Hành trình “đỏ” của vạn bước chân

|

Điện Biên - Mảnh đất cực tây Tổ quốc hôm nay với tiềm năng lịch sử, văn hóa đang là điểm đến của những hành trình tìm hiểu, khám phá và thưởng thức. Hàng triệu bước chân đang tìm về chiến trường xưa Điện Biên Phủ cùng các di tích vang bóng một thời, những danh thắng đang được “đánh thức”.

Trong cái nắng khốc liệt đầu mùa khô, lòng chảo Điện Biên những ngày giữa và cuối tháng 4 vẫn đang là đích cuối hành trình của hàng vạn bước chân những cựu chiến binh từ khắp miền Tổ quốc. Nhiều người liên tưởng lại những cuộc hành quân đến điểm hẹn lịch sử này cách nay tròn 70 năm.

1/Thành phố hoa ban gần ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ mọi thứ đều đang gấp gáp hơn. Tất cả gần như đã sẵn sàng, từ mọi người dân đến du khách đều chung một tinh thần hướng đến ngày trọng đại. Tại các địa chỉ “đỏ” của chiến dịch năm xưa như đồi A1 - C1- D1, các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập, Hầm tướng Đờ-cát, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng…, mỗi ngày có hàng chục đoàn vào thăm viếng, rất nhiều cựu chiến binh, có người còn là chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Bước chân đến mỗi di tích, ký ức hoa lửa dội về. Được dìu trong vòng tay người con trai út, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa Trần Đình Đường (quê Thanh Chương, Nghệ An nay sống tại TP Điện Biên Phủ) rưng rưng ngắm kỹ từng trích đoạn của bức tranh toàn cảnh của chiến dịch trong Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ông như gặp lại những đồng đội thân yêu của mình 70 năm trước. Ở tuổi 93, hầu như không còn nhớ được tên tuổi của những người cùng chiến hào năm xưa, nhưng tình đồng đội là thứ mà ông không bao giờ quên. Trong những khoảng nhớ không liền mạch, ông kể về người đội trưởng luôn tận tình chăm sóc, bảo vệ ông như anh em ruột thịt. Người đã dạy ông cách đi dây thông tin tại trận địa, cách bơi vượt suối như thế nào để không bị nước cuốn đi. Người để dành cho ông nắm cơm còn hôi hổi nóng…

2/Còn trên đồi A1, nơi còn nguyên những chứng tích như các đường giao thông hào, hầm ngầm, xe tăng địch, hố bộc phá… giữa nắng gắt pha với gió Lào khô nóng vẫn có hàng trăm cựu chiến binh đang chăm chú nghe hướng dẫn viên Ngô Thị Lai nghẹn ngào kể câu chuyện cảm động. Trận tiến công đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch. Rất nhiều chiến sĩ ngã xuống để có được giờ phút chiến thắng.

Đứng dưới gốc phượng cạnh hố bộc phá sâu hoắm tạo thành từ 960 kg thuốc nổ, các cựu chiến binh xúc động nghe chị Lai đọc từng lời thơ cuồn cuộn âm hưởng hùng tráng: “Những đồng chí thân chôn làm giá súng/Đầu bịt lỗ châu mai/Băng mình qua núi thép gai/Ào ào vũ bão,/Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.../Những bàn tay xẻ núi lăn bom/Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tố Hữu). Bước chân những người lính già như nhẹ lướt để không làm khuấy động anh linh của bao anh hùng, liệt sĩ.

Khi ánh chiều hắt lên, tượng đài Chiến thắng Điện Biên trên đồi D1 thêm rực rỡ. Từng đoàn cựu chiến binh cùng nhau ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong nắng vàng mật quyện mùi lúa trổ đòng ngậy thơm theo gió từ cánh đồng Mường Thanh thổi đến. Tuổi đã gần 80, nhưng cựu chiến binh Trần Văn Thanh (Hà Nội) vẫn quyết tâm ngồi ô-tô hàng trăm cây số để lên thăm mảnh đất anh hùng vào dịp này. Rưng rưng xúc động bên tượng đài chiến thắng, người cựu binh già ngực lấp lánh huy chương chia sẻ, hồi đánh Điện Biên Phủ tôi mới có mười mấy tuổi, nhưng tinh thần cao lắm, chỉ tiếc lúc đó chưa đủ tuổi để được cùng cha anh tham gia chiến dịch. Đến kháng chiến chống Mỹ tôi đã xung phong ra trận, tham gia nhiều trận đánh cho đến ngày giải phóng.

3/Đoàn chiến sĩ miền nam, rồi đến đoàn Nghệ An, Hà Nam, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Tĩnh… được xem hàng nghìn hiện vật trong bảo tàng, bước qua cầu Mường Thanh lịch sử đến trung tâm chỉ huy tập đoàn cứ điểm - Hầm tướng Đờ-cát mà chứng kiến từng boong ke kiên cố tưởng như không thể công phá. Càng cảm phục công ơn to lớn của các cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trở về nơi nghỉ, nhiều cựu binh vẫn lẩm nhẩm cùng nhắc nhau từng câu thơ như đã in tâm trí: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt/Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!”…