Nỗi lo “hậu đào tạo” tài năng âm nhạc

|

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là tin vui cho các bộ môn nghệ thuật nước nhà, trong đó có âm nhạc, lĩnh vực bấy lâu vẫn thiếu vắng nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng đặt ra vấn đề về khâu “hậu đào tạo”, những tài năng âm nhạc Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển thế nào trên quê hương mình?

Gian nan làm nghề

Đề án nêu trên dành cho đối tượng học sinh, sinh viên đang theo học các cơ sở văn hóa nghệ thuật trong nước có năng khiếu vượt trội về các lĩnh vực: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc và sáng tác văn học. Từ đó, hướng tới mục tiêu chung là phát hiện, đào tạo các em trở thành nghệ sĩ tài năng trong biểu diễn, sáng tác, giảng dạy; tham gia biểu diễn, dự thi các chương trình, cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và quốc tế; có khả năng sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật chất lượng cao mang tầm quốc gia và quốc tế; trở thành lực lượng văn nghệ sĩ nòng cốt, chủ đạo trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của đất nước.

Theo đó, cũng như các lĩnh vực nghệ thuật khác, mỗi năm, sẽ có khoảng năm tài năng âm nhạc được cử đi thực tập ngắn hạn ở các đơn vị nghệ thuật uy tín nước ngoài. Phấn đấu từ năm 2021, mỗi năm sẽ có bảy tài năng âm nhạc tốt nghiệp xuất sắc được cử đi nâng cao trình độ ngoài nước theo các chương trình, dự án đã phê duyệt.

Với mục tiêu cụ thể như trên, âm nhạc Việt Nam cũng như nhiều chuyên ngành nghệ thuật khác hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào diện mạo tươi sáng hơn trong tương lai không xa. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người quan tâm là Nhà nước ta sẽ có những chính sách gì để “giữ chân” các tài năng âm nhạc, khi mà lâu nay, âm nhạc đỉnh cao Việt Nam vốn là “lãnh địa” không nhiều cơ hội phát triển cho nghệ sĩ.

Những cái tên như Dương Văn Thắng, Dương Minh Chính, Đỗ Phượng Như, Bùi Tuấn Dương, Nguyễn Bích Trà, Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Hữu Khôi Nam, Lê Ngọc Anh Kiệt... được coi là các tài năng của âm nhạc Việt Nam, nhưng phần lớn họ đều sinh sống và làm việc ở nước ngoài, chỉ thi thoảng về nước trình diễn vài tác phẩm. Không phải vì họ không muốn cống hiến tài năng cho quê hương, mà bởi đời sống âm nhạc cổ điển ở Việt Nam hiện nay cũng như công việc giảng dạy, trình diễn đang thật sự khó khăn.

Con đường để trở thành nghệ sĩ âm nhạc hàn lâm cần ít nhất bảy đến 12 năm học tập với không ít tâm huyết và khổ luyện. Thế nhưng khi thành tài, “đầu ra” lại hạn hẹp; các nghệ sĩ ít có cơ hội biểu diễn để thể hiện tài năng, mức thu nhập cũng thấp hơn nhiều so với những người theo dòng âm nhạc giải trí. Trong khi đó, ở nước ngoài, họ có thể thu nhập hàng nghìn USD mỗi tháng từ việc biểu diễn, giảng dạy hay tham gia nghiên cứu khoa học. Thế nên, hiện tượng “chảy máu chất xám” trong lĩnh vực âm nhạc càng trở nên phổ biến.

Ở nước ta, số đơn vị có khả năng tổ chức những chương trình hòa nhạc chất lượng cao chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, như các Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Hà Nội; Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; các Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chính các đơn vị này cũng không có nổi một nhà hát riêng cho mình để luyện tập, biểu diễn mà vẫn phải thuê những nơi đạt chuẩn về kiến trúc và chất lượng âm thanh như Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Song kinh phí ít, lại thiếu vắng khán giả, cho nên không phải đơn vị nào cũng dám chen chân vào các địa điểm này.

Cứ thế, đời sống âm nhạc đỉnh cao tại Việt Nam càng rơi vào bế tắc, nguồn nhân lực âm nhạc chất lượng cao ngày càng èo uột. Cũng dễ hiểu khi mà số người đăng ký học các bộ môn nhạc cụ giảm xuống. Và hệ quả nhãn tiền là hầu hết các dàn nhạc giao hưởng tại Việt Nam hiện nay đều không đủ nhạc công chơi bộ gõ, bộ đồng, cho nên phải thường xuyên mượn người của nhau.

Cần có môi trường phát triển

Không có “đất” để thể hiện và phát huy tài năng là rào cản lớn nhất trong phát triển nhân lực âm nhạc chất lượng cao tại nước ta. Do đó, để âm nhạc Việt Nam có thể cất cánh trong giai đoạn hội nhập, bên cạnh việc phát hiện, đào tạo tài năng, nhiệm vụ quan trọng không kém là làm thế nào để những tài năng âm nhạc có thể phát huy và phát triển lâu dài.

Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” đã nhấn mạnh vai trò của việc “Xây dựng môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo, phát triển các tài năng trẻ”, với các nội dung cụ thể: Tăng cường dạy và học ngoại ngữ; cơ hội giao lưu giữa học sinh, sinh viên với các nghệ sĩ nước ngoài; bảo đảm công bằng, khách quan để các học viên phát huy khả năng sáng tạo…

Song thiết nghĩ, ngoài những giải pháp trên, cần chú trọng tới vấn đề đào tạo công chúng cho âm nhạc đỉnh cao để các nghệ sĩ âm nhạc tài năng có nhiều “đất” diễn để khẳng định bản thân và có nguồn thu nhập ổn định. Có lẽ đây mới chính là những điều kiện cần thiết để người nghệ sĩ được thỏa mãn đam mê, phục vụ công chúng và sống được bằng nghề trên quê hương mình.

Lâu nay, hệ thống giáo dục nước ta chưa quan tâm đến việc đào tạo lớp công chúng có kiến thức cơ bản về âm nhạc để thưởng thức các tác phẩm hòa nhạc chất lượng cao. Bởi thế, không phải ai cũng sẵn sàng bỏ thời gian và tiền bạc để đến với loại hình nghệ thuật mình ít hiểu biết.

Với nỗ lực tôn vinh âm nhạc đỉnh cao, thời gian qua, những người tâm huyết đã cố gắng đưa các tác phẩm âm nhạc cổ điển, giao hưởng thính phòng đến với số đông công chúng qua một số chương trình hòa nhạc như Giai điệu mùa thu, Luala concert, Hòa nhạc Henessy…; hay đêm biểu diễn của các nghệ sĩ danh tiếng như NSND Đặng Thái Sơn, Lê Phi Phi… Và khi được truyền thông tốt, các chương trình hầu như đều chật kín khán giả. Điều này chứng tỏ, công chúng Việt Nam vẫn muốn đón nhận loại hình âm nhạc đẹp, chuyên nghiệp; song chưa có nhiều cơ hội để được tiếp xúc, nâng cao “trình độ nghe”, từ đó hiểu và yêu hơn ngôn ngữ âm nhạc chất lượng cao này.

Nhìn sang Xin-ga-po hay Ma-lai-xi-a, dù hai nước có dàn nhạc giao hưởng và nhạc viện “sinh sau đẻ muộn” hơn so với nước ta, nhưng lại đang ghi dấu những bước phát triển chắc chắn về âm nhạc đỉnh cao. Đây cũng là địa chỉ hấp dẫn nhiều nghệ sĩ giỏi tầm cỡ thế giới tới “đầu quân” với mức thu nhập tốt. Chính sách của họ là đầu tư lớn để thu hút những nhân tài âm nhạc nước ngoài tới cống hiến, giảng dạy, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho một thế hệ tương lai triển vọng. Và khi thế hệ này ổn định sẽ dần trở thành những giảng viên bản xứ để tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển nền âm nhạc giàu nội lực của đất nước. Xin-ga-po hiện cũng là quốc gia thu hút khá nhiều nhân tài âm nhạc Việt Nam tới học tập và làm việc thông qua hình thức cấp học bổng, đãi ngộ cao.

Tất nhiên, mỗi quốc gia có một chiến lược phát triển văn hóa và tiềm lực kinh tế khác nhau, nhưng sự đầu tư có tính toán cho âm nhạc đỉnh cao và những thành công bước đầu của các nước bạn là bài học đáng suy ngẫm, nếu không muốn những tài năng âm nhạc trong nước lại ra đi; và chúng ta tốn thời gian, kinh phí để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài nhưng là đào tạo không công cho nước khác!

Thời gian qua, tuy dòng âm nhạc hàn lâm được chăm chút đầu tư tài lực của giới chuyên môn, nhưng vẫn lặng lẽ, khiêm nhường và chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng vốn chỉ biết nhiều đến loại hình ca hát giải trí. Do đó, các cơ quan chuyên môn và quản lý cần có chính sách phát triển mặt bằng âm nhạc một cách hài hòa, có kiểm soát và ưu tiên phát triển các loại hình âm nhạc có giá trị nghệ thuật, sức khái quát cao như: giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch, âm nhạc cổ truyền, dân gian, dân tộc..., từ đó có sự đầu tư thích đáng về nhân lực, tài chính. Một điều quan trọng hơn nữa là phải chú ý đến việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng. Khi công chúng biết và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của âm nhạc đích thực, họ sẽ tự đào thải những gì kém giá trị ra khỏi “lỗ tai” của mình.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân,

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam