thêm sức mạnh để những người thương binh, những người lính quên đi những nhọc nhằn, đớn đau của những vết thương trên cơ thể.

Vinh dự không phải đơn vị nghệ thuật nào cũng có được là các nghệ sĩ của nhà hát nhiều lần được biểu diễn phục vụ Bác Hồ; biểu diễn trong các tiệc Người thay mặt Chính phủ Việt Nam chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội, tổ chức xã hội ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Những tiết mục đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Việt và tâm hồn Việt, đất nước yêu chuộng hòa bình đã tạo ấn tượng mạnh mẽ.

Còn nhớ năm 1968 trong lần sang Lào biểu diễn, khi trao tặng Huân chương Pa thét Lào hạng Nhất của Nhà nước Lào tặng Nhà hát, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông chân thành chia sẻ “Đây là quê hương thứ hai của Đoàn. Hàng năm các cháu hãy sang đây biểu diễn”.

Một tiết mục biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (Ảnh: LINH ANH)

Những ngày đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, các nghệ sĩ nhà hát đã biểu diễn khắp các tỉnh miền Nam với những chương trình mang đậm dấu ấn nghệ thuật cách mạng, nghệ thuật miền bắc xã hội chủ nghĩa dịu dàng, duyên dáng, giàu tính thẩm mỹ và độc đáo. Không chỉ góp sức xây dựng nhiều đơn vị nghệ thuật trong nước, đi phụ đạo, tập huấn xây dựng chương trình cho các đoàn ca múa các tỉnh, cử các nghệ sĩ sang làm chuyên gia góp phần xây dựng Đoàn Ca múa Trung ương nước CHDCND Lào và Campuchia, các nhiệm vụ phục vụ chính trị đối nội, đối ngoại, phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo của Nhà hát cũng được hoàn thành xuất sắc, đưa văn hóa, âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới, làm rạng rỡ nền văn hoá nước nhà.

Tự chủ vươn lên

Là đơn vị có chuyên môn cao, khả năng đáp ứng được với thị trường và xã hội, trên cơ sở con người và cơ sở vật chất là trụ sở và nơi luyện tập, biểu diễn được Nhà nước cấp 6800m2 ở Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội), năm 2015, Nhà hát được giao quyền tự chủ. Ban đầu, một số người tỏ ra e ngại vì tâm lý bao cấp ăn sâu, bao năm ổn định, muốn bám vào “bầu sữa mẹ”. Dẫu biết trước mắt đối mặt không ít khó khăn, thách thức về doanh thu, quản lý tài chính, chăm lo đời sống nghệ sĩ, làm sao các tiết mục có chất lượng phù hợp nhu cầu, thị hiếu số đông khán giả mà không chạy theo xu hướng thương mại, từng bước nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng đồng thời sưu tầm, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật ca múa nhạc của các dân tộc trên thế giới, bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam, lãnh đạo và các nghệ sĩ nhà hát quyết tâm triển khai tự chủ.

Các nghệ sĩ nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam với Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại chương trình biểu diễn năm 2013. (Ảnh: LINH ANH).

Khác với các công ty tổ chức sự kiện, tổ chức biểu diễn có thể “ăn sổi” để biểu diễn theo hợp đồng, Nhà hát phải có bộ khung nhân sự bởi có nghệ sĩ mới lưu giữ được tác phẩm, nếu không tinh hoa, giá trị văn hóa tác phẩm sẽ dần mai một, chỉ tồn tại trên hình ảnh, bằng giấy chứng nhận. Trong biên chế có một số nghệ sĩ lớn tuổi, không hoạt động nghệ thuật được nữa nhưng lại có bề dày cống hiến, nếu không vận động họ về hưu sớm cũng phải bố trí công việc phù hợp. Từ một ca sĩ, diễn viên quen biểu diễn sang làm hành chính văn phòng cũng phải đi học thêm mới đáp ứng được yêu cầu công việc, chưa kể vị trí có thể sắp xếp có hạn, trong khi số người dôi dư lại nhiều.

