Tôn trọng cộng đồng để phát huy giá trị di sản

|

Nguyên tắc đầu tiên khi khuyến khích bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại là: Tôn trọng quyết định của cộng đồng chủ nhân di sản. Cộng đồng sẽ quyết định những gì cần được bảo vệ và phát huy trong di sản của mình.

Di sản là “tài sản”

“Thực hành di sản” là hoạt động quan trọng nhất đối với di sản văn hóa phi vật thể và được thực hiện bởi cộng đồng sở hữu di sản đó. Chỉ qua “thực hành”, di sản mới (tự) chứng minh được sức sống, mới được trao truyền và biến đổi, phát triển, từ đó mới có thể được ghi danh. Qua “thực hành di sản”, cộng đồng chủ thể duy trì tính liên tục của di sản văn hóa phi vật thể theo đúng bản chất và chức năng cần có của di sản. Di sản văn hóa phi vật thể hoàn toàn thuộc về các cộng đồng, đó là “tài sản” của các cộng đồng.

Việc quyết định những đường nét của di sản được thực hành như thế nào cũng thuộc về cộng đồng. Và cũng cần khẳng định lại tinh thần của Công ước 2003 UNESCO: “Cộng đồng quyết định những thực hành văn hóa của họ và quyền đó cần được tôn trọng”. Tất cả những hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể đều cần dựa trên những nguyên tắc này. Theo TS Frank Proschan, nguyên thành viên của Ban Thư ký Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể: “Việc công nhận một điều gì đó là di sản văn hóa phi vật thể không phải là công việc của các chuyên gia, cán bộ quản lý, cũng không phải là việc của UNESCO hay cộng đồng quốc tế. Đúng hơn, đây là trách nhiệm của các cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân liên quan tới biểu đạt hoặc tập quán đó”. Cộng đồng cần được tham gia đến mức tối đa trong các hoạt động bảo vệ di sản cũng như trong công tác quản lý theo Điều 15 của Công ước 2003.

Những điều dễ gặp trong thực tế

Sau khi di sản, lễ hội được “công nhận” và “nâng cấp” dễ thấy các hoạt động không phải từ/của cộng đồng đã “chen chân” vào bên cạnh lễ thức cổ truyền. Các nghi lễ ở các lễ hội trước đây do người dân sở tại tổ chức theo phong tục đã trở thành nền nếp mà chẳng cần phải có “đạo diễn”, sau khi được “công nhận” và “nâng cấp” đã trở thành “lễ trình diễn”. Đã có nhiều trường hợp, văn hóa bị tách ra khỏi cộng đồng và “được” quyết định những hình thức thực hành bởi các tổ chức, đoàn thể, trong khi những giá trị làm nên “hồn cốt” của di tích, di sản bị xem nhẹ, thậm chí bị bỏ qua. Điều này làm thay đổi bản chất của hành vi văn hóa - từ nội dung, ý nghĩa đến phương thức tiến hành và có thể làm cộng đồng chủ nhân xa dần văn hóa của chính họ.

Bản sắc văn hóa nhạt nhòa và mất dần cũng có nguyên do từ đó. Nhạt dần bản sắc cũng đồng nghĩa với việc văn hóa, phong tục bản địa mất đi sức hấp dẫn với các cộng đồng khác. Tất cả những điều đó đã đi ngược lại với tinh thần Công ước 2003: “Các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp, các cá nhân phải đóng vai trò chủ chốt trong việc quyết định những gì là các nguy cơ đối với di sản văn hóa phi vật thể của họ bao gồm việc thay đổi bối cảnh di sản, biến di sản thành hàng hóa, trình bày sai lệch và trong việc quyết định làm thế nào để ngăn ngừa và giảm thiểu những nguy cơ đó”. (Nguyên tắc 10, Đạo đức dành cho bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO).

Nguyên tắc “vàng” của di sản văn hóa phi vật thể

Cần trở lại nguyên tắc “vàng” với di sản văn hóa phi vật thể: Chỉ bản thân cộng đồng sở hữu di sản mới có thể quyết định cái gì là (hoặc không là) một phần trong di sản của họ. Điều này cũng đồng thời tuân thủ những khuyến cáo của UNESCO trong lĩnh vực này, theo đó: Không (được/nên) can thiệp làm thay đổi, làm sai lệch tập quán, tín ngưỡng, tính thiêng, những điều kiêng kỵ, bí quyết trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

Trong trường hợp muốn thay đổi điều/chi tiết nào đó trong quá trình di sản biến đổi và phát triển, cách đúng đắn được UNESCO khuyến cáo là nâng cao nhận thức từ cộng đồng và thông qua việc vận động, trao đổi với những người đang thực hành di sản. Những thay đổi sẽ được chính các chủ nhân sở hữu di sản quyết định. Nhưng trước hết cần nâng cao nhận thức của các cán bộ quản lý văn hóa và những thành viên cộng đồng đối với “tài sản” của chính họ.

Trong tương lai gần, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ban hành Nghị định “Quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể (Cục Di sản văn hóa): Nghị định này sẽ quy định rõ những biện pháp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam theo quy định của Luật Di sản văn hóa trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể. Trong Nghị định này sẽ có nhiều điều khoản cụ thể để thể chế hóa nguyên tắc tôn trọng cộng đồng khi chúng ta khuyến khích bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống hôm nay.