Vĩnh biệt nhà văn Sơn Tùng, một nhân cách lớn

|

NDO - Vào lúc 23 giờ 5 phút ngày 22/7/2021, trái tim nhà văn Sơn Tùng đã ngừng đập. Ông đã vĩnh biệt thế gian ở tuổi 93 sau hơn 10 năm kiên cường chống chọi với nhiều căn bệnh sau cơn đột quỵ. 

Nói đầy đủ thì ông đã bền bỉ chiến đấu với bệnh trọng trong suốt 50 năm, tính khi ông bị thương nặng ở chiến trường Đông Nam Bộ, mất hơn 80% sức khỏe, thị lực chỉ còn 1/10. Xếp hạng thương binh nặng ¼, vậy mà ông đã kiên trì luyện tập, đã viết hàng nghìn trang sách, xuất bản 25 tác phẩm, thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện ký, truyện lịch sử, truyện tranh, thơ, diễn ca, tiểu thuyết, kịch bản phim. Kết quả lao động nghệ thuật từ sự khổ luyện, tài năng và nghị lực phi thường của ông khiến chúng ta vô cùng ngưỡng mộ và kính phục!

 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gắn huy chương Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng năm 2011.

Nhà văn Sơn Tùng (8/8/1928 – 22/7/2021) tên thật là Bùi Sơn Tùng, quê ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông hoạt động cách mạng từ rất sớm, năm 1944, mới 16 tuổi ông đã tham gia phong trào Việt Minh tại các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Năm 1945, ông làm công tác Đoàn Thanh niên và bắt đầu viết báo phục vụ kháng chiến chống Pháp. Năm 1955, ông vinh dự là đại biểu trong đoàn Thanh niên và sinh viên Việt Nam dự Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ V tại Varsava (Ba Lan).

Năm 1960, ông chính thức bước vào nghề báo, lần lượt làm ở Báo Nông Nghiệp rồi Tiền Phong.

Năm 1965, ông trở thành phóng viên chiến tranh, hoạt động ở vùng trọng điểm ác liệt Thanh - Nghệ - Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị), sau đó vượt dãy Trường Sơn vào Nam Bộ.

 Năm 1971, ông bị thương nặng do đạn súng phóng lựu M79 của giặc Mỹ. Sau một thời gian điều trị ở Trung Quốc trở về, trong hộp sọ vẫn có 3 mảnh đạn không thể lấy ra, các ngón tay bị co quắp, chỉ còn lại 3 ngón tay phải cử động được. Những khi thời tiết thay đổi, thi thoảng ông vẫn bị lên cơn động kinh ngã vật xuống sàn nhà. Vậy mà ông đã kiên trì khổ luyệt, tập khí công, thiền, giữ nếp sống thanh đạm, điều độ, tự phục hồi sức khỏe.

Bất cứ lúc nào đủ sức khỏe là ông đọc, nghiên cứu tư liệu lịch sử, những bí mật của văn hóa phương Đông huyền diệu và cầm bút viết bằng ba ngón tay còn lành lặn. Căn phòng nhỏ trên gác hai một khu nhà tập thể ở ngõ Văn Chương (phường Văn Chương, quận Đống Đa) diện tích chỉ chừng 10 mét vuông nhưng vô cùng gọn gàng, lúc nào cũng sạch như lau như ly, có cảm giác được sắp xếp hợp lý tới từng mi-li-met. Tài sản giá trị nhất trong căn phòng này là sách, rất nhiều sách đông tây kim cổ xếp ngay ngắn trên giá ốp sát tường.

Tôi đã nhiều lần theo cha tôi (nhà văn Hữu Mai) lên đây, thán phục quan sát ông ngồi tư thế kiết già tiếp khách trên tấm phản (cũng là giường ngủ của ông) kê sát nền nhà. Ông từ tốn rót nước trà mời khách từ bộ ấm chén bằng sành bé xíu. Trò chuyện với ông thật thú vị vì được nghe những kiến thức uyên bác được diễn đạt một cách giản dị cùng thái độ ân cần và độ lượng. Căn phòng nhỏ bé này cũng là Chiếu Văn (ngõ Văn Chương, nhà văn Sơn Tùng) nổi tiếng một thời, nơi lui tới của các học giả, văn nghệ sĩ tên tuổi và rất nhiều người trẻ mà sau này trở thành những nhà báo, nhà văn có thứ hạng trên văn đàn.

Hơn 60 năm cầm bút, nhà văn Sơn Tùng viết nhiều lĩnh vực nhưng có thể chia làm ba mảng đề tài chính: Đề tài Bác Hồ, đề tài chiến tranh và đề tài nhân vật lịch sử. Trong đó đặc sắc nhất, giá trị nhất và được ông dụng công nhất vẫn là đề tài về lãnh tụ Hồ Chí Minh mà ông vô cùng kính trọng, tôn thờ và ngưỡng vọng.

Nhắc đến tác phẩm viết về Bác Hồ, hầu như người đọc nào cũng nghĩ ngay đến tiểu thuyết Búp sen xanh (ra đời năm 1982 và được tái bản nhiều lần). Tác phẩm này được cho là đã thai nghén gần 40 năm, viết về thời thơ ấu và thời thanh niên của Bác trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Ngoài giá trị văn học, tư liệu, lịch sử thì qua tác phẩm này, Sơn Tùng thể hiện sự độc lập, khách quan, nhất quán trong cách viết về một vĩ nhân thông qua hình tượng văn học. Những tác phẩm tiêu biểu của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có thể kể đến: Bông sen vàng (tiểu thuyết, 1990), Hẹn gặp lại Sài Gòn (kịch bản phim, 1990), Hoa râm bụt (tập truyện, 1999), Nguyễn Ái Quốc trong ký ức bà mẹ Nga (tập truyện, 2007)…

 Nhà văn Sơn Tùng xúc động tại Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, năm 2011.

Với những đóng góp của mình, năm 2011, nhà văn Sơn Tùng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Tác phẩm Búp sen xanh của ông được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng giải thưởng đặc biệt.

Nhà văn Sơn Tùng rời xa nhân thế, nhưng ông đã để lại cuộc đời một sự nghiệp văn học đáng kể, đặc biệt là tấm gương lao động với ý chí và nghị lực sống phi thường, nhân cách sống cao đẹp của kẻ sĩ thanh thản vượt lên khó khăn mọi mặt để sống và cầm bút như một sứ mệnh.

Tang lễ nhà văn Sơn Tùng sẽ được tổ chức từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút ngày 26/7 tại Nhà tang lễ số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau đó sẽ di quan về an táng tại quê nhà: Làng Kim, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.