Ở đất này, có mấy ai không yêu tuồng! Và có nhiều người là… “nghệ sĩ nông dân”.
Cả ngày hôm ấy, đưa chúng tôi đi chỗ này chỗ kia, gặp người này người nọ để phỏng vấn, lại chính là ông trưởng đoàn tuồng Phú Mẫn. Ông Nguyễn Đức Tý, nhạc sĩ, vốn dân chuyên nghiệp, đã phụ trách dàn nhạc của Đoàn tuồng giải phóng Quảng Nam – nay là Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, rồi đến Đoàn tuồng Hà Bắc. Nhưng trước khi đi học Trường trung cấp nghệ thuật sân khấu Việt Nam ở Mai Dịch – Hà Nội đầu những năm 70, ông Tý là cậu trai làng mê tuồng, thích hát, hay đàn, là con, là cháu của những nhạc công, diễn viên tuồng quần chúng, những người cùng bao lớp người khác giữ lửa tuồng Phú Mẫn bập bùng qua nhiều thế hệ người.
Ông trưởng đoàn Tý tặng tôi chiếc đĩa tuồng Phú Mẫn về xem. Đĩa ghi hình một đêm diễn ngoạn mục, “quy tụ” diễn viên đoàn tuồng Phú Mẫn – đương nhiên rồi! Nhưng đó mới là “chủ nhà”. Đội thứ hai cũng tạm coi “đồng chủ nhà”, là các diễn viên đoàn tuồng huyện Yên Phong. Còn đội “khách” thì thật… hân hạnh, là các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát tuồng Việt Nam về giao lưu. Những tiết mục tuồng cổ xen kẽ tuồng trung ương, “tuồng thị trấn”, “tuồng làng” gợi lên nhiều cảm nhận thú vị! Ngạc nhiên nữa khi nghe giới thiệu, ngẫm nghĩ thấy nhiều nghệ sĩ trung ương cũng có thể là “đồng chủ nhà” được. Vì có đến khoảng hai chục nghệ sĩ hoặc đã thành tựu, hoặc đang sung sức Nhà hát tuồng Việt Nam, lại chính là người làng Phú Mẫn. Như thế, nhìn cả lực lượng chuyên lẫn không chuyên thì xem ra, Phú Mẫn đã góp công làm một mảnh đất ươm “mầm tuồng”!
Mà cái quý giá trước hết là đất này nuôi lớn những tâm hồn bình dị và dân dã biết yêu điệu nhạc, câu hát tuồng, để chưa cần nói đi đâu xa, bao lứa diễn viên quần chúng đã đàn, đã hát, đã múa, và nhiều thế hệ khán giả làng đã hoan hô, đã say mê cổ vũ những “nghệ sĩ làng” của mình.
Ông Nguyễn Văn Tính, phụ trách nghệ thuật của Đoàn tuồng Phú Mẫn, đã có thâm niên với tuồng từ khi đi học trường sân khấu năm 1977 rồi về làm diễn viên Đoàn tuồng Hà Bắc, được giao đóng nhiều vai chính. Bây giờ các vai đã đóng quen, ông thường hướng dẫn, uốn nắn cho mọi người: Triệu Tử Long vở “Triệu Tử Long phò A Đẩu”, Châu Sáng vở “Ngũ Vân Thiệu”, Tổng đốc Lê Hoan vở “Đề Thám”, Thoát Hoan vở “An Tư công chúa”, Khương Linh Tá vở “Sơn Hậu”… Bố ông là NSƯT Nguyễn Văn Thành, ông chú là NSƯT Nguyễn Văn Kính, những nghệ sĩ kỳ cựu thế hệ trước của tuồng trung ương, rồi ông em, đứa cháu của ông Tính, cũng đều đang công tác ở đó. Ông Tính coi đó là “gien tuồng”, ông bảo, thế hệ các ông, các bác có thể coi là “nòi tuồng”, nhiều cụ có cả một gia đình tuồng, như cụ Lê Tài Hỷ, trưởng đoàn trước, đời ông cụ thân sinh ra cụ Hỷ cũng diễn tuồng. Hoặc như nhà ông Tý trưởng đoàn thì em ruột của ông là NSƯT Đức Mười ở tuồng Trung Ương.
