Từ Hà Nội đến trung tâm thành phố Móng Cái là hơn 320 km đường bộ, sau đó di chuyển thêm khoảng 8 km là đến khu vực tập trung các nhà nghỉ, dịch vụ du lịch bên bờ biển. Du khách đi từ Hải Phòng hoặc Hạ Long (Quảng Ninh) có thêm lựa chọn đi tàu cánh ngầm. Một ngày đầu hè, Trà Cổ chào đón tôi với hàng dương (tên khác là phi lao) rậm rạp xanh mướt chạy dọc bờ cát rộng thênh thang và phẳng lì. Biển Trà Cổ có hình vòng cung thoai thoải mầu nước xanh trong không thua kém biển miền trung. Buổi tối ở Trà Cổ khá vắng vẻ, ít hoạt động, phù hợp với những du khách chỉ có nhu cầu nghỉ dưỡng, thư giãn.
Sáng sớm, dậy đón bình minh Trà Cổ là khoảnh khắc diệu kỳ mà tôi không bao giờ quên, không có thiết bị điện tử nào có thể ghi lại được. Đâu chỉ có hình ảnh và mầu sắc huyền ảo của biển trời bao la, mà cả những âm thanh, mùi hương sống động của ngày mới cũng khiến mọi giác quan con người trở nên rạo rực. Biển Trà Cổ chính là nơi khởi điểm của bờ biển Việt Nam, nơi có cột mốc biên giới biển thiêng liêng. Tôi nhớ đến câu thơ Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước…” và tin rằng, bất cứ ai đứng đây cũng sẽ cảm thấy xúc động khi hình dung dáng hình đất nước thân thương. Tắm biển thỏa thuê, tôi tiếp tục đến thăm mũi Sa Vĩ, điểm đánh dấu cực đông bắc Tổ quốc và ngắm nhìn công trình Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ hoành tráng, đẹp mắt. Rồi ngược về phía nam đến Mũi Ngọc, ghé đình Trà Cổ hơn 500 năm tuổi, qua bãi Đá Đen sóng vỗ rì rào và vài xóm chài bình dị…
Biển Trà Cổ êm đềm và đặc biệt còn rất sạch, nên ngày càng trở thành điểm sáng trong số các bãi biển lý tưởng mùa hè. Tôi vẫn mong có ngày sớm quay trở lại để được dạo biển, tắm biển, thưởng thức hải sản tươi ngon hay chỉ đơn giản là chờ đón những buổi bình minh lãng mạn.