Bài toán doanh thu cũng “đau đầu” không kém. Cơ sở vật chất có sẵn, nhưng làm gì để có nguồn thu để trang trải, trả lương nghệ sĩ và tái đầu tư, phát triển. Chưa kể trong bối cảnh xã hội hiện đại, cạnh tranh của nền tảng số, chỉ cần mở điện thoại là có thể xem nhiều chương trình nghệ thuật, gameshow cả trong nước và cả nước ngoài. Một số người bận rộn, quen xem giải trí đơn thuần, ngại thưởng thức chương trình có tính hàn lâm và ngại bỏ tiền mua vé. Cân đối thu chi đã khó càng thêm khó khi hai năm qua có rất ít chương trình biểu diễn bởi ảnh hưởng do đại dịch, Nhà hát phải “lấp chỗ hổng” lấy tiền tích lũy để tồn tại. Lương, thu nhập giảm sâu, nhưng mọi người cố gắng động viên nhau vượt qua khó khăn, để không phải sa thải, cắt bớt nhân sự.

Muốn tồn tại và phát triển, buộc phải làm mới mình, đổi mới tư duy. Một cuộc “cách mạng” trong công tác quản lý nghệ thuật, chi trả theo ngày công lao động và phân cấp nghệ sỹ theo các cấp độ căn cứ danh hiệu, thành tích, giải thưởng, tầm ảnh hưởng, hiệu quả công việc bước đầu tạo khí thế mới trong sáng tạo nghệ thuật, được đông đảo nghệ sĩ thấu hiểu, ủng hộ. Các quy định, chế tài được áp dụng, bảo đảm không “đánh đồng, cào bằng”.

Tiết mục của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tại Đêm hội văn hóa các dân tộc Việt Nam 2018. (Ảnh: LINH ANH).

NSƯT Hoàng Xuân Bình, Phó Giám đốc nhà hát chia sẻ, tư duy về sản xuất chương trình cũng thay đổi theo hướng năng động hơn, không thể “bình chân như vại” thụ động ngồi chờ, bảo đảm hài hòa chất lượng nghệ thuật và bài toán kinh tế. Các tiết mục, chương trình nghệ thuật được coi là sản phẩm, sản xuất theo đặt hàng, cấp độ, quy mô tương ứng với giá tiền, đáp ứng thị trường, công chúng. Chương trình phục vụ đối ngoại cũng phải luôn đổi mới, hấp dẫn hơn, khi có yêu cầu đặt hàng lập tức phản ứng nhanh, lựa chọn nhân sự, triển khai xây dựng để “món ăn tinh thần” mang đậm bản sắc, hồn cốt Việt và hơi thở mới của thời đại mà vẫn bảo đảm phục vụ đối ngoại.

Một trong những điểm nhấn khẳng định thương hiệu là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao trọng trách biểu diễn nghệ thuật phục vụ chính trị, ngoại giao trong nước và quốc tế. Hàng nghìn chương trình nghệ thuật đặc sắc đã được sáng tác, dàn dựng, biểu diễn trong đó nhiều chương trình quy mô hoành tráng đậm tính chính luận, có giá trị nghệ thuật cao đã để lại ấn tượng mạnh mẽ, tiêu biểu như phục vụ Hội nghị APEC; ATF; IPU; GMS-6; WEF ASEAN…, các chương trình nghệ thuật chiêu đãi các nguyên thủ tới Việt Nam, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trọng đại của dân tộc. Các chương trình nghệ thuật của nhà hát biểu diễn tại nhiều nước, nhiều châu lục trên thế giới trong nhiều sự kiện ngoại giao cũng để lại ấn tượng sâu sắc, được bè bạn quốc tế khen ngợi và đánh giá cao. Thành quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, diễn viên cũng góp phần khẳng định “thương hiệu”, tại các hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, nhà hát luôn là đơn vị đoạt nhiều giải cao, huy chương vàng.

Chia sẻ về 70 năm xây dựng, phát triển và bước đầu tự chủ, Giám đốc Nhà hát Nguyễn Hải Linh hồ hởi: Kế tiếp giữ vững truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, Ban Lãnh đạo và tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát luôn đoàn kết, vượt khó, nêu cao tinh thần phấn đấu vươn lên, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của đất nước trên một tầm cao mới và chủ động thích ứng với xu thế mới của xã hội.

Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng, giải thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập (hạng Nhất, Nhì, Ba), có 10 diễn viên, nghệ sĩ đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh; 30 người đoạt Giải thưởng Nhà nước; 37 người được công nhận danh hiệu NSND; 90 người được công nhận danh hiệu NSƯT; đoạt Nhiều Huân, Huy chương Quốc tế của các nước bạn, nhiều Huy chương Vàng, Bạc trong các cuộc thi, liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp trong nước và Quốc tế.