Người miệt mài tôn vinh âm nhạc cổ truyền

|

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng (trong ảnh) miệt mài trên con đường tôn vinh những giá trị âm nhạc cổ truyền, thổi vào đó tinh thần và sức sống của thời đại, tạo nên không gian âm nhạc dân tộc sang trọng, hiện đại, quyến rũ.

1. Gặp Trần Mạnh Hùng ở ngoài đời, người ta nghĩ anh là một kỹ sư điện tử hơn là một nhà soạn nhạc. Áo sơ mi cổ cồn, cặp kính cận mầu trắng, khuôn mặt nghiêm nghị, nói năng nhỏ nhẹ, khiêm tốn; không nhiều người biết rằng, anh là người “ẵm” nhiều giải thưởng nhất cho những tác phẩm khí nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Liên khúc giao hưởng “Một nửa cõi trầm” đoạt giải nhất sáng tác khí nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (năm 2007). Romance “Gió lộng bốn phương” - giải nhì sáng tác thanh nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (năm 2007). Tứ tấu đàn dây “String Quartet No.2” - giải nhất sáng tác khí nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (năm 2008). Romance “Giấc mơ mùa lá” - giải nhất sáng tác thanh nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (năm 2009). Giao hưởng thơ “Hào khí Thăng Long” - giải nhất sáng tác khí nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (năm 2010). Duo “Thế giới không chiến tranh” - giải nhất sáng tác thanh nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (năm 2010). Đặc biệt, giao hưởng thơ “Lệ Chi Viên” - giải nhất sáng tác khí nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2009, công diễn tại Bon và Béc-lin đã được khán giả nồng nhiệt chào đón, đến nỗi ngay hôm sau, hàng loạt báo Đức đã không tiếc lời khen ngợi. Nhưng dấu ấn trong hành trình sáng tác khí nhạc của anh trong ba năm gần đây lại chính là “giao hưởng hóa” nhạc dân tộc. Anh đã mạnh dạn đưa âm nhạc dân tộc làm tâm điểm, sử dụng dàn nhạc giao hưởng và dàn nhạc nhẹ tôn vinh cho vẻ đẹp của nhạc dân tộc.

2. Nhiều người nói Trần Mạnh Hùng là kẻ thích chơi trội, lại có người bảo anh cố tình tìm kiếm một con đường để trở nên nổi tiếng hơn giữa thị trường âm nhạc đa phong cách ở mảnh đất Sài Gòn. Có người hoài nghi về hiệu quả của việc pha trộn các dòng âm nhạc. Nhưng bỏ ngoài tai tất cả, với Trần Mạnh Hùng thám hiểm vào địa hạt nhạc truyền thống, rồi đưa lên sân khấu một cách trang trọng, chỉ đơn giản là vì sự thôi thúc của một trái tim đam mê âm nhạc dân tộc.

20 năm trước đây, Trần Mạnh Hùng tốt nghiệp xuất sắc cao học Khoa Sáng tác - lý luận - chỉ huy (Nhạc viện Quốc gia Việt Nam), là một trong những học trò yêu của cố nghệ sĩ Đàm Linh. Nhưng phải kể đến thời gian trước đó rất xa, từ lúc anh lên 10 tuổi, người mẹ của anh đã hun đúc tình yêu âm nhạc cổ truyền khi dắt tay cậu con trai nhỏ bé, yếu đuối của mình gửi gắm vào lớp đàn bầu. Những năm 1992, 1993 - là thời điểm “cơm, áo không đùa với khách thơ”, Trần Mạnh Hùng tự học pi-a-nô, đàn ki-bót và chơi trong các ban nhạc nhẹ để kiếm tiền trang trải cuộc sống khi người mẹ qua đời vì bạo bệnh và gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Không ít lần, Hùng mong ước giá như được học bài bản về nhạc cụ phương tây để kiếm tiền nhiều hơn, nhưng từ những tháng năm học đàn bầu, ngờ đâu, tình yêu âm nhạc cổ truyền đã ngấm vào từng thớ thịt, mạch máu của anh.

