Các nhà hát chật vật “bơi” giữa dòng Covid-19

|

NDO - Đại dịch Covid-19 đã khiến cả xã hội đảo lộn, nhiều ngành nghề gặp khó khăn. Sân khấu – ngành nghệ thuật biểu diễn trực tiếp cũng rơi vào tình trạng vô cùng vất vả. 

Hoãn, hủy mọi lịch diễn

Mọi năm, khoảng thời gian từ sau Tết đến đầu hè là thời điểm thuận lợi cho lịch biểu diễn của các nhà hát, từ các lễ hội, các kỳ nghỉ lễ cho đến dịp Quốc tế Thiếu nhi. Thế nhưng, dịch Covid-19 đã khiến cho mọi thứ thay đổi. Các nhà hát trong khoảng đầu năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến giờ gần như phá sản các kế hoạch biểu diễn. 

NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam cho biết, năm 2020, Nhà hát còn có một số hoạt động biểu diễn, nhưng năm nay không còn buổi nào. Khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 dương lịch, vào dịp lễ hội, Nhà hát xây dựng chương trình công phu, nhưng đều bị hủy. Tháng 4, Nhà hát cũng có các buổi biểu diễn, chiếu chèo phục vụ du lịch, nhưng cũng phải dừng lại hết. Cũng trong tháng 4, Nhà hát dựng vở mới nhưng phải hoãn đến tháng 6 hoặc 7. Một số chương trình biểu diễn phục vụ các đơn vị, cơ quan, biểu diễn ở biên giới, làm việc với các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh cũng mới chỉ thực hiện được một nửa.

NSND Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng chia sẻ về những khó khăn của Nhà hát trong đại dịch: “Năm nay, các chương trình của Nhà hát mất trắng. Hiện tại Nhà hát vẫn đang phải tập trung dựng vở để kịp dự Liên hoan sân khấu Cải lương vào tháng 11. Mặc dù không chắc Liên hoan có diễn được vở không nhưng vẫn phải dựng sẵn và chia nhau ra tập vì không dám tập trung đông người”.

Được biết, năm nay Nhà hát Cải lương Việt Nam dựng ba vở, trong đó hai vở là theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và một vở xã hội hóa về Bác Hồ. Cuối năm, vào tháng 12, Nhà hát sẽ kỷ niệm 70 năm thành lập. “Hiện tại các nghệ sĩ vẫn phải dựng vở nhưng chia nhau ra tập vì không dám tập trung đông người. Tình hình dịch như thế này, chúng tôi cũng chưa biết như thế nào” – ông nói. Hiện tại, doanh thu của Nhà hát gần như “trắng”, phải lấy kinh phí dựng vở để duy trì, dựng ba vở nuôi chín tháng. “Nhưng hiện tại đã âm rồi, thiều thì lại đi vay chỗ này hay chỗ khác” – Giám đốc Triệu Trung Kiên cho hay.

Cũng là loại hình nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng chung tình cảnh khi loay hoay tìm lối ra trong bối cảnh bệnh dịch, hạn chế tập trung đông người. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ, tuồng, chèo chủ yếu dựa vào các lễ hội để diễn. Tình hình dịch như thế này, các suất biểu diễn hủy rất nhiều. Một buổi diễn với Tuồng vô cùng khó khăn. Nghệ sĩ nhiều người thoái chí, chủ yếu sống dựa vào nghề diễn. Nhà hát đã cố gắng tạo các chương trình để chớp thời cơ dịch tạm lắng nhưng rất khó. 

Ông Phạm Ngọc Tuấn cũng cho biết, hầu hết các buổi diễn dù không nhiều nhưng cũng đã phải hủy: “Diễn ở phố cổ thù lao thấp nhưng vẫn duy trì. Các buổi diễn ở rạp, diễn cho khán giả trẻ, diễn ở học đường, vùng sâu, vùng xa cũng không thực hiện được”. 

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng chung tâm trạng lo lắng trước tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến các nghệ sĩ. Ông cho biết, thông thường mọi năm từ tháng 2, Liên đoàn Xiếc đã có chương trình khai xuân, nhưng năm nay đến tận 27-3 mới khai xuân được, và cũng diễn mới được đến 27-4, sau đó còn hơn chục buổi biểu diễn cho học sinh. Liên đoàn như đang cơn khát được nhấp chút nước rồi lại khát. Gala Xiếc ba miền bị hủy, các chương trình biểu diễn dịp hè, dịp nghỉ lễ cũng hủy, phải trả lại tiền vé cho khán giả. Liên đoàn Xiếc cũng đứng trước những tổn thất nặng nề. "Phải đi vay mượn để duy trì nhưng đến nay đã kiệt quệ quá” – nghệ sĩ cho biết.

Nỗi lo thiếu nhân lực sau mùa dịch

Nguồn thu không ổn định hoặc không có, ngừng ký hợp đồng với lao động, không có giải pháp tăng lương… Những vấn đề này khiến cho nguồn nhân lực của các nhà hát, bằng cách này hay cách khác, đã giảm đi đáng kể. 

 Vở "Cây gậy thần" kết hợp giữa xiếc và cải lương, do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện. Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam.

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ, các loại hình nghệ thuật khác nhau nhưng khó khăn chung là giống nhau. Nghỉ dài ở nhà, lâu không làm nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ rất lo lắng. Nghệ sĩ chia sẻ, ông lo nhất là lực lượng nghệ sĩ đã rất mỏng rồi còn bỏ nghề. “Năm ngoái có mấy solist bỏ nghề. Có những nghệ sĩ đã có thành tích, đầy đủ huân, huy chương, một số vào biên chế rồi cũng bỏ nghề. Ngoài miếng cơm manh áo, tôi sợ nhất là các nghệ sĩ dần dần bỏ nghề, trong khi đào tạo được nghệ sĩ biểu diễn rối rất khó. Có em vào được một thời gian rồi lại bỏ đi làm bảo hiểm, đi làm nhôm kính, lái xe”.

NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam cũng chung tâm trạng này khi nói về các nghệ sĩ của Nhà hát mình: “Các diễn viên trẻ của Nhà hát Chèo, lương hợp đồng chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng/tháng. Từ năm ngoái đến năm nay, họ nghỉ gần hết. Chỉ có 19 em vào biên chế được trả lương. Các diễn viên hợp đồng nếu không có lương, sẽ bỏ hết. Và khi đó, Nhà hát càng khó khăn hơn khi không có lực lượng nối tiếp”.

Dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến cho các nhà hát chưa kịp “hồi” lại đã tiếp tục chới với. Trước mắt, không chỉ cần những giải pháp cấp bách, như gói hỗ trợ tạm thời để giúp các nghệ sĩ không bỏ nghề, phối hợp với các đài truyền hình để dựng vở phát sóng... Cũng với những giải pháp cấp bách này, cũng cần có những thay đổi về lâu dài như cho phép thực hiện cơ chế tự thu, xây dựng nhà hát online, và cần có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hỗ trợ các nghệ sĩ.