Ông Nguyễn Duy Đông, diễn viên 70 tuổi của đoàn đã diễn tuồng từ năm 13 tuổi, ông được mấy Huy chương Vàng cho vai Lão Tạ trong vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”. Ông kể: “Các cậu tôi đều diễn tuồng. Năm tôi 16, 17 tuổi, các nghệ sĩ tuồng trung ương về làm phong trào, tôi tham gia tập cả ngày cả đêm ba tháng trời. Trước tôi đi nghĩa vụ rồi về làm ruộng thôi, nhưng yêu tuồng bằng cả tâm huyết, nên phong trào có lúc trầm xuống nhưng tôi vẫn nghĩ đến. Sau phong trào lên, tôi lại tham gia. Sinh hoạt với tuồng ở thôn, tôi sinh hoạt cả với tuồng huyện nữa. Có ăn lương gì đâu, diễn không chuyên cho nó vui! Con gái tôi từ bé cũng ngấm cái tâm huyết của gia đình nên nó thi vào làm sinh viên Trường ĐH SK&ĐA Hà Nội. Bây giờ cả hai vợ chồng nó đều là diễn viên tuồng trung ương”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, 65 tuổi, “cán bộ ngoại giao” của đoàn tuồng Phú Mẫn kể, xưa mỗi lần đoàn diễn, bà con xem đông lắm! Nay qua nhiều chặng thăng rồi lại trầm, cũng có những năm bom đạn, rồi thời bao cấp, tuồng có lắng đi chút ít, nhưng lâu nay thì lại khởi lên rồi. Ông Tuấn lo tổ chức, sắp xếp, chuẩn bị cho mọi người diễn, ông bảo, có những nhà tài trợ họ giúp cũng “khá” lắm! Còn rất nhiều người khác, xem tuồng tự động hỗ trợ đoàn 50 nghìn, 100, 200 nghìn đồng. Có những người 500 nghìn, 1 triệu đồng cũng không phải là chuyện lạ. Trưởng đoàn Tý cũng xác nhận điều này, ông cho biết thêm, với một đoàn tuồng không chuyên ở cơ sở, mà lại của một thôn, “tự sinh tự dưỡng”, có đến hơn ba chục người, đủ cả đào, kép, đội nhạc, đạo cụ, trang phục, hóa trang cùng một kịch mục hàng hơn hai chục vở, trích đoạn đã dựng, đã diễn…, vậy là đã rất “đầy đặn” rồi! “Xuân thu nhị kỳ”, năm khoảng hai, ba đêm diễn. Đầu năm dịp hội lễ, cuối thu trời mát mẻ, đoàn có thể diễn vở hoặc vài trích đoạn phục vụ dân làng. Riêng các công việc bếp núc, từ lắp sân khấu đến lo điện đóm, âm thanh, thông báo, mời mọc…, là chính quyền và các ban ngành của thôn giúp cho chu đáo.
Trang hoàng phòng truyền thống tuồng ở thôn Phú Mẫn.
Một sự “chắp cánh” có thể coi là dấu ấn đối với đoàn tuồng Phú Mẫn, đó là mới rồi, trước thềm dịp giỗ tổ nghề, lãnh đạo thôn đã quyết định giao cho đoàn căn phòng hai gian, thoáng đãng, sạch sẽ, xây kiên cố, ở cạnh nhà văn hóa thôn, để làm phòng truyền thống, trước mặt lại có sân rộng, bóng cây. Cũng chính là để đoàn có “trụ sở” tề tựu, sinh hoạt, trưng bày những bức ảnh các thành viên trong những chuyến tham gia liên hoan, hội diễn, những cuộc giao lưu bao năm qua. Đương nhiên, phải treo kèm theo cả những bằng khen, giấy khen, chứng nhận huy chương mà ngành văn hóa, rồi tỉnh Bắc Ninh… trao cho vở diễn, tiết mục hay một số gương mặt của đoàn.
