Đưa văn học Việt Nam ra thế giới

|

Thời gian gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực trong đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Nhiều tác phẩm văn học trong nước được dịch, đoạt giải thưởng và đáng chú ý, đã có một đội ngũ nhà văn trẻ ưa khám phá, đổi mới, nhập cuộc sôi nổi bằng tâm thế công dân toàn cầu.

Mới nhất, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội với Viện Văn học Pakistan. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, trong thời gian tới, Viện Văn học Pakistan sẽ tiến hành dịch kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du và “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội Nhà văn Việt Nam cũng sẽ dịch, xuất bản và giới thiệu với các nhà văn và bạn đọc Việt Nam tuyển tập 100 bài thơ của các nhà thơ Pakistan.

Sự hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam với các tổ chức văn học trên thế giới là mối quan hệ hai chiều bình đẳng, bao gồm gặp gỡ, giao lưu, phối hợp tổ chức các hội chợ sách tại mỗi nước; tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu về các chủ đề cùng quan tâm trong văn học; dịch thuật, đăng tải, xuất bản tác phẩm văn học của hai bên; tổ chức các khóa đào tạo, trao giải thưởng văn học… và nhiều hoạt động khác nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn học, văn hóa và sáng tạo.

Quá trình hội nhập quốc tế, Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực như: Tổ chức được nhiều hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, các Liên hoan thơ quốc tế với sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ nhiều nước.

Nhờ đó, vẻ đẹp văn chương và hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam được lan tỏa rộng hơn. Nhiều tác phẩm văn học đương đại đã bước ra thế giới và đoạt giải thưởng như: Năm 2017, thơ của tác giả Mai Văn Phấn giành giải thưởng văn học Cikada của Thụy Điển; năm 2018, nhà văn Bảo Ninh nhận giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao Giải thưởng văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc; năm 2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng ở Frankfurt (Đức) - giải do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin bình chọn cho tác phẩm “Cánh đồng bất tận” (được dịch sang tiếng Đức)…

Nhiều tác phẩm nổi bật của văn học nước nhà cũng được dịch ra tiếng nước ngoài. Có thể kể đến: Tiểu thuyết “Trí nhớ suy tàn” của Nguyễn Bình Phương; tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà; bộ tác phẩm “Mắt biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh; các tuyển tập thơ, văn 10 thế kỷ văn học Việt Nam; tuyển tập thơ “Sông núi trên vai” và tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại “Một loài chim trên sóng”...

Nhận định về hành trình này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Dù có những tiến bộ và thành tựu nhất định, song văn học trong nước ra thế giới mới chỉ được giới thiệu một cách cơ bản nhất. Để hiệu quả, cần phải có một chiến lược dài hơi. Các nước bạn như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã vươn ra thế giới đầy mạnh mẽ, đồng bộ với những trung tâm, quỹ cho hoạt động đào tạo, dịch thuật, quảng bá…

Chúng ta cần học tập kinh nghiệm từ việc chọn lựa nhân sự, cách thức tổ chức và chọn lọc tác phẩm. “Một vấn đề quan trọng nữa là cơ chế phối hợp với dịch giả và các nhà xuất bản nước ngoài để họ sẵn sàng hợp tác, trao đổi bản quyền. Hiện các tác phẩm của nhà văn Việt Nam dịch ra thế giới chủ yếu dựa vào uy tín cá nhân, do các dịch giả, các nhà văn trên thế giới cảm mến chứ rất ít nhà xuất bản, tổ chức quy mô, uy tín trên thế giới tham gia”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Một trong những hy vọng lớn về quá trình hội nhập quốc tế của văn học Việt Nam là vai trò của tác giả trẻ. Hằng năm, giải thưởng của Hội đều góp phần phát hiện ra những tác phẩm mới mẻ, có dấu ấn phong cách của đội ngũ cây bút thế hệ trẻ. Theo đánh giá từ giới chuyên môn, thế hệ trẻ sở hữu nhiều lợi thế song cũng phải đối diện với nhiều thách thức lớn, trong đó có những thành tựu văn chương của nước nhà đã ghi dấu ấn sâu sắc trên văn đàn và trong lòng bạn đọc.

Để hội nhập quốc tế, họ vừa cần kế thừa, phát huy giá trị nền tảng, vừa phải tự tìm ra con đường riêng. Bên cạnh đó, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có thể làm thay phần nào đó công việc viết văn, cũng như nhu cầu thưởng thức ngày càng khắt khe từ công chúng. Nhà văn Hiền Trang (sinh năm 1993) chia sẻ: Khi tham gia khóa đào tạo viết văn quốc tế của Đại học Iowa (Mỹ) năm 2022, cô nhận được nhiều cơ hội tốt, trong đó có sự ghi nhận và tôn trọng từ bạn bè quốc tế. Ở các nước phát triển, nghề viết là công việc được xã hội đánh giá cao, ghi nhận tương xứng.

Vừa qua, Hội nghị người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh 2024 ghi nhận lần đầu tiên có sự tham gia của các tác giả thuộc thế hệ công dân toàn cầu, sáng tác văn học bằng cả tiếng Việt và các ngoại ngữ khác là Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008), từng đoạt Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022 và Trần Phú Minh Anh (sinh năm 2007), từng đoạt giải A của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023.

Trong tham luận tại hội nghị, Cao Việt Quỳnh chia sẻ: “Mỗi cuốn sách tôi đã viết ra với tất cả nỗ lực và sự tận tình để tạo ra một tác phẩm hay nhất trong khả năng”. Ngoài Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022, bộ tiểu thuyết ba tập “Người sao chổi” của Cao Việt Quỳnh còn được giới thiệu tại Hội sách bản quyền quốc tế Bangkok lần thứ 20, Hội sách quốc gia Thái Lan lần thứ 50, Hội sách quốc tế Bắc Kinh lần thứ 30... Sắp tới, tác giả sẽ ra mắt năm cuốn tiểu thuyết trong bộ “Lục địa rồng” và đang viết bộ tiểu thuyết tạm đặt tên “Tài xế taxi của Merlin”.

Bày tỏ hy vọng vào thế hệ trẻ - những người đang gánh vác sứ mệnh lan tỏa giá trị văn học Việt Nam ra thế giới, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định: Chỉ khi có đam mê, bản lĩnh, sự sáng tạo và nghĩ về văn chương như một điều thiêng liêng thì các nhà văn mới có thể vượt qua trở ngại, thách thức. Để hội nhập quốc tế, họ vừa phải giữ được bản sắc văn hóa Việt, vừa thể hiện được tài năng, phong cách và bản lĩnh của mình.