Luật yêu cầu rạp chiếu, địa phương không chấp hành

|

NDO - NDĐT – Luật Điện ảnh ban hành từ năm 2006, trong đó có quy định các tỉnh phải dành diện tích cho rạp chiếu phim trong quy hoạch. Tuy nhiên, từ khi Luật ra đời cho đến nay, nhiều tỉnh vẫn “trắng” rạp chiếu phim và trong quy hoạch cũng không đề cập đến hạng mục văn hóa quan trọng này. Đây là nghịch lý được đề cập đến nhiều trong Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Điện ảnh do Cục Điện ảnh vừa tổ chức.

Theo thống kê Tổ chức và hệ thống rạp chiếu phim đang hoạt động năm 2015 của Cục Điện ảnh, trong cả nước có tới 18 tỉnh không có rạp chiếu bóng, hoặc có nhưng đã bị xóa sổ hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Ông Vũ Trọng Hướng, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Yên Bái cho biết, hiện nay ở Yên Bái có hai rạp chiếu phim, mỗi rạp chiếu thường xuyên 2 đêm/tuần, nhưng cả hai rạp này ban ngày đều là nơi làm việc hành chính của hai đơn vị khác thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và cũng thuộc quản lý chính thức của hai đơn vị này. Như vậy, chỉ có đến tối thì Trung tâm mới có thể “mượn” rạp để phục vụ mục đích phát hành phim, chính vì thế cho nên điều kiện cơ sở vật chất của cả hai rạp đều rất kém, ghế cứng, không có hệ thống quạt thông gió, điều hòa nhiệt độ, chỉ làm mát và thông gió bằng quạt trần. Cùng với việc không có nguồn phim, không có hệ thống âm thanh nổi, âm thanh vòm mà chỉ sử dụng hệ thống âm thanh stereo, cho nên số lượng khán giả đến rạp rất thưa vắng, và cũng không có nguồn thu nào bù đắp bởi hoạt động chiếu phim chủ yếu là miễn phí.

Đối với Thanh Hóa, theo như ông Nguyễn Viết Tỵ, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thanh Hóa, hiện nay tỉnh này là một trong số 18 tỉnh thành của cả nước hoàn toàn không có rạp chiếu phim, mặc dù diện tích rất rộng và đông dân cư. Trước đây Thanh Hóa có rạp Hội An nhưng đã chia lô bán đất, còn Nhà hát Lam Sơn lại không có chức năng hoạt động chiếu phim. Cả tỉnh chỉ có một phòng chiếu quy mô 130 ghế được cải tạo từ Hội trường cũ của Liên minh HTX Thủ công nghiệp tỉnh trước năm 1980, tuy đã được sửa chữa nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của rạp chiếu phim.

Tương tự như Thanh Hóa, Gia Lai cũng là tỉnh hoàn toàn vắng bóng rạp chiếu phim. Ông Đinh Công Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Du lịch Gia Lai cho biết, hiện tại ở Gia Lai các rạp đã được cải tạo xây dựng nhà hàng, khách sạn, còn lại một rạp chiếu bóng Hoa Lư đến năm 2008 nằm trong quy hoạch xây dựng quảng trường Đại Đoàn Kết cho nên bị giải phóng mặt bằng. Vì thế, từ năm 2009-2012 Trung tâm liên kết với Nhà văn hóa lao động tỉnh tổ chức chiếu phim nhựa duy trì hoạt động. Nhưng đến năm 2013, do hết nguồn phim nhựa nên cũng dừng hoạt động này luôn.

Đây chỉ là ba trong số 18 địa phương trong cả nước hoàn toàn chưa có rạp chiếu phim.

Bà Lương Minh Phương, Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho rằng, ở nhiều địa phương, quy hoạch các đô thị, các thành phố lớn vẫn chưa có quy hoạch dành cho rạp chiếu phim, nếu có quỹ đất thì cũng chưa có vốn xây dựng, đây là điều cần phải thay đổi. Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia cũng cho rằng, cần phải dành quỹ đất xây dựng các rạp. Điều 5 chương 1 của Luật có ghi “Trong quy hoạch của khu đô thị phải dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim” nhưng rất chung chung. Theo ông Dương, đúng ra quy hoạch rồi phải có đầu tư, có thể từ Nhà nước, tư nhân hay xã hội hóa tùy theo tình hình và điều kiện của từng địa phương. Trong hệ thống phát hành phim và các rạp hiện nay rất lung tung, thiếu sự quản lý từ trên xuống dưới. Ông Nguyễn Danh Dương đề nghị phải làm rõ hơn nội dung này.

TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, Luật quy định các tỉnh dành quỹ đất trung tâm cho rạp chiếu nhưng thực tế rất đáng báo động: đến năm 2016 nhiều tỉnh không có quỹ đất cho rạp chiếu, và nếu có thì cũng bị thu hồi lại. Bà Ngô Phương Lan nói: “Luật và Chiến lược Điện ảnh đều đã ban hành, được Chính phủ phê duyệt, nhưng địa phương không chấp hành thì như thế nào?” Tuy nhiên, bà Ngô Phương Lan cũng phân tích rằng, địa phương cũng có cái khó là cần có ngân sách, phải có nguồn thu mới có thể đầu tư cho những hạng mục này. Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng chỉ ra rằng, một số địa phương đông dân, có quỹ đất nhưng không chủ động xây dựng rạp mà tự coi mình như vùng sâu vùng xa để chờ Nhà nước đầu tư. Cho nên một trong những giải pháp là các địa phương phải tự hành động. Học tập kinh nghiệm xã hội hóa từ các địa phương đã thành công trong việc này cũng là một giải pháp.

Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Luật quy định như vậy nhưng quy định quỹ đất phải do chủ tịch các tỉnh quyết định chứ Bộ không tham gia quyết định được.

Chính vì những chồng chéo như vậy, cho nên có lẽ phải có thêm những cuộc làm việc giữa các bên liên quan để thống nhất vấn đề này, để mục đích cuối cùng là đem lại sự hưởng thụ tinh thần công bằng cho người dân ở các địa phương khác nhau.