Nữ đồng chí lão thành Huỳnh Thị Hiệp sinh năm 1930, quê ở xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vào Đảng năm 1947, khi vừa tròn 17 tuổi. Trọn cuộc đời bà đi theo Đảng, theo con đường bà đã chọn từ tuổi ấu thơ khi tham gia đoàn quân cách mạng giành chính quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở quê hương. Cũng từ những ngày tháng hoạt động cách mạng ở quê hương, lý tưởng sáng ngời của Đảng đã thành lẽ sống của cuộc đời bà, đã dẫn dắt bà đi suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, đóng góp tất cả công sức, tài năng, trí tuệ của mình cho sự nghiệp cao quý của Đảng.
Bà Huỳnh Thị Hiệp tham gia đội du kích quê hương Viêm Đông khi 15 tuổi. Năm 17 tuổi, bà phụ trách đội nữ du kích Huyện đội Điện Bàn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bà tham gia trận đánh cuối cùng là chiến dịch Bồ Bồ, một ngày trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, trên cương vị trung đội trưởng du kích tham gia chiến dịch và trực tiếp chiến đấu, góp phần làm nên chiến công Bồ Bồ. Chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền bắc, bà cũng là đại đội trưởng một đại đội tự vệ đánh B52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972, góp phần làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” buộc đế quốc Mỹ phải ký kết hiệp định Pa-ri năm 1973. Sau khi tập kết ra bắc năm 1954 và thống nhất đất nước năm 1975, bà Huỳnh Thị Hiệp từng kinh qua các vị trí: cán bộ tổ chức nhân sự Nhà máy Dệt Nam Định, Vụ Tổ chức - Tiền lương Bộ Công nghiệp nhẹ, Trưởng phòng tổ chức Nhà máy thuốc lá Hà Nội, Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Nhà máy Thực phẩm Hải Hà, Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên hiệp xay xát bột mì Bình Đông - TP Hồ Chí Minh và Bí thư Đảng bộ Công ty bột mì Bình Đông… Ở vị trí công tác nào, bà cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cho dù phải vượt qua rất nhiều những khó khăn trong bối cảnh đất nước vừa chiến đấu, vừa sản xuất.
Nữ đồng chí Huỳnh Thị Hiệp là người vợ thủy chung của Trung tá, liệt sĩ Lê Nam (Trần Ngọc Quế), Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, đánh trận Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Trưởng phòng Huấn luyện - giáo dục của Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Đồng chí Lê Nam đã được Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương cao quý trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đồng chí hy sinh ngày 31-1-1968 tại Mặt trận Đường 9 - Nam Lào với cương vị Trưởng ban Tuyên huấn mặt trận Đường 9 Khe Sanh. Đồng chí Lê Nam hy sinh khi bà Huỳnh Thị Hiệp còn trẻ, nhưng bà đã ở vậy nuôi các con ăn học trưởng thành và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của nữ đồng chí lão thành Huỳnh Thị Hiệp như một khúc tráng ca đẹp của tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu với Đảng và gia đình. Những dòng hồi ký chân thật, giản dị của bà đã làm người đọc rưng rưng vì xúc động, vì yêu thương một cuộc đời quá thánh thiện, giàu đức hy sinh và vô cùng cao quý.