Phiêng Phàng, Nà Pài đổi thay nhờ du lịch

|

Chỉ 10 năm trước, nhắc đến Phiêng Phàng, người dân xã Yến Dương sẽ nghĩ ngay đến thôn vùng cao khó khăn nhất. Bởi lẽ giao thông bị cản trở, người dân chưa biết cách làm kinh tế nên tỷ lệ hộ nghèo cao.

Gieo niềm tin trên đỉnh núi

Ở lưng chừng đỉnh Pù Lầu của dãy Phja Bjoóc, thôn Phiêng Phàng và thôn Nà Pài thuộc xã Yến Dương, huyện Ba Bể, Bắc Kạn. Theo con đường dốc, vượt qua rừng trúc nổi tiếng được ví như trong phim “Thập diện mai phục”, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi cá tầm, cá hồi đầu tiên của Bắc Kạn.

Trang trại nằm ở độ cao 900 m so mực nước biển, có nhà sàn trên những viên đá khổng lồ, có điểm dừng chân mênh mông giữa khoảng không mờ sương. Dù không phải cuối tuần nhưng hôm nay vẫn có 3 đoàn khách ghé thăm, trải nghiệm và mua cá tầm. Ai cũng thích thú, trầm trồ trước những bể cá được xây kiên cố, dưới đáy có hơn 500 chú cá tầm thảnh thơi bơi lội. Chủ nhân của cơ ngơi tiền tỷ này là chàng thanh niên người Dao Đặng Hành Dũng, sinh năm 1996. Chàng trai của rừng Pù Lầu có vóc người nhỏ, nước da rắn rỏi, nụ cười hiền và giọng nói mang đậm đặc trưng của dân tộc Dao.

Tốt nghiệp cấp III, Dũng xin đi công an nghĩa vụ, rồi sau đó tiếp tục theo học trung cấp y. Năm 2020, chàng thanh niên 24 tuổi mạnh dạn xin bố mẹ đầu tư nuôi cá tầm, cá hồi. Dũng nhớ lại: Nhưng tôi lại không lường trước được những khó khăn khi bắt đầu thực hiện. Thời điểm ấy, chưa có đường lên nên mỗi viên gạch chuyển lên đây phải qua 3 bước, ô-tô tải, tắc tơ và tời bằng dây cáp. Kinh phí bị đội lên rất nhiều. Rồi khi nuôi được lứa cá đầu tiên, chưa nắm được kỹ thuật đầy đủ nên cá bị chết hơn một nửa…

Mỗi thất bại lại cho một bài học mới, kiên trì tiến về phía trước. Từ 3 bể cá ban đầu, Dũng đã có trong tay 30 bể cá với hơn 20 nghìn con. Đều đặn mỗi tuần, Dũng và vợ lại lái ô-tô chở cá xuống giao cho các nhà hàng lớn ở Hà Nội. Riêng năm 2023, đã có gần 20 tấn cá tầm được bán ra. Đến nay Dũng đã thu hồi được vốn, nhưng vui hơn cả là ngày càng nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến Phiêng Phàng. Mọi người không chỉ thưởng thức cá ngon mà còn có những trải nghiệm mới mẻ, tạo đà cho hướng đi mới trong phát triển du lịch ở đây.

Du lịch từ bản sắc

Đến với Phiêng Phàng, ngỡ như thời gian trôi đi thật chậm, kể cả khi mặt trời đã lên cao, những lớp sương vẫn vương vấn giữa không trung. Men theo con đường nhỏ, du khách sẽ có dịp ngắm thác nước hùng vĩ trong trẻo gần 100 m, với dòng nước từ trên đỉnh núi đổ xuống mát lạnh, được trải nghiệm hái măng trúc và làm các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao.

Chúng tôi thăm gia đình ông bà Triệu Hữu Vượng và Triệu Thị Sỉnh ở thôn Nà Pài. Ngôi nhà gỗ của gia đình mới được sửa lại trong vài năm gần đây, rộng ba gian với những cột gỗ nhẵn thín. Chính giữa nhà bàn thờ tổ tiên, hai bên là buồng ngủ được ngăn bằng ván và rèm cửa rộng. Trước hiên nhà, cụ ông và cụ bà vừa đan lát, thêu thùa vừa trò chuyện râm ran.

Ông Triệu Hữu Vượng năm nay đã 73 tuổi và gắn bó với nghề đan lát được 33 năm. Đôi tay nhăn nheo, chai sần của ông tỉ mẩn vót nan, chuốt nan từ thân cây trúc, ông bảo các nan đều phải có độ mềm, nhẵn, đều nhau để khi đan sẽ khít chặt, không tạo khe hở thì sản phẩm mới bền, đẹp. Kỹ thuật đan lát không khó nhưng đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ và chịu khó.

Ngoài đan mẹt, dần, sàng, gùi, sọt để đi nương rẫy hoặc đựng ngô, thóc, hạt giống... người Dao Quế Lâm còn đan những chiếc giỏ lớn để đựng đồ thờ cúng. Sản phẩm dạng này đòi hỏi sự công phu và thêm nhiều họa tiết hoa văn. Để hoàn thiện một sản phẩm đan lát bền đẹp ông Vượng thường cặm cụi mất ít nhất 1-3 ngày. Khi sản phẩm làm xong, nếu chưa sử dụng thì được treo lên gác bếp hun khói, giúp giảm độ ẩm, tăng độ bền, đồng thời để sản phẩm ngả sang mầu nâu đậm, vàng mật bắt mắt.

Phía bên cạnh, bà Triệu Thị Sỉnh trong trang phục truyền thống, khéo léo đưa từng mũi kim thêu, bà cười vui: Từ ngày còn bé, thấy các bà, các mẹ cũng hay ngồi bên hiên nhà thêu quần áo, vậy là tôi cũng học theo. Có một thời gian dài, mọi người trong làng không ai còn mặc trang phục truyền thống nữa. Từ khi du lịch bắt đầu phát triển, du khách ai cũng yêu thích, xin chụp ảnh thì thêu trang phục truyền thống mới bắt đầu được khôi phục trở lại. Hiện nay có nhiều người đặt tôi thêu, cả bộ của trẻ con và người lớn. Vui lắm chứ, trang phục dân tộc mình là đẹp nhất!

Đến Yến Dương không thể không nhắc đến lúa Nếp Tài-sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ gạo đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. “Nếp Tài” là tiếng của người Dao, khi dịch ra tiếng việt nghĩa là “Nếp tự về”. Giống lúa này có từ lâu đời, thường được trồng một vụ từ tháng 5 đến tháng 11. Cánh đồng lúa Nếp Tài ở đây không “thẳng cánh cò bay” mà nhấp nhô, uốn lượn, từ triền núi cao xuống thấp, có đoạn lại bằng phẳng như ruộng của người Tày, xen kẽ trong ruộng lúa có những tảng đá lớn nhỏ tự nhiên lạ mắt. Vào mùa lúa chín, đây là một trong những điểm check in được nhiều du khách đặc biệt yêu thích.

Hiện nay, thôn Nà Pài có 5-6 cụ ông, cụ bà là biết đan lát, thêu thùa. Những bộ trang phục truyền thống rực rỡ đủ sắc mầu đặc trưng của người Dao Quế Lâm đang tạo thành một điểm nhấn đặc sắc trong quá trình trải nghiệm của du khách. Đồng bào còn làm các “thức quà” mang những đặc trưng riêng như: miến tráng tay, trà bí xanh thơm, bánh dầy gấc, bánh dầy lá ngải, bánh trôi…