Lãng du trên thành phố sáng tạo nghệ thuật

|

Đà Lạt mờ đêm. Chuyến tàu chầm chậm rời sân ga không người tiễn, sương mù phủ tràn sau những cơn mưa đuổi dài nóc phố. Trên "hành trình đêm Đà Lạt", không gian dường như lắng đọng và huyền diệu hơn trong tiếng vĩ cầm của nghệ sĩ trên toa xe lửa cổ. Nghệ sĩ chơi nhạc, du khách nhâm nhi cà-phê, rượu vang trong tiết trời se lạnh và ngắm phố núi về đêm trên hành trình 14 km khứ hồi, ấy là trải nghiệm thú vị ở Đà Lạt - miền đất thăng hoa, thành phố sáng tạo nghệ thuật.

Tôi chọn hành trình lãng du phố núi Đà Lạt bằng chuyến tàu du lịch "hành trình đêm" để được thư thái ngắm thành phố cao nguyên về đêm, thưởng thức những bản tình ca không lời qua tiếng vĩ cầm, saxophone và đặc sản Đà Lạt… Với hành trình chạy tàu khoảng 1 giờ (khứ hồi), tốc độ khoảng 15 km/giờ, vào ban đêm, vẻ đẹp của phố núi Đà Lạt vô cùng huyền ảo, khác lạ.

Cây vĩ cầm chiêng chao trên vai nghệ sĩ MPi Trang theo chuyến tàu qua những khúc cong. Thật lãng mạn khi đêm Đà Lạt nghe khúc vĩ cầm du dương, mời gọi. "Tôi đã trải nghiệm nhiều chuyến tàu du lịch trên thế giới và hôm nay là một trải nghiệm khác lạ. Không gian Đà Lạt và âm nhạc làm du khách thăng hoa", bà Cheong Yoeng Jae, du khách Hàn Quốc chia sẻ.

Với mong muốn đóng góp thêm dịch vụ kết nối du lịch, văn hóa-nghệ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, ngành đường sắt Việt Nam đã nâng cấp nhà ga Đà Lạt, những đoàn tàu và các sản phẩm du lịch với mục tiêu mỗi hành trình đi tàu là để trải nghiệm, để thư giãn, để thưởng thức văn hóa, nghệ thuật và âm nhạc. "Đường sắt giờ không đơn thuần vận tải mà hành trình đường sắt còn là trải nghiệm cảm xúc, kết nối, chia sẻ và lan tỏa", Trưởng Ga Đà Lạt Nguyễn Võ Minh Chánh cho biết.

Cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, khí hậu ôn hòa mát lạnh quanh năm, môi trường sống an lành, pha hòa nét lãng mạn rất riêng trong tính cách người Đà Lạt, giúp xứ ngàn hoa trở thành điểm đến lý tưởng. Cùng với du lịch, nghỉ dưỡng, xứ mộng mơ này còn là nơi để hòa lắng, để cảm thức và là nguồn cảm hứng sáng tạo.

Nhiều người cho rằng, giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu Đà Lạt chính là đặc thù khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, di sản kiến trúc cùng sự bặt thiệp, hiền hòa, thân thiện của cư dân phố núi... Những giá trị ấy tạo nên sự thăng hoa về tinh thần để sáng tạo nghệ thuật và cũng là tài nguyên phát triển du lịch của xứ ngàn hoa Đà Lạt, thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.

Sáng. Tôi tiếp tục hành trình lãng du thành phố nghệ thuật theo chỉ dẫn trên Dalat Art Map (bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt), dự án mới ra mắt công chúng. Đây là sáng kiến do thành phố Đà Lạt cam kết khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Người sáng lập Công ty TNHH Nghệ thuật số Bảy (Phố Bên Đồi) Nguyễn Trung Hiền đón tôi như một lữ khách.

"Mỗi thành phố có một câu chuyện để kể. Và Đà Lạt, có thể là những câu chuyện cảm hứng sáng tạo nghệ thuật?", tôi mở lời. "Là người Đà Lạt và từng làm việc ở nhiều nơi, tôi nhận thấy lợi thế đặc trưng của thành phố này. Khí hậu, thiên nhiên, cảnh quan, con người và văn hóa sống đậm chất nghệ sĩ. Ở góc nhìn nghệ thuật, Đà Lạt là một nguồn cảm hứng đặc biệt dành cho sáng tác. Vì vậy, tôi và những người bạn chọn Đà Lạt để ươm mầm dự án Phố Bên Đồi", anh Hiền chia sẻ.

