Đà bán của khối ngoại

|

Nâng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức, thu hút vốn nước ngoài là những mục tiêu được đặt ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Tuy nhiên, từ tháng 3/2023 đến nay, đà bán từ khối ngoại liên tục kéo dài với tổng vốn rút ròng khoảng 1,5 tỷ USD.

Đà bán ròng từ khối ngoại được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài do tỷ giá không tích cực trong quý I và diễn biến khả quan của các thị trường chứng khoán khác trên thế giới khiến cho các quỹ ETF Việt Nam giảm sức hấp dẫn.

Các quỹ đồng loạt bán ròng

Theo Báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu của SSI Research (Công ty CP Chứng khoán SSI), trong tháng 3/2024, các quỹ ETF tiếp tục rút ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị kỷ lục là 4,81 nghìn tỷ đồng, tương đương với gần 5,9% tổng quy mô tài sản. Tính từ đầu năm 2024, giá trị rút ròng ghi nhận 7,76 nghìn tỷ đồng. Tổng quy mô tài sản các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam giảm về 76,8 nghìn tỷ đồng, so với mức đỉnh hồi tháng 8/2023 là 89 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các quỹ đều ở trạng thái bán ròng trong tháng 3. Theo đó, quỹ DCVFM VNDiamond chịu áp lực bán kỷ lục là -2,8 nghìn tỷ đồng; quỹ Fubon -970 tỷ đồng, DCVFM VN30 -435 tỷ đồng, Xtrackers FTSE Vietnam -389 tỷ đồng, SSIAM VNFIN Lead -218 tỷ đồng...

Nhận định đây là đợt cơ cấu của các dòng vốn quỹ chủ động toàn cầu, ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FIDT cho rằng: Động cơ bán ròng có thể đến từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công nhận tính chính danh của ETF Bitcoin nên các quỹ ngoại cơ cấu để phân bổ tỷ trọng vào đây. Ngoài ra, trong bối cảnh biến động địa chính trị thế giới, ngân hàng T.Ư Trung Quốc đẩy mạnh mua vàng cũng là một trong những nguyên nhân để các quỹ hạ tỷ trọng cổ phiếu chuyển sang đây.

Từ tháng 3/2023 đến nay, khối ngoại đã bán hơn 1,5 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, sức hấp dẫn của thị trường cổ phiếu Việt Nam khó đem lại sự bứt phá, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đang gặp nhiều áp lực, trừ trường hợp các giải pháp giúp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam được thực hiện quyết liệt hơn nữa. Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích cổ phiếu - Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu Tư - Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết thêm: Dòng tiền tiềm năng đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn, nhưng có hạn chế do không có hàng hóa mới, quy định sở hữu nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu nâng room. Gần đây nhất có những kỳ vọng về nâng hạng. Đây là điều gần nhất chúng tôi có thể nhìn thấy và kỳ vọng sẽ hấp dẫn thêm nhà đầu tư nước ngoài.

Nâng cao chất lượng hàng hóa

Cách đây nhiều năm, Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) đã mạnh dạn loại bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện để mở giới hạn về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Động thái này đã mở rộng đường cho nhà đầu tư quốc tế rót vốn vào Vinamilk, giúp doanh nghiệp gia tăng sức mạnh tài chính để phát triển. Đáng tiếc sau Vinamilk, chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp chủ động làm gọn ngành nghề kinh doanh, nới room lên 100%, tạo cơ hội cho vốn nước ngoài gia tăng đầu tư vào doanh nghiệp trong nước. Ngân hàng Thế giới (WB) đã từng cảnh báo sự hạn chế về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khiến thị trường Việt Nam có thể sẽ chỉ nhận được dòng vốn ròng tối đa 5 tỷ USD bởi tới thời điểm đó, thị trường chỉ chiếm chưa đến 1% chỉ số thị trường mới nổi (EM) toàn cầu.

Nâng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức, thu hút vốn nước ngoài là những mục tiêu được đặt ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Tuy nhiên, nếu coi các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán là “hàng hóa” thì nâng cao chất lượng hàng hóa là yếu tố cốt lõi để thu hút được dòng tiền thông minh. Từ góc nhìn của đơn vị quản lý quỹ, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ Dragon Capital phân tích: Cơ cấu thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự mất cân đối giữa các nhóm ngành. Nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, công ty tài chính và bảo hiểm) chiếm đến gần 50% tổng giá trị vốn hóa. Nếu tính cả bất động sản, con số này có thể lên đến gần 70%.

Trong khi đó, các lĩnh vực thu hút sự chú ý của khối ngoại như công nghệ, y tế, bán lẻ, năng lượng,… lại chiếm tỷ trọng nhỏ, số lượng cổ phiếu không nhiều. Đặc biệt khẩu vị ưa thích nhất của khối ngoại là đầu tư vào những công nghệ mới thì Việt Nam gần như không có. Điều này khiến cho nhà đầu tư nước ngoài thiếu lựa chọn chất lượng để rót vốn dài hạn.

Mặc dù vậy, chuyên gia Dragon Capital cho rằng, Việt Nam hiện vẫn nằm trong những nước nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Nếu chính thức được MSCI nâng hạng, khả năng cao dòng vốn ngoại sẽ quay lại mạnh mẽ. Lạc quan vào triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư AFC Vietnam Fund cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng rất mạnh mẽ trong 10 - 20 năm tiếp theo bất chấp các yếu tố ảnh hưởng từ bên trong lẫn bên ngoài. Đây là nền tảng để hút dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp cởi bỏ nút thắt yêu cầu ký quỹ, “room” khối ngoại, chuyển đổi ngoại tệ... Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp niêm yết cũng cần phải tự nâng lên để đáp ứng tiêu chuẩn kế toán tài chính quốc tế. Doanh nghiệp lợi nhuận tốt, công khai và minh bạch thông tin là yếu tố quan trọng để hút vốn ngoại. Đó là những yếu tố cốt lõi nhất.

Tính tới cuối tháng 2/2024, vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam đã đạt gần 270 tỷ USD, tương đương 63% GDP năm 2023, với hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch. Số lượng nhà đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ với 7,4 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 7,2% dân số. Đến cuối tháng 2/2023, nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài là 16.434 và 4.546 tài khoản, tăng lần lượt là 7.059 và 1.200 tài khoản so với đầu năm 2019. Tuy nhiên, trong tháng 2/2024, lượng tài khoản tổ chức nước ngoài giảm 11 tài khoản so với cuối tháng 1 liền trước.