Phận người và những phức cảm

|

Tập phê bình văn học “Những phức cảm phận người” (NXB Hội Nhà văn, 2023), 16 bài viết của tác giả Lê Hương trong sách là những tìm tòi, kiến giải đầy thú vị về thế giới tinh thần, cảm quan nghệ thuật của các tác phẩm văn học đương đại.

Lướt qua các bài phê bình, tưởng chúng chẳng có mối liên hệ nào, nhưng đọc kỹ lại thấy ẩn giấu đằng sau từng bài viết là mạch ngầm của chuỗi các văn bản. Từ “Mùa kết tinh yêu thương” với phát hiện về chủ thể trữ tình Em chất chứa đầy cung bậc cảm xúc đau đớn, xót xa, hờn tủi đến “Bản ngã cô đơn của em” với những tổn thương trong tình yêu. Trong bài viết về truyện ngắn của Nguyễn Thế Tường (“Khát vọng làm mẹ của người đàn bà hậu chiến”), Lê Hương làm người đọc xúc động khi lý giải thấm thía hình ảnh người phụ nữ đợi chờ, mòn mỏi khát khao được làm mẹ, làm vợ nhưng cuối cùng rơi vào tuyệt vọng. Khi đánh giá, phân tích về tiểu thuyết “Súng nổ bến Thiên Đường” của nhà văn Hữu Phương, hay cảm nhận, giải mã tiểu thuyết “Giữa hai chúng ta” của Sally Rooney, chị đã phân tích cặn kẽ kiểu người phụ nữ với nỗi cô đơn và những ẩn ức không thể giải tỏa, những đấu tranh giữa phần hồn và phần xác, giữa dục vọng và phẩm hạnh thanh cao…

Xuyên suốt trong các trang viết của Lê Hương hình ảnh những chủ thể nặng trĩu nỗi cô đơn. Khi khám phá “Mùa Bạch Diệp”của nữ sĩ Bạch Diệp, Lê Hương đã nhìn thấy “nỗi nghẹn ngào, hờn tủi của em vì mòn mỏi đợi chờ”, “những ẩn ức, cô đơn ngập tràn Em”. Chị có phát hiện tinh tế về “nỗi cô đơn đã trở thành “ám khí” trong thơ Hoàng Thụy Anh. Trong “Khúc bi ca nhân thế”, Lê Hương dẫn người đọc vào thế giới mê hoặc với những cảm thức về phận người đầy ám ảnh, những mảnh vỡ và sự phân rã, thổn thức đến tận cùng của nỗi cô đơn. Khám phá “Biến thể” của Nguyễn Nho Khiêm, Lê Hương đưa người đọc quay lại nỗi ám ảnh kinh hoàng của dịch Covid-19 với những từ ngữ trong “Biến thể” như “phố không”, “đường trống”, “người ẩn nấp”, “phố vắng”, “quán khép”.

Nỗi cô đơn dường như trở thành một cảm thức ám ảnh trong “Những phức cảm phận người”. Nhưng ẩn đằng sau đó, người đọc nhìn thấy rất rõ, Lê Hương đã luôn kiếm tìm những cái tôi đầy nội lực, mạnh mẽ, luôn cố vượt thoát khỏi nỗi cô đơn định mệnh để tìm kiếm một tình yêu đích thực, tìm đến hạnh phúc với khát khao bản thể nhân bản nhất. “Những phức cảm phận người”, tên cuốn sách có lẽ đã đủ nói lên những băn khoăn, trở trăn của tác giả về con người và cuộc đời trong từng bài viết. “Phức cảm” phải chăng chính là sự phức hợp, đan cài của vô vàn những cảm xúc phức hợp, phức tạp của con người giữa cõi nhân thế xô bồ đầy biến động và không ngừng thay đổi? Để rồi, sau tất cả, “Những phức cảm phận người” trở nên một bông hoa tỏa hương dịu mát và khiêm nhường.