Yêu ca hát
Không chỉ những sân đình nơi nội thành, mà nhiều làng quê ngoại thành còn xây dựng được các câu lạc bộ (CLB) hát chèo để làm giàu có đời sống tinh thần của mình. Làng Hạ, xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là một ngôi làng cổ. Làng không chỉ đẹp với những con đường thẳng tắp, xanh mướt, mà còn đẹp bởi tình yêu chèo của nhiều người dân.
Chèo làng Hạ, Phù Lưu.
Từ hàng chục năm qua, CLB Hát chèo làng Hạ đã ra đời. Bà Nguyễn Thị Thanh, người tham gia từ những ngày đầu tiên, cũng được coi là “giọng hát vàng” của làng, tâm sự: “Ban đầu, chỉ một số người già yêu ca hát chúng tôi tụ hợp nhau. Sau đó, thấy việc ca hát, phát triển đội văn nghệ để nâng cao đời sống tinh thần cho bà con là việc cần làm. Vậy là, chúng tôi đã thành lập CLB, đến nay có hơn 20 thành viên, cả người già, người trẻ. Nhiều người có giọng hát rất hay. Chính tiếng chèo ngoài sân đình đã khiến cho không khí đón xuân của làng tôi trở nên sôi nổi, vui tươi hơn”.
Cũng là ngôi làng cổ, Trung Lập, xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) khá nổi tiếng với CLB Hát chèo. Đến Trung Lập là đến với ngôi làng nằm giữa cánh đồng xanh bát ngát. Mùa xuân, từ đầu làng đã nghe thấy tiếng đàn, tiếng nhị, tiếng hát khoan thai dìu dặt. Trong cuộc sống hằng ngày, khi công việc nhà nông đã tạm bớt bận rộn, người nông dân của làng lại tụ tập nhau lại, học hát và cất lên những giai điệu ca ngợi cuộc sống ân nghĩ thủy chung, tình yêu quê hương đất nước. Họ hát say sưa, nhiệt tình, những người đã lên chức ông chức bà, nhưng không khí trong một canh hát của họ giống như thủa mười tám đôi mươi.
Nếu nói người hát chèo làng được lợi gì, thì chắc chắn là không. Họ tham gia vì vui, vì phong trào văn nghệ và tình yêu, đến nỗi nhiều người đã tặng cho Trung Lập biệt danh là “làng nông dân yêu đời”.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, người có nhiều công đóng góp cho CLB chèo của làng từ những năm 1960 nói: “Cha ông chúng tôi thành lập đoàn chèo của làng từ năm 1936. Ban đầu chỉ có hát cải lương, sau đó thêm môn hát tuồng, đến năm 1969 thì chuyển sang hát loại hình nghệ thuật chèo. Thế hệ chúng tôi nhiều người đã được phong tặng các danh hiệu cao quý. Con cháu chúng tôi đến nay cũng có nhiều người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, nhờ vào cái nôi của cha ông”.
Mảnh đất nghìn năm văn hiến còn có nhiều làng nông dân đam mê hát chèo khác. Như cách làng Trung Lập không xa, là làng Nghiêm Xá thuộc xã Nghiêm Xuyên (Thường Tín). Ngược lên Ba Vì có làng chèo Hậu Trạch, thuộc xã Vạn Thắng. Hay mảnh đất Thạch Thất, quê hương ông vua chèo đất bắc Tào Mạt, có CLB hát chèo Dị Nậu. Rồi làng Thạch Bàn, phường Sài Đồng (huyện Gia Lâm) cũng có CLB hát chèo với lớp học chèo đặc biệt... Tất cả đang góp phần làm nên chất xuân, vị xuân của các làng quê.
Chung tay bảo tồn
Câu lạc bộ hát chèo Dị Nậu.
Phải khẳng định, không phải chèo chỉ làm nên chất xuân của những làng quê, mà sâu xa hơn, là góp phần làm nên sức sống văn hóa, góp phần bảo lưu vốn văn hóa quý giá của dân tộc, đất nước. Đồng thời, việc ra đời các CLB Hát chèo và tổ chức thường xuyên, giao lưu thường xuyên đã làm cho văn hóa Thủ đô càng đậm đà, giàu bản sắc.
