Một khảo cứu lịch sử và hệ âm luật ả đào (Kỳ 2)

|

Kỳ 2: Nhận diện khuôn vàng thước ngọc

Công trình đã được tiến hành kéo dài tới 9 năm ròng (2014-2023). Cuối cùng, những vấn đề khúc mắc trong quá khứ cũng dần được làm sáng rõ. Đã đến lúc phải có một cách nhìn nhân văn hơn với thế hệ những nghệ sĩ ả đào - họ đã trở thành một phần của lịch sử văn hóa dân tộc.

1/Năm 2005, tôi có tham gia dự án xây dựng hồ sơ về ca trù để trình UNESCO của Viện Âm nhạc Việt Nam. Và nghiên cứu đầu tiên có tên “Không gian văn hóa - Các chức năng văn hóa xã hội và những hình thức biểu hiện của nghệ thuật ca trù” đã được in trong cuốn “Đặc khảo ca trù Việt Nam” do Viện Âm nhạc (Nhạc viện Hà Nội) xuất bản năm 2006, đây là một phần tài liệu của bộ hồ sơ. Bẵng đi một thời gian dài, tôi được tiếp xúc với những đào kép nhà nghề cuối cùng như Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ, và cũng chỉ tìm hiểu nhạc ả đào theo bản năng chuyên môn chứ chưa có điều kiện nghiên cứu sâu hơn. Mãi đến tháng 8/2014, trong đợt làm giám khảo Liên hoan Ca trù toàn quốc cùng kép đàn lão thành Nguyễn Phú Đẹ, tôi mới chợt nhận ra ông là người cuối cùng và duy nhất có thể giải đáp mọi câu hỏi với bao điều cần lý giải về loại âm nhạc hóc hiểm này. Và sau liên hoan, ngay đầu tháng 9, tôi bắt đầu cuộc điền dã dài kỳ về nhà ông Đẹ ở Hải Dương, thực hiện cuộc “lội ngược dòng” với quyết tâm đào sâu tới tận cùng, giải mã bằng được mọi bí ẩn của hệ âm luật ả đào để đưa ra ánh sáng khoa học.

Khi đó, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan biết chuyện, anh đã động viên tôi rất nhiều và trao toàn bộ tư liệu âm thanh của mình cho tôi nghiên cứu. Bên cạnh đó, tôi cũng sưu tầm, mua lại và được bè bạn trao tặng thêm nhiều tư liệu quý hiếm nữa, kể cả những tư liệu lưu trữ ở Pháp hay Mỹ. Trong đó có những bản nhạc ả đào thu âm từ giai đoạn 1926-1930.

Nhiều bạn trẻ hào hứng nghe nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền giảng giải về nghệ thuật ca trù. Ảnh: NGUYỄN HÒA

2/Trong cuốn sách “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”, các kết quả nghiên cứu đều được định lượng hóa tối đa với hệ thống chỉ báo theo quy chuẩn khoa học âm nhạc Tây phương và liên tục được chỉnh sửa, bổ sung sau những phát hiện, nghiên cứu mới. Tất cả được trình bày một cách lớp lang có hệ thống trong sách. Cuốn sách được chia làm 7 phần:

Phần 1: “Không gian văn hóa - chức năng xã hội và những hình thức biểu hiện của nghệ thuật ả đào”. Đây là chuyên luận tổng quan những vấn đề lịch sử, không gian văn hóa và môi trường diễn xướng của nhạc ả đào. Qua đó, độc giả sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về thể loại nhạc hơn nghìn năm tuổi. Chẳng hạn trong nền âm nhạc dân tộc, ả đào là loại nhạc có nhiều tên gọi nhất như ca công, cô đầu, ca trù, hát cửa đình, hát nhà tơ… Ở đây, các hình thức diễn xướng khác nhau như không gian hát thờ thần, cung đình, tư gia, nhà hát tư nhân, hát thi… cũng như những phong tục lề thói cổ xưa đi kèm như lệ chi trả thù lao bằng thẻ thưởng, lệ mở xiêm y, lễ giỗ Tổ nghề… đều được giới thiệu chi tiết.

Phần 2: “Khổ phách - khổ đàn”. Trong phần này, với phương pháp tiếp cận mới, các đối tượng nghiên cứu được định nghĩa, làm rõ những giá trị nội hàm. Những khuôn thước trong bài bản bấy lâu nay vẫn được xem như bí truyền của giới nghề đã được làm sáng tỏ. Rút cục, mỗi bài bản ả đào đã được nhận diện như một sơ đồ cấu trúc lắp ghép các mô hình khổ phách - khổ đàn. Trong đó, mỗi mô hình đều có khung thời gian xác định cùng những yếu tố không gian âm nhạc định hình. Và, đào kép phải diễn tấu đúng sơ đồ đó mới được coi là đúng khuôn thước chuẩn mực, là “đàn hát có phách, không thừa không thiếu”. Ở đây, cấu trúc lắp ghép trong nhạc ả đào là một hình thức âm nhạc mới được phát hiện. Nó đã bổ sung thêm cho lý thuyết cấu trúc bài bản và làn điệu nhạc cổ truyền Việt Nam mà bấy lâu nay vốn được biết đến chỉ với 3 loại cơ bản là cấu trúc làn điệu, cấu trúc ca khúc dân gian và cấu trúc lòng bản. Cũng trong phần này mọi vấn đề đưa ra đều được minh họa bằng những ví dụ đoạn nhạc ký âm chi tiết. Đó là giọng hát, lá phách, tiếng đàn của các bậc danh ca, danh cầm ả đào trong thế kỷ 20.

