Nhà khảo cứu Hà Nội xưa Việt Cường Sarraut chia sẻ: “Phố “Hàng” là niềm tự hào của người Hà Nội, mỗi cái tên đại diện cho một mặt hàng chủ yếu được trao đổi trong hoạt động buôn bán tại đây”. Thí dụ như phố Hàng Buồm vốn nằm nơi cửa sông Tô Lịch đổ vào sông Hồng, chuyên bán các loại buồm. Cánh buồm được may bằng vải hay đan bằng cói dùng cho thuyền bè. Sản phẩm của phố là các loại bị, túi, vỉ buồm, chiếu buồm… đan bằng mây, cói. Hay về những biển tên phố “Hàng”. Ban đầu những chiếc biển tên chỉ mang mục đích treo giới thiệu sản phẩm. Trải qua nhiều giai đoạn, những chiếc biển tên dần mất đi, thay vào đó người ta sử dụng khuôn kim loại in chữ rõ ràng, chuẩn chỉnh.
Hà Nội ngày nay ngày càng phát triển và giàu đẹp, sự thịnh vượng khiến cho nhiều người từ tứ xứ đổ về Hà Nội để mưu sinh lập nghiệp. Nhưng đôi khi, người ta dễ quên đi cái gốc gác của Hà Nội. Thế hệ trẻ của Hà Nội hiện tại, nhiều người chỉ biết phố “Hàng” là những con đường, những ngõ nhỏ vòng vèo trong phố cổ. Thế nhưng đâu đó vẫn có những bạn trẻ say mê tìm hiểu về Hà Nội. Anh Lê Dũng, một người con gốc Hà thành, cùng với niềm đam mê về những thứ “gốc” Hà Nội, anh đã kể lại những câu chuyện từ thời ông bà, cô chú, thông qua những bức ảnh được sưu tầm theo năm tháng. Niềm say mê còn được anh chia sẻ qua nhóm (group) Ảnh Hà Nội Xưa - một group đã trở nên quen thuộc trong cộng đồng người yêu Hà Nội.
Là một người con trong gia đình có truyền thống làm nghề thuốc Nam, chị Nguyễn Hiền Anh, sinh năm 1999, hiện đang học văn bằng 2 tại Học viện Y học cổ truyền. Chị chia sẻ: “Mình đã tốt nghiệp luật kinh tế, nhưng sau đó lại chọn học thêm văn bằng 2 tại Học viện Y học cổ truyền vì mình thật sự yêu cái nghề mà bao đời nay ông bà, bố mẹ mình vẫn đang làm, yêu cái nghề bốc thuốc chữa bệnh truyền thống của con phố Phúc Kiến. Mình mong muốn sau này sẽ được tiếp nối sự nghiệp gia truyền này để thế hệ sau này sẽ biết đời cụ, đời ông đã sinh sống bằng nghề gì, đó cũng là điều mình cảm thấy hạnh phúc nhất”.
Cũng với một tình yêu đong đầy về Hà Nội, anh Đỗ Anh Đức, người có tuổi thơ gắn liền với phố cổ Hà Nội, bằng những kiến thức tích lũy sau nhiều năm, anh mở quán cà-phê “Phố Hàng” với phong cách đậm phố cổ Hà Nội. Chính anh là người mở ra các buổi offline để trao đổi, bàn luận những kiến thức về giá trị văn hóa, nghệ thuật Hà Nội xưa. “Đến nay, nhiều nét đẹp phố “Hàng” đã bị phai nhạt. Tuy nhiên, nét đẹp lịch sử luôn là vĩnh cửu. Bởi vậy, bản thân tôi muốn làm hay, làm hấp dẫn hơn để thế hệ trẻ có thể nhận ra điều đó và tiếp tục gìn giữ nét văn hóa đặc biệt này”, anh Đức chia sẻ.