Coi như nhà nông có được mảnh vườn, có thể ươm trồng thêm nhiều mơ ước, các thành viên tuồng Phú Mẫn náo nức. Bởi bao năm nay, bài vị tổ nghề thường vẫn đặt tại nhà một người trong đoàn, rồi hàng năm vào ngày giỗ tổ, mọi người về đó thắp hương. Bây giờ trong căn phòng sáng sủa, tủ thờ, bài vị, hình mặt nạ tuồng đóng trong khung, cặp câu đối dán hai bên, thảy đã xếp đặt xong, giản dị và nghiêm cẩn.
Trước giờ làm lễ giỗ tổ, trải chiếu ngồi chơi trên sân trước “văn phòng” mới, ông Nguyễn Đăng Đoàn - Bí thư Đảng ủy thôn chia sẻ những suy nghĩ rất tích cực: Mình làm là làm cho mình trước, cho đời sống văn hóa của thôn ngày càng được bồi đắp thêm. Phú Mẫn vốn đã có bề dày văn hóa, nào là đất vật có tiếng, góp nhiều vận động viên cho tỉnh, cho đất nước; nào là đất học từ xưa, nay có phong trào khuyến học sôi nổi, nhiều em đỗ đạt, nhiều người thành đạt; rồi thì có truyền thuyết chiếc trống sấm hơn nửa thế kỷ; có hai cây thị cổ thụ hàng hơn 500, hơn 600 tuổi; lại có lá thư năm 1969 của Bác Hồ khen thiếu nhi Phú Mẫn… Những truyền thống, nét đẹp ấy phải giữ. Nghệ thuật tuồng cũng là một vốn quý của làng thôn, của bà con, cũng phải nâng niu để bà con biểu diễn và thưởng thức. Ông Đoàn còn kể một dự định, thôn sẽ vận động làm sân khấu cho đoàn theo kiểu lắp ghép để tiện sử dụng ở những nơi khác nhau. Sau đó sẽ đến chỉnh trang, sắm sửa trang phục cho các diễn viên. Hôm trước, ông Đoàn cùng mọi người lên rạp Hồng Hà giữa Hà Nội, dự kỷ niệm 55 năm Nhà hát tuồng Việt Nam, thấy có treo nhiều mặt nạ tuồng, như những đồ trang trí rất hay ở đây. Ông cũng hy vọng có thể sắm một số chiếc như thế, cỡ nhỏ cho vừa vừa để làm đẹp thêm cho căn phòng nhỏ này. Chưa có kinh phí nhiều thì cứ ít một, từng việc một, miễn là mình đừng bỏ rơi!
Bên hiên phòng truyền thống vừa đóng xong chiếc biển, ông Nguyễn Văn Tính cho biết: Hiện giờ trong đoàn nhiều người đã già, nay mai cũng sẽ yếu. Chúng tôi sẽ phải quan tâm hơn đến việc dạy thế hệ trung tuổi và các em, các cháu. Dạy bằng “bắt tay chỉ ngón”, diễn tuồng phải công phu lắm, yêu là một chuyện, nhưng không khổ luyện thì không nên được cái gì cả!
Lớp người kỳ cựu đã đắm say tuồng cả cuộc đời, đã đi bộ đội về làm nông dân, lại “dính” vào với tuồng; đã đi công tác, lập nghiệp xa, khi hồi hương cũng lại như về với tuồng quê nhà; rồi những người bán buôn chạy chợ trong vùng, nhưng ngoài khoảng tất bật, vẫn có lúc dành giọng hát, bàn tay, bước đi của mình cho tuồng… Bây giờ thì cũng không lạc quan quá đến mức bảo muốn gì là sẽ như thế, muốn rực rỡ là có thể lung linh ngay được! Vì lớp người sau còn nhiều thứ cần làm, cần lo lắm! Nhưng cứ nhìn cái cách người ta quý trọng nghệ thuật và “chơi” nghệ thuật ở nơi thôn xóm như thế, đã kéo dài được bao năm nay, thì nhiều người vẫn thấy có thể tin lâu dài vào dòng chảy nghệ thuật của đất ươm “mầm tuồng” Phú Mẫn.