Ký ức xưa kết nối tâm hồn
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Khoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Khúc Ca Xưa, kể lại về lý do hình thành CLB qua một câu chuyện hết sức ngẫu hứng và tình cờ.
Ngày trước, trong những dịp tụ họp, ông cùng những người bạn học thời phổ thông thường rủ nhau tới nhà chơi, hát và ôn lại những câu chuyện cũ. Bên cạnh những bài nhạc trẻ, nhạc tiền chiến, dân ca…, có một nhóm, gồm những người sinh ra trong khoảng 1945-1949 lại đặc biệt thích nhớ lại những bài hát xưa cũ, nhưng đã cũ tới mức không còn thấy ở trong các danh sách karaoke.
“Nhạc từ thời Việt-Trung-Xô hữu nghị từ khoảng những năm 1955-1964 đều khó tìm thấy vì gần như không còn được ai hát nữa. Chính từ đó, chúng tôi mới rủ nhau đi tìm lại những bài ấy để được hát cùng nhau”, ông Khoa kể lại. Một số bài có thể tìm thấy ở cơ sở dữ liệu của Đài Tiếng nói Việt Nam nhờ được số hóa. Nhưng cách hát thời xưa lại không giống bây giờ. Bởi đó là cách hát của những ca sĩ được cử đi học hát ở Liên Xô, ở Triều Tiên theo một kiểu rất kỹ thuật nhưng là cộng minh, khác với thời nay thường hát theo kiểu nhạc nhẹ, nên nhóm đều cần phải làm mới cho phù hợp hơn.
Trong nhóm có người bạn chơi guitar còn nhớ được giai điệu của một số bài hát ấy và có thể chép lại thành bản nhạc, rồi đánh lại để mọi người cùng ngồi hát chơi với nhau những bài như “Chiều Mátxcơva”, “Mặt trời không lặn trên thảo nguyên”, “Con ếch xanh”, “Cô gái bán hoa”... Mỗi khi ngân nga theo giai điệu, lắng nghe từng hồi ức ùa về, cả nhóm đều có chung một cảm nhận, rằng mỗi người không phải đang hát cho ai khác nghe mà là hát cho chính mình, cho chính tuổi thanh xuân của mình. Càng hát lại càng có hứng, ông Khoa thử đăng tải những buổi hát của nhóm lên internet. Từ đây, nhóm dần dần thu hút được nhiều người cùng sở thích. Vào một ngày tháng 5/2015, trên chiếc sofa trong phòng khách nhà ông Khoa, đã có 8 người đồng lòng thành lập CLB Khúc Ca Xưa.
“Để cho anh nhớ lối tìm về”
Khúc Ca Xưa đến nay có 16 người, gồm 1 người chơi accordion (phong cầm), vài nghệ sĩ violin, nhóm hát và đệm đàn. Phần lớn đều biết tiếng Nga. Có người từng là đại diện Thương mại Việt Nam ở Nga, đại biểu Quốc hội, có người từng giảng dạy tại nhạc viện, Trường đại học Mỏ - Địa chất, Dược Hà Nội, Y Hà Nội, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ... Về bản phối, đa số đều được biên soạn dựa vào trí nhớ và tìm thêm trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Dù chất lượng âm thanh khi đó đã kém nhưng ít nhất đã gợi lại được đúng nhịp và tiết tấu. Chủ nhiệm CLB còn rất tâm huyết trong việc dịch lại và đặt lời tiếng Việt cho những bản nhạc Liên Xô trước kia và một số ca khúc kinh điển của nhiều nước khác. Trong quá trình làm, ông phát hiện ra nhiều câu chuyện về lỗi biên dịch, mà theo ông là “những sai lầm rất nghiêm trọng nhưng cũng rất đáng yêu”.
“Vào thời của chúng tôi tất cả đều biết bài “Hoàng hôn trên nông trường”. Một bài hát quá hay, ai ai cũng thuộc. Đến lúc tìm lại bản nhạc gốc, tôi mới nhận ra bài hát này chẳng có gì dính dáng tới nông trường cả, mà thực chất là một khúc ca bi tráng ca ngợi những người lính đã hy sinh trên núi đồi Mãn Châu Lý trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật. Sau này, tôi quyết định dịch lại và trả lại tên gốc cho bài hát ấy là “Trên núi đồi Mãn Châu Lý”, ông Khoa cho biết.
Hay một bài mà mọi người cũng rất thích là “Lúa vàng ơi, lúa vàng”, gồm 4 đoạn nhưng ngày xưa chỉ đặt lời có 2 đoạn, rồi chập tất cả nội dung vào. Điều này khiến bài hát không còn thật chính xác vì không lột tả hết ý nghĩa của nó. Bài ấy hay tới độ cả nhóm đều muốn hát. Nhưng khi dịch lại thật nghiêm túc, nhóm vẫn chưa ưng và phải nhờ dịch giả Lê Đức Mẫn - người thầy tiếng Nga thời đại học của nhiều người sửa lại để cho ra được đúng cái hồn của bài hát.
Suốt 9 năm hoạt động, Khúc Ca Xưa đã luôn đồng hành và cùng nhau trải qua nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Song song với những buổi sinh hoạt tập luyện, nhóm cũng tham gia biểu diễn ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường đại học Văn hóa Hà Nội… vào những dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Năm 2017, VTV đã xin lấy lời dịch bài “Từ biệt em gái Slavơ” của ông Khoa để tổ chức cho ca sĩ biểu diễn trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Cũng cùng năm đó, Tùy viên Văn hóa Nga đã quay lại video cả nhóm hát bài “Cuộc chiến tranh thần thánh” tại Hà Nội để phát trên đài truyền hình Mátxcơva.
Thời gian trôi qua, song âm nhạc vẫn giữ cho ngọn lửa ký ức và tình yêu cuộc sống luôn rực sáng trong tâm hồn từng thành viên, như lời bài hát do chính chủ nhiệm CLB sáng tác dành tặng cho riêng nhóm: “Chiều nay ráng hồng chưa tắt/Đường xa ta vẫn còn đi/Em hãy hát một câu ca cũ/Để cho anh nhớ lối tìm về/Tìm về với những ngày xưa/Tìm về với khúc ca xưa…”.