Thành quả của những ngày tháng gõ cửa âm nhạc truyền thống còn là việc ra mắt công chúng TP Hồ Chí Minh chương trình biểu diễn độc đáo “giao hưởng hóa” dân ca. Rất nhiều bài dân ca được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng và thính phòng và biểu diễn cực kỳ thành công. Ví như ca khúc “Đợi nàng” được viết dựa trên dân ca Tày “Thei mai” và “Người yêu hỡi” là làn điệu dân ca Chăm, “Ô mơi” - dân ca Kho Lạch và “Kpu leh” là điệu hát ru của người Giẻ Triêng, “Gió đánh đò đưa” theo làn điệu dân ca Bắc Bộ. Có thể nói, Trần Mạnh Hùng đã thật sự xây nên lâu đài âm nhạc lộng lẫy, trong đó, tinh hoa văn hóa dân tộc lấp lánh, ấm áp và tràn đầy tình cảm, làm thăng hoa những giá trị âm nhạc bản địa mà cha ông ta đã lưu truyền từ hàng nghìn năm nay.

Ngập tràn hạnh phúc mới bên người vợ luôn đồng hành cùng dự án âm nhạc của chồng, “Khúc giao hòa ngày xuân” ra đời đủ sức nặng để chinh phục khán giả Việt Nam và nước ngoài. Đặc biệt, trong chuyến lưu diễn St. Pê-téc-bua (Nga) hồi tháng 7-2016, dàn nhạc tổng hợp đa phong cách gồm 80 nhạc công trong đó có 13 diễn viên dàn nhạc dân tộc đã thành công vang dội ở nước Nga, góp phần tạo nên diện mạo mới cho âm nhạc và văn hóa Việt Nam.“Con đường của Trần Mạnh Hùng thật tuyệt vời nhưng lại có rất ít nhạc sĩ theo đuổi” - NSƯT Trần Vương Thạch từng nhận xét như vậy.

3. Trò chuyện với Trần Mạnh Hùng bên quán cà-phê giản dị, nhiều cây xanh ở góc dinh Độc Lập (TP Hồ Chí Minh), với những câu hỏi phải khéo gợi mở, mới có thể lý giải chút gì đó về con đường độc hành của nhạc sĩ trẻ này.

Trần Mạnh Hùng nói, có ba đỉnh núi mà anh yêu như nhau: nhạc giao hưởng, nhạc dân tộc, nhạc nhẹ. Anh nhớ như in lời dạy của thầy anh, nhà soạn nhạc Đàm Linh: “Đừng tự trói mình vào một phong cách hay một kỹ thuật âm nhạc nào đó! Thể loại âm nhạc nào cũng có cái hay và giá trị riêng và giá trị của các tác phẩm nghệ thuật thường được khẳng định bởi sự đánh giá của số đông. Số đông ở đây chính là công chúng, là nhân loại, là con người ở mọi châu lục mà âm nhạc là ngôn ngữ chung. Nhưng đừng quên, cội rễ của mọi thành công hay tự hào vẫn chính là việc phải trở về nguồn cội”. Trần Mạnh Hùng tâm sự, anh mới chỉ dừng ở những chặng “thám hiểm” đầu tiên của hành trình âm nhạc dân tộc. Anh đang ấp ủ nhiều dự án lớn lao hơn với trăn trở: “Tại sao các nước châu Âu tự hào về nhạc giao hưởng, còn chúng ta lại không làm nên điều tự hào khi có một dàn nhạc “made in Vietnam” đầy đẳng cấp và sức thuyết phục?”. Anh cũng mong ước hoàn thành một dự án lớn hơn nữa, đó là kết nối được âm nhạc dân tộc của nhiều quốc gia trong khối ASEAN, tạo nên một dàn nhạc đồ sộ, cùng tự hào về một nền văn hóa Đông-Nam Á đặc sắc. Một năm mới sắp đến, chúc cho những dự định về âm nhạc của anh sớm thành hiện thực!