Phố Bên Đồi được biết đến như "trung tâm" nghệ thuật đa hình thái mang tính cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam. Những người sáng lập mong muốn định vị Đà Lạt là điểm đến văn hóa-nghệ thuật độc đáo của khu vực và quốc tế, những sản phẩm của Phố Bên Đồi luôn được chọn lọc kỹ lưỡng, hướng đến sự phát triển bền vững của thành phố nghệ thuật Đà Lạt.

Chương trình âm nhạc tại điểm du lịch ga Đà Lạt.

Qua gần 10 năm ra đời, không gian văn hóa sáng tạo Phố Bên Đồi đã kết nối hàng nghìn chuyên gia, nghệ sĩ trong nước và quốc tế đến biểu diễn, từ âm nhạc, học thuật, tọa đàm và các chương trình giáo dục… cùng các chương trình lưu trú âm nhạc, điện ảnh.

Trong không gian lãng mạn của Phố Bên Đồi, tiếng đàn tranh thao thiết hòa tiếng kèn clarinet du dương, tạo nên bản "giao hưởng" mê hoặc. Đó là màn song tấu của nghệ sĩ Anna Koch (người Áo) cùng nghệ sĩ đàn tranh Thu Quyến trình diễn những tác phẩm âm nhạc truyền thống, mang đến cho khán giả sự trải nghiệm âm nhạc độc đáo và ấn tượng.

Đây là nội dung trong chương trình hòa nhạc cộng đồng "giao lưu, kết nối văn hóa Áo-Việt", sự kiện do Phố Bên Đồi, thành phố Đà Lạt và Đại sứ quán Áo tổ chức. "Khi Đà Lạt có thêm những món ăn tinh thần độc đáo, cuốn hút sẽ níu kéo du khách ở lại lâu hơn. Họ không chỉ đến để nghỉ dưỡng, mà còn tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu, chia sẻ và thưởng thức các chương trình nghệ thuật", người sáng lập Phố Bên Đồi gợi mở.

Trở lại câu chuyện Dalat Art Map, thuộc khuôn khổ dự án "Đà Lạt-thành phố nghệ thuật", do Phố Bên Đồi và Behalf Studio phối hợp thành phố Đà Lạt thực hiện, với mục tiêu định vị Đà Lạt là một trong những điểm đến du lịch nổi bật về văn hóa, nghệ thuật trong nước và quốc tế. Bản đồ cung cấp hơn 60 điểm đến văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, giải trí… cùng các thông tin và thông điệp được chọn lọc kỹ lưỡng, mang đến cho du khách cái nhìn tổng quan về văn hóa Đà Lạt.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú cho biết: "Dalat Art Map là một trong những sáng kiến cấp địa phương, nhằm thúc đẩy vai trò của văn hóa và sáng tạo trong phát triển bền vững của thành phố. Đây không chỉ là công cụ dẫn đường, mà còn là cầu nối giữa các nghệ sĩ, cơ sở nghệ thuật và cộng đồng; giúp mở ra những câu chuyện thú vị về lịch sử, văn hóa và sáng tạo; thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch, nghệ thuật gắn với thành phố âm nhạc".

AI năm nay, du khách đến thành phố ngàn hoa có thêm trải nghiệm mới với "Cung đường nghệ thuật Đà Lạt". Năm 2023, cung đường này có chủ đề City of Arts (thành phố nghệ thuật) và năm 2024, "Cung đường nghệ thuật Đà Lạt" tập trung mảng "ánh sáng nghệ thuật". Dự án do thành phố Đà Lạt phối hợp Stop And Go Art Space thực hiện, qua đó, mở thêm sản phẩm phù hợp với định hướng phát triển du lịch gắn với hoạt động văn hóa-nghệ thuật của thành phố.

"Cung đường nghệ thuật Đà Lạt" là không gian mở, với sự hội tụ và giao thoa đa dạng các loại hình nghệ thuật, từ nhiếp ảnh, điêu khắc, hội họa đến nghệ thuật sắp đặt; cùng các hoạt động luân phiên, như trình diễn âm nhạc, biểu diễn thời trang và âm nhạc đường phố, vẽ tranh 3D, tranh bút lửa, tranh cát... theo chủ đề hằng tuần cũng như tọa đàm, giao lưu với các nghệ sĩ tên tuổi trong nước và quốc tế.