Về vấn đề này, NSƯT Minh Thu, người được xem là vừa biểu diễn, vừa hát chèo hay nhất cả nước hiện nay cho rằng: “Chính việc các làng quê tự thành lập CLB, người già truyền dạy cho người trẻ, người trẻ biết phát huy đã nối dài sức sống của chèo. Dù thế nào, hát chèo vẫn là môn nghệ thuật vô cùng quan trọng trong đời sống người dân. Người nông dân ta yêu quê, gắn bó và ao ước sống với nếp làng, tình nghèo, nên chèo là món ăn tinh thần có ý nghĩa lớn lao”.
Đồng quan điểm ấy, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Bột, Chủ nhiệm CLB Hát chèo Nghiêm Xá (Thường Tín) cho rằng, trong khi nhiều làng quê, chèo đã trở nên xa lạ, thì việc những ngôi làng còn giữ được những nét bình dị, giữ được chèo là điều đáng quý.
Ông Bột nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều biết, chèo không còn được yêu thích trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhưng người dân chúng tôi thì yêu lắm. Bản thân gia đình chúng tôi, đến đời cháu đã là năm đời gìn giữ các làn điệu chèo cổ. Chúng tôi quyết giữ để một bản sắc văn hóa không bao giờ để hao mòn”.
Cũng như nhiều CLB khác, việc hoạt động thiếu kinh phí. Đa số các thành viên phải tự đóng quỹ, nhưng họ vẫn hăng say hoạt động, giao lưu. Cho dù có những buổi giao lưu được tặng quà, buổi biểu diễn phục vụ sự kiện được trả công, nhưng điều đó chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần.
Ông Nguyễn Văn Quản, thành viên tích cực của CLB Hát chèo Trung Lập (Phú Xuyên) bày tỏ: “Dù cuộc sống có vất vả, thì với sự nhiệt tình của người dân yêu chèo như chúng tôi không hề thuyên giảm. Bằng chứng là những buổi luyện tập, lưu diễn, bà con rất hăng say. Chúng tôi đều là nông dân, nhưng lên sâu khấu thì hăng hái lắm. Họ cứ hát tự nhiên, tràn đầy sức sống như trong lao động, sản xuất và chiến đấu vậy”.
Có lẽ, chỉ vài chi tiết, cũng đủ để nói đến sự nhiệt tình của các CLB. Thí dụ như, CLB Hát chèo Trung Lập, các thành viên khẳng định dù cuộc sống còn nghèo, nhưng giàu có tình yêu nghệ thuật. Có thời gian đi tập, thiếu trống, họ phải dùng xoong, bát, hòm xiểng để tập.
Bà Lê Thị Mến, một thành viên tích cực nhớ lại: “Ngày đó đoàn chúng tôi có ngày diễn quan trọng, và theo lịch thì chỉ hai ngày sau là tôi đẻ. Diễn viên không ai có thể thay thế được. Tôi vẫn xin chủ nhiệm cho đi, cứ ôm bụng chửa lên sân khấu. Đó là một đêm diễn thành công của đời tôi với tiết mục “Mâm cỗ ế”. Sau đó chỉ hai ngày, tôi sinh con. Nhiều đợt đi ngày đó kéo dài đến ba tháng trời. Đi đến đâu thì lỉnh kỉnh đồ đạc người và xe, có cả vật nuôi”.
Có điều đặc biệt là, đến những ngôi làng hát chèo, vào mùa xuân khách đều được tiếp đón bằng “món chèo”. Tiếng hát, tiếng đàn đã góp vào không khí xuân tươi mới những làn điệu mơn mởn, thiết tha. Phải chăng, chính bàn tay hay làm, cần cù, chịu khó, với một thái độ sống tích cực, đã làm nên sức sống của những CLB hát chèo nơi các làng quê cổ kính?