Phát huy lợi thế du lịch Khánh Hòa

|

Khánh Hòa có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch mạnh mẽ với bờ biển dài 385 km và nhiều vịnh đẹp, danh thắng thiên nhiên văn hóa lịch sử; là nơi giao thoa của văn hóa Tây Nguyên và văn hóa biển đảo, văn hóa Chăm… Tuy nhiên, thực tế Khánh Hòa vẫn còn một số danh thắng thiên nhiên, di tích lịch sử chưa khai thác gây lãng phí.

Điểm cực Đông của Việt Nam chưa chính thức đón du khách

Đó chính là mỏm đá có tên Mũi Đôi ở bán đảo Hòn Gốm ở vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Từ khi xác định được điểm Cực Đông đã lâu nhưng Khánh Hòa vẫn chưa khai thác gì, đặc biệt là du lịch. Bởi đường đến Mũi Đôi rất khó khăn, phải đi bộ khoảng 12 km qua nhiều địa hình sa mạc, núi đá, bãi biển. Nên ai đi tới có thể tính đây là hình thức du lịch mạo hiểm! Theo chúng tôi được biết nhiều phượt thủ, du khách trong nước đều tự ý tham gia thám hiểm đến nơi đây với chi phí rất cao cho các đơn vị tổ chức không được cấp phép. Hiện, mỗi ngày rất đông người ra đây. Cũng có người coi đứng ở Mũi Đôi hướng ra Biển Đông giống như Mũi Hảo Vọng của Nam Phi! Nổi tiếng và quý giá thế mà vẫn chưa chính thức đón du khách!

Bỏ hoang danh thắng gắn với nhà bác học A. Yersin

Năm 2003, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư có tính đột phá để phục vụ du lịch: Xây dựng lại tuyến đường từ dưới hồ Suối Dầu lên đỉnh Hòn Bà với độ dài 37 km và phục dựng ngôi nhà làm việc của bác sĩ A. Yersin ngay trên nền nhà cũ. Đồng thời cũng xây dựng cảnh quan, vườn cây thuốc giống như lúc sinh thời của nhà bác học đã ở đây. Vì toàn bộ khu vực này bị bỏ hoang hơn nửa thế kỷ!

Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhớ lại: “Với mục đích xây dựng một tiểu Đà Lạt cho Nha Trang, vì nơi đây có độ cao, khí hậu, cảnh quan giống hệt như Đà Lạt, khoảng cách từ Nha Trang đến Hòn Bà chỉ có 50 km nên tỉnh phải đầu tư để phát triển du lịch”.

Tiếp nối dự án, giai đoạn những năm 2008 tới 2017, một doanh nghiệp du lịch đã đầu tư tại Hòn Bà với các dịch vụ tham quan và nghỉ dưỡng với hệ thống nhà, phòng ốc mang nét thiên nhiên hoang dã nơi đây. Đồng thời Hòn Bà cũng mở cửa cho các du khách và nhân dân lên tham quan, dã ngoại để cảm nhận không gian, khí hậu giống hệt Đà Lạt nên có người ví Hòn Bà là “Tiểu Đà Lạt” của Nha Trang.

Nhưng rất tiếc với nhiều lý do khách quan và chủ quan, tới năm 2017, việc hoạt động du lịch tại đây phải dừng lại. Từ đó đến nay Hòn Bà hầu như đóng cửa với mọi du khách khi trở thành“rừng đặc dụng” hạn chế tất cả với việc đến chơi, tham quan.

Ông Đống Lương Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Sài Gòn-Yasaka, Chủ tịch Hội Ái mộ A. Yersin Nha Trang, người trực tiếp đầu tư du lịch nghỉ dưỡng tại Hòn Bà từ năm 2008 tới 2017 cho rằng:“Hòn Bà ngoài đặc thù quần thể địa lý ôn đới rất tuyệt vời, còn có ý nghĩa văn hóa vô cùng quý giá hiếm có nơi nào có được đó là gắn liền với danh nhân bác sĩ, nhà khoa học A. Yersin, vì thế có rất nhiều người biết, ước ao đến. Nay bỏ hoang như thời gian qua là vô cùng đáng tiếc”.

Lầu Bảo Đại để phí hơn 10 năm

Danh lam thắng cảnh biệt điện Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang), thường gọi lầu Bảo Đại, gồm khuôn viên và 5 biệt thự cổ tọa lạc ở đồi Cảnh Long - vị trí đắc địa nhìn ra vịnh Nha Trang. 5 biệt thự do người Pháp xây dựng cách đây hơn 100 năm. Đáng chú ý có biệt thự Nghinh Phong và Vọng Nguyệt được xây dựng rất đẹp.

Năm 2011, Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) liên kết với Công ty CP Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà thực hiện Dự án khu biệt thự cao cấp Bảo Đại. Năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư được sử dụng trên 8,9 ha đất và 4,7 ha mặt nước ở khu vực đồi Cảnh Long để xây dựng mới 45 biệt thự và khách sạn 5 sao 108 phòng. Đến nay, hơn 10 năm tròn nhưng 5 biệt thự này vẫn trơ trọi nằm quanh khu vực dự án ngổn ngang. UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định thu hồi 5 biệt thự này.

Chỉ điểm qua có 3 điểm danh thắng thiên nhiên và lịch sử văn hóa đã cho thấy, Khánh Hòa đã bỏ lỡ cơ hội làm cho sản phẩm du lịch mình đã giàu, đã đẹp càng thêm phong phú đa dạng hơn. Nói như TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội: “Trong quá trình phát triển sắp tới, Khánh Hòa không đánh đổi văn hóa để phát triển, coi đây là nguyên tắc bắt buộc khi thực hiện các quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội…”.

Tháng 11/2023, nhà đầu tư quyết định trả lại cho tỉnh 5 biệt thự. Tỉnh Khánh Hòa quyết định giao cho Sở Văn hóa, Thể thao Khánh Hòa trùng tu. Nhưng rất tiếc cảnh quan và không gian toàn khu biệt điện đã bị phá hủy hoàn toàn.