Nghệ sĩ Phan Quang, người sáng lập Stop And Go Art Space kỳ vọng, dự án góp phần thúc đẩy sự kết nối trong cộng đồng, tạo không gian giao lưu độc đáo, sáng tạo cho người dân địa phương và du khách; quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Đà Lạt, các nét tinh hoa Việt Nam; nhất là khi Đà Lạt chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và hướng đến trở thành thành phố Di sản thế giới.

Văn hóa nghệ thuật là thứ làm nên hồn cốt Đà Lạt. Cùng với những nhạc quán xưa và nay, hiện Đà Lạt có hàng loạt không gian âm nhạc, nghệ thuật được tổ chức chuyên nghiệp, như Phố Bên Đồi, Mây Lang Thang, Lululola, Stop and Go art space, Hey Storm art space và không gian "kể chuyện Đà Lạt bằng show diễn thực cảnh" mới ra mắt tại Madame de Dalat… với sự góp mặt của những nghệ sĩ nổi tiếng, đã góp phần tạo ra những góc phố nghệ thuật và những món ăn tinh thần đặc biệt cho người dân địa phương và du khách.

Còn gì thú vị hơn, vào những chiều sương khói, khi cái lạnh nhè nhẹ vương lên da, được sống trong những giai điệu âm nhạc du dương, sâu lắng, với sân khấu ca nhạc là phông thực cảnh ảo huyền, tạo cảm xúc mạnh với nghệ sĩ và người thưởng thức. Ở Đà Lạt, có những "đêm nhạc trên mây" thú vị như thế, với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng. "Cảm giác thật khó tả! Những đêm nhạc như thế… chỉ có thể là Đà Lạt", chị Lê Na, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Đà Lạt, miền đất thăng hoa kết tụ cảm xúc sáng tạo trên những khuông nhạc của nhiều nhạc sĩ tài danh. Không gian văn hóa Đà Lạt cũng sinh ra những ca sĩ tài năng và những cuộc gặp gỡ ca-nhạc sĩ mang dấu ấn trong âm nhạc... "Mấy năm gần đây có rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng chọn Đà Lạt để sáng tác, biểu diễn; cùng những nhóm nhạc bắt đầu nở rộ, đã tạo ra phong trào nghệ thuật âm nhạc sôi nổi trên phố núi", Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Trần Thị Vũ Loan thông tin.

Đà Lạt mộng mơ, Đà Lạt-thành phố sáng tạo nghệ thuật, Đà Lạt-phố hát, miền đất thăng hoa… là thương hiệu của thành phố bản sắc này. Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: "Thiên nhiên, khí hậu, văn hóa và con người Đà Lạt đã làm cho xứ sở này trở thành thiên đường sáng tạo nghệ thuật". Ông lý giải, Đà Lạt mộng mơ, lãng mạn đã làm say đắm lòng người. Nhiều nhà thơ, nhạc sĩ đến đây, ở đây, đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng. Qua thống kê chưa đầy đủ, đến nay có khoảng 300 ca khúc viết về Đà Lạt.

Năm 2023, Đà Lạt chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc. Đây là yếu tố góp phần dẫn dắt thành phố phát triển trong tương lai. Hiện, Đà Lạt đang triển khai các sáng kiến đã cam kết khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, như trách nhiệm di sản âm nhạc của tương lai; chương trình liên kết, đào tạo âm nhạc; xây dựng, củng cố mạng lưới không gian văn hóa và sáng tạo tại Đà Lạt; các hoạt động khuyến khích sáng tạo âm nhạc tại địa phương, cùng ba sáng kiến cấp quốc tế, như tổ chức hòa âm cồng chiêng Đông Nam Á, chương trình thanh âm đại ngàn và Festival âm nhạc quốc tế LangBiang.

Danh hiệu "thành phố sáng tạo" sẽ góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người Đà Lạt. Đạt danh hiệu đã khó, muốn gìn giữ và phát huy được giá trị danh hiệu còn khó hơn. Đà Lạt cần nhiều hơn nữa sự chung tay nỗ lực của chính quyền, cộng đồng và người dân.