Nguyễn Á - những hành trình không mỏi

|

Với bảy tập sách ảnh chuyên đề công phu thực hiện trong suốt 10 năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á (trong ảnh) là cái tên được nhiều người nể phục bởi tinh thần lao động nghệ thuật. Mới đây, dịp kỷ niệm một năm nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, anh có cuộc triển lãm ảnh và ra mắt sách Hầu đồng Việt Nam tại Hà Nội.

Những ngày đầu năm 2018, tại Nhà Thông tin - Triển lãm số 45 và không gian phố đi bộ Tràng Tiền, Hà Nội, đông đảo người dân và du khách được thưởng thức những giá đồng hấp dẫn và màn trình diễn trang phục lung linh sắc màu của các nghệ nhân dân gian, thanh đồng một số tỉnh, thành phố phía bắc. Những hoạt động phụ trợ sôi động, đặc sắc ấy làm bối cảnh cho việc “trình làng” công trình mới độc đáo của nghệ sĩ Nguyễn Á: sách ảnh Hầu đồng Việt Nam. Cuốn sách dày hơn 400 trang gồm hàng trăm bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc thăng hoa, được tác giả sắp xếp theo chủ đề, tạo ra những mẩu chuyện về nhân vật, sự kiện mà suốt hai năm anh chứng kiến tại nhiều nơi, như: Phủ Dầy, Đền Mẫu Đông Cuông, Đền Bắc Lệ, Phủ Tây Hồ, Điện Hòn Chén... Những hình ảnh tư liệu giúp mọi người hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu; đồng thời mang tính khoa học, là “cẩm nang” giúp cộng đồng chủ thể trong các bước thực hành nghi lễ. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh nhận xét: “Đây là bộ sưu tập ảnh lớn được áp dụng phương thức báo chí nghệ thuật, một thế mạnh của Nguyễn Á. Với thể loại phóng sự ảnh, nhiều câu chuyện về tín ngưỡng hầu đồng được tác giả kể lại bằng hình ảnh sinh động mà chi tiết, giúp người xem cảm nhận một cách khá trọn vẹn, hiểu kỹ hơn, đúng hơn một hoạt động tín ngưỡng, tâm linh dân gian có từ bao đời nay”.

Những người quen biết đều không khỏi nể phục sức sáng tác, lao động bền bỉ của Nguyễn Á. Với bộ sách ảnh 11 Di sản Văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh, trong suốt năm 2016 anh miệt mài từ nam ra bắc, đồng hành cùng các nghệ nhân di sản văn hóa, khi có các lễ hội liên quan đến di sản. “Tôi đã trải qua những ngày độc hành chụp hình, rong ruổi với các nghệ nhân của cả 11 di sản trên khắp đất nước. Động lực để thực hiện bộ ảnh chính là trong hành trình đơn độc ấy, tôi cảm nhận được hồn dân tộc đang thăng hoa và cộng hưởng cùng mình”. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á sinh năm 1968 tại TP Hồ Chí Minh, bắt đầu cầm máy ở tuổi 22, mưu sinh bằng việc chụp ảnh cưới, quảng cáo, in lịch... Cuộc triển lãm ảnh tôn vinh cộng đồng đầu tiên diễn ra vào năm 2008 khi anh ghi lại những khoảnh khắc của “Thanh niên tình nguyện mùa Hè xanh”. Năm 2009, Nguyễn Á triển lãm ảnh Họ đã sống như thế, về những người khuyết tật vượt qua số phận khắc nghiệt. Năm 2012, anh triển lãm và xuất bản sách ảnh Tâm và tài họ là ai? (tập 1, NXB Trẻ); ghi lại chân dung, công việc và cuộc sống đời thường của nhiều người nổi tiếng đã cống hiến cả cuộc đời vì Tổ quốc. Không dừng lại ở sự tôn vinh cá nhân, Nguyễn Á từng năm lần đi Trường Sa, hoàn thành bộ sách ảnh Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam vào năm 2014... Với quan điểm “tự do sáng tạo”, không muốn bị áp đặt, Nguyễn Á tự bỏ tiền túi đầu tư làm sách chứ không xin tài trợ, dù việc này không phải khó với anh. Chẳng hạn, bộ sách ảnh Nick Vujicic và những ngày ở Việt Nam, anh không hề được ban tổ chức tài trợ mà hoàn toàn bỏ tiền túi theo đuổi sự kiện, từ đi lại, ăn ở cho đến khi triển lãm và in sách. 30 năm làm nghề với những công trình sách ảnh đồ sộ, giá trị cả về nội dung và nghệ thuật, Nguyễn Á từng đoạt danh hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (EVAPA) cùng nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước.

Khi âm hưởng niềm vui vừa xong một “đại sự” còn chưa dứt, Nguyễn Á lại tất bật, say sưa với hành trình cho một chủ đề đang ấp ủ: Vòng quanh châu Á. Anh cho biết, sẽ đi khoảng 30 nước trong khu vực để kiếm tìm những khoảnh khắc đáng nhớ cho bộ ảnh “khủng”; dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Dường như với Nguyễn Á, không có sự ngưng nghỉ, dừng chân.