Cải tạo, lát đá 11 tuyến phố cổ Hà Nội: Cần xét đến hiệu quả và thời điểm

|

NDO - NDĐT – Trong buổi trao đổi về dự định lát đá 11 tuyến phố cổ Hà Nội với ban quản lý Khu phố cổ Hà Nội chiều 17-8, nhiều chuyên gia đã cho rằng, cần cân nhắc kỹ đến hiệu quả, thời điểm và các ưu tiên khác ở khu vực phố cổ.

Ngày 28-7, quận Hoàn Kiếm đã có văn bản số 772 gửi UBND thành phố Hà Nội đề xuất lát đá 11 tuyến phố cổ Hà Nội, bao gồm các phố Tạ Hiện, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Đào Duy Từ. Nếu quyết định này được thông qua, thì 11 tuyến phố này sẽ được đổ bê tông và lát đá tự nhiên trên bề mặt. Dự kiến đến năm 2016 dự án sẽ hoàn thành.

Theo ông Phạm Tuấn Long, Trưởng ban quản lý Khu phố cổ Hà Nội, từ năm 2010 tuyến phố Tạ Hiện đã được lát đá thí điểm với chiều dài 55 m. Đá ở đây là đá mặt nhám chống trơn, không gây nguy hiểm cho người đi bộ và phương tiện qua lại.

Cũng theo thông tin mà Trưởng ban quản lý Khu phố cổ cung cấp, kể từ sau khi đoạn phố Tạ Hiện được chỉnh trang nâng cấp, cụ thể là hạ ngầm đường thoát nước, chỉnh trang mái vẩy, mái che…, thì không chỉ bộ mặt của khu vực này thay đổi, mà dịch vụ, kinh tế cùng thay đổi theo. Thí dụ, trước năm 2008, có khoảng 40% hộ dân ở đây kin hdoanh dịch vụ, nhưng sau khi chỉnh trang thì đã có 100% hộ dân. Nhiều người nước ngoài cũng tham gia mở quán bar, hàng ăn… Giá thuê cửa hàng tại phố Tạ Hiện cũng tăng cao hơn so với trước. Và ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh, về thu ngân sách, quận Hoàn Kiếm tuy có diện tích nhỏ nhất Hà Nội nhưng luôn giữ mức cao, và năm sau cao hơn năm trước.

Ông Phạm Tuấn Long cho biết, dự án lát đá phố Tạ Hiện này đã bắt đầu từ năm 2004-2005, với sự hỗ trợ, nghiên cứu của các chuyên gia thành phố Toulouse (Pháp).

Tuy nhiên, trước thông tin phản ánh tuyến phố Tạ Hiện sau khi lát đá đã trở nên trơn trượt vào trời mưa, thì Trưởng ban quản lý Khu phố cổ thừa nhận có nắm được thông tin, và giải thích rằng tỷ lệ hộ kinh doanh hàng ăn ở đây cao hơn so với nơi khác, và “dầu mỡ cũng có gây ảnh hưởng”.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, trước khi đi đến quyết định lát đá phố cổ, phải nghiên cứu, tính toán tất cả các yếu tố, như đường dành cho đi bộ hay có cả các phương tiện khác, lát đá thì có tác dụng gì, thay đổi như thế nào?... KTS Trần Huy Ánh cho rằng, phải xem xét hiệu quả như thế nào, nếu là bài toán đầu tư thì cũng nên tính đến những gì thu lại được.

Theo GS, KTS Hoàng Đạo Kính, việc chỉnh trang các tuyến phố cổ là hết sức bình thường, nhưng phải tuân thủ hai quan điểm: phải ăn khớp, hòa nhập với cảnh quan, và phải chọn thời điểm nào, ưu tiên nào để làm cho đúng.

GS Hoàng Đạo Kính cho rằng, trong khu vực phố cổ, có rất nhiều ưu tiên phải làm trước, chẳng hạn như chỉnh trang, nâng cấp, xóa bỏ cảnh sống bệ rạc, xóa bỏ những “tổ người” hình thành hàng chục năm nay trong các căn nhà ở phố cổ, quy hoạch lại quảng cáo… GS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh, muốn làm phải nghiên cứu thật kỹ, tránh bài học “lát đá vỉa hè’ hồi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội: các vỉa hè chỉ được xếp đá lên, khấp khểnh, thò ra thụt vào rất cẩu thả, và điều đó tồn tại cho đến tận bây giờ.