Nền nghệ thuật điêu khắc nước nhà đã trải qua một chặng đường phát triển rất dài và đã có rất nhiều thay đổi. Nhà phê bình Vũ Huy Thông nhận xét, trước đây các tác phẩm chủ yếu là thạch cao, do điều kiện kinh tế, sau này đã có nhiều loại chất liệu phong phú, và các nhà điêu khắc vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm tiếng nói riêng về phong cách, chất liệu…
Tác phẩm Phôi II của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn tại Triển lãm.
Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn cho biết, trước đây, các tác phẩm điêu khắc mang tính salon nhiều, còn bây giờ, tác phẩm đã linh hoạt hơn, hướng tới phù hợp với tất cả các không gian kiến trúc, với tư duy tạo hình mới, đặt tác phẩm ở các không gian thay đổi, đi xa hơn trong sử dụng chất liệu… Ông cũng cho rằng, cơ hội tham gia các hoạt động nghề nghiệp định kỳ của các nhà điêu khắc là rất ít, 10 năm mới có một triển lãm toàn quốc. Ở TP Hồ Chí Minh, mặc dù các hoạt động triển lãm định kỳ ít hơn Hà Nội, nhưng lại có nhiều không gian công cộng phù hợp với trưng bày các tác phẩm điêu khắc.
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải cho rằng, triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn đặt trong môi trường sinh viên như thế này có ý nghĩa rất quan trọng, để khẳng định rằng dù làm kiến trúc hay xây dựng cũng phải biết đến không gian văn hóa. Việc tổ chức một không gian đô thị, hay quy hoạch rất cần đến thẩm mỹ, điêu khắc và những giá trị văn hóa, điều mà nhiều chủ đầu tư công trình xây dựng đang bỏ qua hiện nay.
Khẳng định lại mối liên quan chặt chẽ này, nhà điêu khắc Vũ Quang Sáng cho rằng, giữa kiến trúc và điêu khắc có mối liên kết chặt chẽ, vừa về khối và về công năng sử dụng. Công trình kiến trúc thực ra là một tác phẩm điêu khắc với con người sống ở bên trong, trong điêu khắc có kiến trúc và ngược lại, trong kiến trúc không thể thiếu điêu khắc. Công trình nào có được cả hai yếu tố này đều rất có lợi: kiến trúc sư thì bao quát tốt, còn tác phẩm điêu khắc thì có lợi về hình khối. Ông cho rằng, tác nghiệp với hai loại hình này cũng không khác nhau mấy: “Tôi làm song hành cả hai loại hình này. Tác phẩm của tôi thường gắn hai loại hình này với nhau”. Nhà điêu khắc Vũ Quang Sáng cũng cho rằng, hiện nay, ngày càng nhiều nhà điêu khắc lựa chọn chất liệu sắt, rất phù hợp với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại là kính, thép và khối. Ông nói: “Tư duy trong sáng tác điêu khắc là phải theo kịp xu thế thời đại”.
Dơi - Tác phẩm của nhà điêu khắc Trần Việt Hưng.
Nhiều nhà điêu khắc hiện nay cũng đang giữ vai trò giảng dạy trong trường ĐH Kiến trúc như Bùi Hải Sơn, Phạm Thái Bình, Vũ Bình Minh… Nhà điêu khắc Phạm Thái Bình cũng cho biết, năm 2011 trường ĐH Kiến trúc mở mã ngành điêu khắc, và đồng hành với các nhà quy hoạch, kiến trúc sư trong quy hoạch không gian công cộng, và trang trí cho không gian đó.
Nhà phê bình Vũ Huy Thông cho biết, hiện nay nhu cầu về điêu khắc trong kiến trúc, của các tác phẩm điêu khắc trong không gian công cộng là có. Điêu khắc và kiến trúc vốn có sự gắn bó hữu cơ, nhưng gần đây đã xuống cấp do sự quan liêu trong xây dựng công trình công cộng, đem lại những phản tác dụng trong tuyên truyền. Nhà nước cần đưa ra quy định như khi xây dựng công trình công cộng phải dành bao nhiêu % diện tích cho điêu khắc, và có đánh giá, ai đạt yêu cầu sẽ được xây dựng công trình đó. Người được thụ hưởng là dân chúng.
Nếu các nhà điêu khắc Việt Nam có nhiều cơ hội, sân chơi, các sinh viên hiểu và thích điêu khắc thì không những tương lai của điêu khắc sẽ mở rộng hơn, bộ mặt các không gian công cộng thay đổi, mà chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng cao hơn.