Phần 3: “Cung điệu nhạc ả đào”. Cũng với phương pháp tiếp cận mới, hệ thống cung điệu nhạc ả đào đã được định nghĩa theo cách nhìn khoa học âm nhạc. Từ đó xác định có bao nhiêu loại cung điệu trong thể loại, cấu tạo các cung điệu ứng với hệ thống bài bản ả đào như thế nào. Rút cục ả đào có bao nhiêu bài bản, loại nào dùng trong trình thức hát thờ thần, loại nào dùng trong ca quán thính phòng... Đặc biệt, đã xác định ả đào là thể loại nhạc có nghệ thuật chuyển điệu ở tầng bậc cao nhất trong nền âm nhạc dân tộc. Trong tổng số 28 bài ả đào thì có tới quá nửa số bài được chuyển điệu.

Đây là một trong những phát hiện mới mẻ, quan trọng của công trình. Hay thông qua việc giải mã cung điệu cổ xưa của ả đào, cũng đã tìm thấy mối quan hệ/ sự ảnh hưởng của ả đào với nhiều thể loại khác như hát chầu văn, tuồng, nhạc Cung đình Huế, nhạc thính phòng Huế... Từ đó, có thể cho rằng ả đào như một sự khởi nguồn của những âm điệu thuần Việt, chảy theo dòng người di cư mở đất về phương nam mà hình thành nên nhiều giá trị khác nhau. Đặc biệt, đã phát hiện ra một thể cách ả đào cổ xưa mà chưa từng có tài liệu nào nhắc đến, tưởng chừng như đã thất truyền, góp thêm vào biểu mục bài bản được bảo tồn.

Phần 4: “Hình thức - cấu trúc bài bản”. Trong phần này, hình thức - cấu trúc lắp ghép khổ phách - khổ đàn cũng như sự luân chuyển cung điệu trong từng bài bản ả đào đều được sơ đồ hóa từng phần chi tiết. Đây thực chất là việc văn bản hóa hệ thống bài bản cổ truyền, điều mà bấy lâu nay chưa có tài liệu nghiên cứu nào thực hiện. Bên cạnh đó, nghệ thuật phổ nhạc cho lời thơ ứng với từng thể cách cũng được phân tích cụ thể, đúc kết thành quy luật chung nhất. Thông qua đó, đào kép thế hệ mới hoàn toàn có thể tiếp cận, nhận diện bài bản một cách dễ dàng và khoa học cũng như hiểu thêm về vai trò, chức năng của chúng trong nhạc ả đào.

Phần 5: “Nghệ thuật trống chầu”. Trong phần này, căn cứ vào lời giảng của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, kết hợp với tài liệu dạy trống chầu ấn hành từ đầu thế kỷ 20 cùng các căn cứ trong tư liệu, đã tổng kết toàn diện và từng phần chi tiết nguyên tắc chơi trống chầu của quan viên ả đào. Đánh trống thế nào là đúng, là hay, tất cả đều được mô hình hóa cụ thể ứng với từng khổ phách - khổ đàn. Đây cũng được xem như cách tiếp cận mới trong nghiên cứu, đã đưa ra ánh sáng khoa học nghệ thuật cầm chầu của khán giả ả đào, vốn được coi là khó hiểu và khá mơ hồ trong quá khứ. Căn cứ trên những sơ đồ dạy đánh trống chầu được đúc kết, người đọc hoàn toàn có thể tự học để trở thành một quan viên mẫu mực như trong cổ truyền.

Phần 6: “Nhà hát Cô đầu - Góc nhìn lịch sử văn hóa”. Phần này đưa ra một cách nhìn khác về nhà hát Cô đầu. Đây là câu chuyện lịch sử kéo dài tới hơn 50 năm. Dường như xã hội mới của chúng ta đã quá khe khắt trong góc nhìn thời đại, để rồi phủ định hoàn toàn một thể loại âm nhạc có sức hút mạnh mẽ trong số các loại hình âm nhạc dân tộc cũng như những thân phận đào kép tài năng xuất chúng, những số phận cô đầu mà cuộc đời họ hệt như một khúc ca bi tráng.

3/Tôi tin rằng cuốn sách “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc mến mộ nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung, nhạc ả đào nói riêng. Thông qua đó, hy vọng các đào kép thế hệ mới sẽ nhận diện được khuôn vàng thước ngọc của cha ông, hiệu chỉnh lại lời ca, lá phách, tiếng đàn của mình về với đúng chuẩn mực ả đào cổ điển. Và như thế, di sản vô giá nghìn năm tuổi mới được bảo tồn nguyên vẹn, đúng nghĩa.

Một khảo cứu lịch sử và hệ âm luật ả đào (Kỳ 1)