Cảnh báo về chất lượng sản phẩm phòng dịch

|

Dịch Covid-19 lại bùng phát khiến nhu cầu của người dân với các mặt hàng phòng dịch tăng cao. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã sản xuất, buôn bán các sản phẩm phòng dịch chất lượng kém hoặc không rõ nguồn gốc. Đây là nguy cơ lớn cho người tiêu dùng, khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Số liệu công bố gần đây nhất của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận và hàng giả TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389 thành phố), năm 2020 các lực lượng chức năng như Cục Quản lý thị trường, Công an thành phố, Cục Hải quan Hà Nội, Sở Y tế, Sở Tài chính đã kiểm tra 335 vụ, xử lý hành chính 270 vụ liên quan đến các mặt hàng khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phòng dịch. Trong đó, khẩu trang và nước rửa tay kháng khuẩn thường bị các đối tượng trục lợi nhiều nhất bằng việc sản xuất các sản phẩm không bảo đảm chất lượng. 

Theo các chuyên gia y tế, hậu quả của việc sử dụng khẩu trang y tế kém chất lượng không những không có tác dụng phòng bệnh mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm độc từ các chất liệu không bảo đảm. Không chỉ vậy, qua giám định, nhiều mẫu dung dịch rửa tay, gel rửa tay khô, có hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) cao, dễ gây ra phản ứng phụ tại chỗ như viêm da kích ứng, dị ứng hoặc gây độc hại khi dung dịch vào mắt, mũi, miệng, thức ăn.

Hiện, các giải pháp chống làm giả sản phẩm phòng dịch đều đang gặp khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Mặc dù Nghị định 98/2020 đã tăng chế tài so trước nhưng theo đại diện Ban Chỉ đạo 389, nhiều vụ án sản xuất, kinh doanh sản phẩm phòng dịch nhái, giả phần lớn chỉ rơi vào khung phạt hành chính mức từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/vụ nên chưa đủ tính răn đe. Ngoài ra, những người kinh doanh các sản phẩm nhái, giả thường cất hàng không phải tại quầy thuốc nên không dễ để bắt quả tang. Do đó, nếu quy định pháp luật không sát thực tế, việc xác định hành vi vi phạm và áp dụng chế tài đối với người vi phạm thường không dễ.

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chiến chống dịch Covid-19 khả năng còn phức tạp, tình trạng khan hiếm các vật dụng y tế như khẩu trang và các loại dung dịch sát khuẩn sẽ còn tiếp diễn. Vì vậy, để bảo vệ mình, người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những quảng cáo sai lệch và chỉ sử dụng các sản phẩm phòng dịch có thương hiệu. Nên phân biệt khẩu trang có lớp than hoạt tính là loại lọc khí thải độc hại còn khẩu trang kháng khuẩn là để lọc vi khuẩn và bụi để tránh mua nhầm. Lưu ý dòng khẩu trang chính hãng hầu hết không sản xuất sản phẩm chất lượng loại hai, hạn chế bán sản phẩm tồn kho nên khi có nơi bày bán loại hàng này với giá rẻ thì cần cảnh giác. Khi mua, nên đến hệ thống các siêu thị, nhà thuốc uy tín hoặc tìm hiểu thông tin một số trang web của các doanh nghiệp sản xuất với hệ thống phân phối công khai để tránh mua phải hàng chất lượng kém. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phổ biến rộng rãi phương thức điều chế gel rửa tay khô. Theo đó, để có được 500 ml dung dịch sát khuẩn, chỉ cần có 415 ml cồn y tế 96% (cồn ethanol), 20 ml ôxy già 3%, 7,5 ml glyxerin 98%, 55 ml nước cất hoặc nước đun sôi để nguội không có cặn bẩn. Tuy nhiên, WHO cũng khuyến cáo dung dịch này chỉ nên pha chế trong trường hợp người dùng không có cơ hội sử dụng các loại xà-phòng. Bởi chất lượng của dung dịch sát khuẩn tự chế vẫn có đặc điểm như việc khó kiểm soát nồng độ cồn của thành phẩm cuối cùng, có thể dẫn đến viêm da nếu sử dụng lâu dài.