“Đình làng - những điều còn mất” - Triển lãm của những tấm lòng với di sản

|

NDO - NDĐT – Những con người hoàn toàn xa lạ với nhau, làm việc khác ngành nghề, nhưng đều có chung niềm đam mê về văn hóa làng xã cổ xưa của cha ông. Họ đã cùng nhau lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất về di sản trước khi chúng mai một dần, và giờ đây lại cùng nhau tổ chức một triển lãm ảnh về những di sản đó, với tên gọi “Đình làng - Những điều còn mất”. Triển lãm diễn ra tại Heritage Space, Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Hà Nội, từ giờ cho đến cuối tháng 8.

Đây là triển lãm ảnh của nhóm Đình làng Việt, xuất phát từ sở thích tìm hiểu, nghiên cứu và chụp ảnh các công trình văn hóa cổ của nông thôn Việt Nam như đình, chùa, đền, lễ hội… của một nhóm bạn trên mạng xã hội, khởi xướng là anh Nguyễn Đức Bình, nhà nghiên cứu thuộc tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm). Tính đến nay, số thành viên của nhóm đã lên tới hàng nghìn người, bác sĩ, kỹ sư, nhà nghiên cứu, người về hưu, học sinh, sinh viên… đủ mọi ngành nghề và thành phần khác nhau.

Vài tháng một lần, họ tổ chức các chuyến điền dã, về các miền quê, tìm hiểu những công trình kiến trúc cổ còn lại, lưu giữ những hình ảnh đẹp. Ban đầu chỉ là sở thích, nhưng những kiến thức mà họ thu lượm được sau mỗi chuyến đi dần dần trở thành những tài sản tri thức vô cùng quý giá.

Thành viên của nhóm trong một chuyến điền dã.

Cũng xuất phát từ những chuyến điền dã này, nhiều công trình đền chùa, miếu cổ với những chi tiết chạm trổ vô cùng tinh xảo, khéo léo đã được công chúng biết đến. Mỗi một bức ảnh đều được chú thích như vô cùng kỹ lưỡng, đầy ắp thông tin và kiến thức, hoặc như một câu chuyện nho nhỏ, thú vị, lấy được những tiếng “à, ồ” của người xem. Chẳng hạn như câu ca dao quen thuộc “Đang khi lửa tắt cơm sôi, lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem” được thể hiện rất sắc nét và hóm hỉnh trên bức chạm của một ngôi đình, với hình ảnh người phụ nữ “tay năm tay mười”, tay bế con, tay đảo nổi, tay cho lợn ăn... Hay tín ngưỡng phồn thực thể hiện trên hình ảnh rồng giao phối, trai gái vui đùa…. Hoặc những hình ảnh hết sức độc đáo như súng trường phương Tây được chạm khắc tỉ mỉ đến từng chi tiết trên mảng chạm đình Liên Hiệp (Liên Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội), cảnh trộm lục lạc nghê (mảng chạm ở đình Cổ Chế, thế kỷ 17 – xã Phúc Tiến, Phú Xuyên, Hà Nội)…

Khác với tất cả những triển lãm ảnh khác, “Đình làng – Những điều còn mất” dành riêng một góc, chiếm kha khá diện tích, để nói về những công trình đang trên đà xuống cấp, những công trình đã hư hỏng nặng nề, như đình Đông Viên có bức chạm nổi tiếng “Trai gái tắm ao sen” đang được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đình Cửu Cao (Văn Giang, Hưng Yên) nhiều hạng mục xuống cấp, đang phải chống chằng, đình Cổ Chế, Phú Tiến, Phú Xuyên, Hà Nội) trong tình trạng tương tự, đình Tiền Lệ (Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội), đình Thượng Phú (Hà Trung, Thanh Hóa)…

Và cả những công trình bị phá hỏng do bàn tay con người, do sự thiếu hiểu biết và tùy tiện của những người quản lý, trùng tu: Sư tử đá ở đình Hồi Quan (xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), đình Tiên Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) hạ giải tiết kiệm nhân công bằng cách cho cuốc, cào ngói rơi trực tiếp xuống nền đình, đình Vường (Tân Yên, Bắc Giang) bị phá dỡ hoàn toàn bức tường đất đặc trưng từ thế kỷ 17-18 và xây thay thế bằng một bức tường gạch mới… Rất nhiều những can thiệp tiêu cực như thế đã được ghi lại bằng ống kính máy ảnh của các thành viên trong nhóm.

Anh Nguyễn Đức Bình, người phụ trách nhóm tổ chức triển lãm cho biết, ở những nơi có công trình bị xâm hại như vậy, nhóm đều có tìm đến gặp gỡ và thuyết phục người dân cũng như ban quản lý di tích. Có những nơi người dân đã lắng nghe, thấy hợp lý và làm theo, chẳng hạn như dời các hiện vật như sư tử đá, đèn đá… ra khỏi đình, đền.

Câu khẩu hiệu trong đình Tiền Lệ.

Ngược lại, ở những nơi di tích xuống cấp trầm trọng, bản thân người dân cũng bày tỏ sự tiếc nuối, xót xa và mong muốn được hỗ trợ để trùng tu. Trong đình Tiền Lệ, người dân chăng một băng rôn rất to thể hiện mong muốn được trùng tu ngôi đình cổ của mình. Bên cạnh bức ảnh khổ lớn chụp cổng đình Vo Trung (Long Biên, Hà Nội), có ghi những dòng tâm sự của một người dân ở đây…

Hơn 100 bức ảnh, có những bức được in khổ lớn chạy suốt cả chiều dọc hoặc chiều ngang bức tường của gian triển lãm, nhưng điều đó vẫn không ấn tượng bằng nhóm thợ - nghệ nhân chạm trổ làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội. Họ ngồi trên chiếu giữa triển lãm, bày ra các loại dụng cụ và thành phẩm chạm trổ đẹp nhất, cũng như tự tay thao tác những sản phẩm mới, tinh xảo cầu kỳ không kém người xưa. Họ chính là điều mà những người làm triển lãm muốn nói đến: Chính là tinh hoa được tiếp truyền từ đời này qua đời khác, và cũng là những người giữ được tinh hoa ấy.