Việc nghiên cứu và khai quật nhằm đánh giá hiện trạng, làm rõ quy mô, tổng thể không gian di tích; xác định đặc điểm phân bố cũng như đặc trưng văn hóa, niên đại của di tích, đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn và xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh và làm cơ sở khoa học để xếp hạng cấp quốc gia.
Vòng thành đá trắng là di tích thành cổ còn nguyên vẹn nhất có thể nhận biết được bằng mắt thường so với các di tích đã biết trước đây trên vùng đất Nam Bộ như: Lũy Phước Tứ (Bà Rịa- Vũng Tàu), thành Biên Hòa, Tuy Hòa (Đồng Nai), thành Gia Định (TP Hồ Chí Minh)... Bởi vì hầu hết các di tích thành- lũy này đều đã bị phá hủy hoặc vùi sâu trong lòng đất, không thể quan sát được một cách rõ ràng như ở Vòng thành đá trắng.
Theo các nhà khoa học, việc điều tra, khai quật, nghiên cứu di tích Vòng thành đá trắng là rất cần thiết, đánh giá đầy đủ giá trị văn hóa- lịch sử của di tích gắn liền với quá trình hình thành và phát triển không chỉ của vùng đất Bà Rịa- Vũng Tàu nói riêng mà cả Nam Bộ nói chung.