Sau khi biết tác phẩm của mình bị sử dụng bất hợp pháp, tác giả Hồ Huy Sơn còn phát hiện được một số sách tham khảo cho học sinh có nội dung lấy từ các bài viết trên báo Thiếu niên tiền phong. Cùng thời điểm này, một giáo viên văn tiểu học cung cấp thêm thông tin: sách bài tập tiếng Việt lớp 5 cũng sử dụng tản văn của nhiều tác giả. Câu hỏi được đặt ra là: ngoài tác giả Hồ Huy Sơn, các tác giả khác có tác phẩm được sử dụng làm bài tham khảo trong những cuốn sách này đã được NXB thông báo, xin phép sử dụng tác phẩm và chi trả nhuận bút hay chưa? Mới đây, tác giả Nguyễn Hữu Hôn – người có tác phẩm được chọn in trong một cuốn sách tham khảo cho học sinh tiểu học, cho biết tác giả cũng không hề được NXB thông báo, và xin phép sử dụng. Như vậy rất nhiều tác giả khác cũng có thể bị NXB “bỏ quên” quyền lợi, dù có tác phẩm được sử dụng trong sách, thậm chí sách được tái bản liên tục qua nhiều năm!
Sau khi tác giả Hồ Huy Sơn lên tiếng, NXB Giáo dục đã có công văn xin lỗi, tuy nhiên điều đáng nói là quả bóng trách nhiệm lại bị đẩy sang... người biên soạn cuốn sách! Vậy NXB cấp giấy phép để in ấn, phát hành những cuốn sách này chẳng lẽ vô can? Trước sự việc trên, nhà văn Đỗ Bích Thúy nhận xét: “Đây là hành vi ăn cắp chất xám. Không bị phát hiện thì sẽ lờ đi, bị phát hiện thì chối quanh, bên nọ đổ lỗi cho bên kia. NXB Giáo dục cho dù liên kết hay bán giấy phép thì vẫn phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong sự việc này”.
Còn nhớ hơn một năm trước, với những nỗ lực và sự kiên quyết từ Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) NXB Giáo dục đã phải trả gần 500 triệu đồng cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa. Số tiền trả mỗi nhà văn thực chất không lớn. Dù có nhiều tác phẩm được sử dụng trong sách, nhưng nhà văn Tô Hoài chỉ nhận hơn 20 triệu đồng, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận 17 triệu đồng. Có nhà thơ chỉ nhận số tiền bản quyền đủ ăn hai bát phở (!) Nhưng điều quan trọng hơn cả, đó là qua sự việc trên đã góp phần làm thay đổi cách ứng xử đối với tác phẩm văn học và nhà văn.
Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm văn học, họ có trách nhiệm với tác phẩm của mình, đồng thời cũng có quyền lợi khi tác phẩm được in ấn, xuất bản. Vậy nhưng nhiều năm qua, tình trạng bỏ quên quyền lợi của nhà văn vẫn diễn ra khá phổ biến, mà sự việc ở NXB Giáo dục là thí dụ tiêu biểu. Bên cạnh đó cũng không thể không nhắc đến nhiều tuyển tập văn học hiện được xuất bản theo lối “nhặt nhạnh”: người biên soạn lấy tác phẩm từ báo chí, hoặc sách của nhà văn rồi gom để in thành tuyển tập. Nhà văn không hề biết, không hề được xin phép, và tiền nhuận bút cũng không hề được nhận. Khi phát hiện, có nhà văn đã gọi điện đến NXB để khiếu nại, thì chỉ nhận được chỉ dẫn rất chung chung là phải liên lạc trực tiếp với người biên soạn để giải quyết, NXB không chịu trách nhiệm!
Vậy người biên soạn là ai? Có khi chỉ là một cái tên ảo, có khi là một đầu nậu sách đứng tên, và để tìm được họ mà đòi quyền lợi thì không dễ chút nào. Mất công sức, mất thời gian, ngại phiền hà, tiền nhuận bút có khi chẳng đáng là bao nên nhiều nhà văn đành ấm ức bỏ qua. Chính tâm lý này đã khiến cho những đơn vị làm sách lợi dụng để kiếm lời.
Hiện nay những vi phạm về bản quyền tác phẩm văn học hầu hết đều do các bên liên quan tự giải quyết với nhau. Những xử phạt của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Chính vì thế tình trạng vi phạm vẫn tồn tại như một khoảng trắng nhức nhối trong lĩnh vực xuất bản. Để thay đổi được tình trạng này, rất cần sự thay đổi nhận thức và hành động của các NXB, cũng như các nhà văn.