Sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội trở thành địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước, với 5.175 di tích các loại. Tuy nhiên, kết quả này chỉ dựa trên số liệu có sẵn của Hà Nội - Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) cộng dồn một cách cơ học. Với số lượng di tích lớn như vậy, rất cần có sự đánh giá tổng quát để nhận diện, đánh giá lại toàn bộ giá trị di tích trên địa bàn. Vì vậy, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai Đề án Tổng kiểm kê, đánh giá phân loại di tích trên địa bàn.
Được tiến hành từ tháng 7-2013, đề án vừa được nghiệm thu vào tháng 12-2015. Các nhà khoa học đánh giá đây là một đề án tương đối phức tạp, vì phải đánh giá, kiểm kê một số lượng di tích lớn, trên địa bàn rộng, nhưng đã được ngành văn hóa Hà Nội thực hiện nghiêm túc, khoa học và đạt hiệu quả cao. Thành phố đã kiểm kê, đánh giá gần 8.000 di tích, địa điểm, công trình... Kết quả cho thấy, Hà Nội có gần 5.800 di tích có giá trị, tăng 700 di tích so với số liệu cũ. Trong đó có một di sản thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.167 di tích quốc gia, 1.179 di tích cấp thành phố.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, số lượng di tích này vốn đã tồn tại từ lâu, nhưng qua đợt Tổng kiểm kê, mới nhận diện, đánh giá đúng giá trị. Trong đợt kiểm kê này, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Viện Bảo tồn Di tích, Đại học Văn hóa, thành phố Hà Nội đã tiến hành một cách bài bản, với sự tham gia của tất cả chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Việc tham gia tích cực của chính quyền địa phương bảo đảm không xảy ra tình trạng bỏ sót những di tích có giá trị.
Từ kết quả này, Hà Nội sẽ tiếp tục làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp thành phố tùy thuộc vào giá trị của công trình. Ngoài những di tích được đánh giá là có giá trị, những công trình, địa điểm được kiểm kê không được coi là di tích cũng cũng được lưu hồ sơ theo dõi, phục vụ công tác nghiên cứu và quản lý hoạt động tôn giáo tín ngưỡng.
Một lĩnh vực khác lần đầu tiên được kiểm kê, đánh giá toàn diện và đầy đủ là hiện vật trong di tích. Thành phố hiện có 317.000 hiện vật các loại trong di tích. Trong đó, có nhiều cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử, nhiều hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Quá trình kiểm kê cũng đánh giá tình trạng xuống cấp các hạng mục chính của di tích, tình trạng vi phạm di tích... Hiện Hà Nội có khoảng 200 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Đây là cơ sở để thành phố sẽ xây dựng kế hoạch bảo tồn, tu bổ hệ thống di tích, bảo vệ những hiện vật quý trong di tích một cách hợp lý hơn.
Kết quả của đợt Tổng kiểm kê đánh giá phân loại di tích trên địa bàn Hà Nội cho thấy nhiều tín hiệu đáng mừng. Hà Nội tiếp tục là miền đất của di sản, với hệ thống di tích có giá trị dày đặc. Nhưng với số lượng di tích lớn, việc quản lý cũng hết sức nan giải. Trên địa bàn thường xuyên xảy ra những vụ vi phạm trong sửa chữa, tu bổ di tích, mà phổ biến nhất là lỗi tự ý xây thêm hạng mục công trình như ở chùa Sổ (năm 2014, tại huyện Thanh Oai), chùa Hương (năm 2015, địa bàn huyện Mỹ Đức), chùa Trăm Gian (năm 2013 và 2015, huyện Chương Mỹ)... Ngoài ra, một vấn đề nan giải khác của Hà Nội là trong khi nhiều di tích thừa tiền, tìm mọi cách để đập cũ, xây hạng mục mới thì vẫn còn hàng trăm di tích đang... chờ sập mà chưa huy động được kinh phí để sửa chữa.