Đồn điền Cada là một trong những đồn điền cà-phê hình thành sớm (khoảng năm 1922) trong quá trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dương nói chung và Đác Lắc nói riêng. Đồn điền kéo dài từ km 18 đến km 47 ven quốc lộ 26 đoạn qua xã Ea Yông, huyện Krông Pắc. Đồn điền Cada cũng là nơi ra đời của chi bộ đồn điền - chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trong công nhân của tỉnh Đác Lắc, nhằm tập hợp lực lượng của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sáng ngày 18-8-1945, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ trước trụ sở Ủy ban cách mạng lâm thời của đồn điền, đánh dấu mốc son sáng ngời của đội ngũ công nhân đồn điền Cada trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp ở Đác Lắc. Trong sự nghiệp chống đế quốc Mỹ cứu nước, công nhân đồn điền Cada còn tham gia tích cực vào cuộc tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và mùa Xuân 1975, giải phóng Đác Lắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Mặc dù là một địa chỉ đỏ của phong trào công nhân, thế nhưng trong những năm qua, di tích này vẫn chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với một di tích lịch sử cấp quốc gia. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Đác Lắc Y Wăi Byă cho biết: Sau khi Đồn điền Cada được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, từ năm 2009 đến năm 2012, bằng các nguồn kinh phí sở đã đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích khoảng chín tỷ đồng, trong đó trùng tu tôn tạo di tích hơn 5,2 tỷ đồng; tu bổ, tôn tạo khu miếu thờ gần 1,8 tỷ đồng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và sở đã bàn giao cho Phòng Văn hóa-Thông tin huyện trực tiếp quản lý. Còn hạng mục sân vườn nội bộ thuộc di tích Cada, miếu thờ có tổng mức đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng hiện đang trong quá trình triển khai.
Một hạng mục trong khu di tích Đồn điền Cada bị mất nhiều tấm tôn lợp nhưng chưa được quan tâm sửa chữa.
Tuy nhiên, cho đến nay các hạng mục chưa được đầu tư trùng tu, tôn tạo cũng như một số hạng mục được trùng tu, tôn tạo đang bị hư hại xuống cấp. Nguyên nhân một phần do yếu tố khách quan như môi trường thời gian, mưa nắng, một phần do chủ quan như một số cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng về ý nghĩa của công tác bảo tồn, phát huy di tích, còn coi đây là công việc riêng của ngành văn hóa. Bên cạnh đó, người dân địa phương chưa có ý thức trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của di tích...
Một ngày giữa tháng 9, có mặt tại khu di tích đồn điền Cada, theo quan sát của chúng tôi nhiều hạng mục, công trình đang xuống cấp trầm trọng. Tường rào bao quanh khu di tích nhiều nơi đã đổ sập, nhiều người dân thiếu ý thức đem rác đổ thành đống tại đây. Trong khuôn viên di tích cây cỏ mọc um tùm, thậm chí người dân còn lùa cả trâu bò vào chăn thả trong khuôn viên của di tích…
Ông Nguyễn Văn Thành, người bảo vệ khu di tích Đồn điền Cada cho biết: “Tôi làm bảo vệ tại khu di tích này được bốn năm, nhưng hằng ngày cứ phải chứng kiến nhiều hạng mục xuống cấp cũng buồn lắm. Chỉ mong sao các cấp, các ngành sớm quan tâm đầu tư trùng tu tôn tạo, phục vụ du khách gần xa đến thăm quan, chứ lâu nay chẳng thấy khách du lịch nào ghé thăm cả”.
Hàng chục mét tường rào khu di tích Đồn điền Cada bị đổ sập vẫn chưa được xây dựng lại.
Còn theo phản ánh của người dân thì không chỉ nhiều hạng mục của di tích này đang xuống cấp mà nhiều hộ tiểu thương còn biến nơi này thành điểm tập kết, thu mua, xay sát cà-phê, nông sản, thậm chí ngay trước cổng của di tích này nhiều người dân đã dựng nhà tạm, sửa chữa xe máy, kinh doanh hàng nước, xả rác bừa bãi khiến cho di tích càng trở nên nhếch nhác…
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Yông Tạ Văn Châm cho biết: Di tích lịch sử Đồn điền Cada nằm trên địa bàn xã nhưng do Sở VHTT&DL quản lý nên xã không nắm được tình hình. Thời gian gần đây, qua các buổi tiếp xúc cử tri người dân có phản ánh tình trạng tường rào của di tích bị đổ và nhiều hạng mục xuống cấp nhưng không thuộc thẩm quyền của mình quản lý nên không kiểm tra được”.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm quản lý các di tích lịch sử tỉnh Đác Lắc Trần Hùng chia sẻ: “Hiện trên địa bàn tỉnh Đác Lắc không chỉ riêng di tích Đồn điền Cada đang xuống cấp mà nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia khác cũng đang xuống cấp nghiêm trọng do thiếu kinh phí trùng tu, tôn tạo khiến cho công tác quản lý, bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để công tác quản lý các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn được chặt chẽ thì Bộ VHTT&DL cũng như UBND tỉnh cần có quy định phân cấp quản lý cụ thể, chứ hiện nay nhiều địa phương cứ nghĩ việc quản lý di tích là do Trung tâm chứ địa phương không có trách nhiệm gì khi chưa được bàn giao”.
Ông Bùi Văn Khối, Trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa, Sở VHTT&DL Đác Lắc cho biết: Đồn điền Cada là một trong những di tích hiếm hoi còn xót lại trong tiến trình lịch sử khai thác, chế biến cà-phê của thực dân Pháp ở thủ phủ cà-phê Tây Nguyên. Di tích này cũng nằm gần TP Buôn Ma Thuột và giao thông đi lại rất thuận lợi. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Đồn điền Cada, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch, Bộ VHTT&DL cũng như tỉnh Đác Lắc cần quan tâm đầu tư thêm kinh phí để trùng tu, tôn tạo các hạng mục còn lại của di tích, tránh tình trạng đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích nửa vời, vừa không phát huy được giá trị của di tích, vừa gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân.