Những lớp học thiếu điện ở Nigeria

|

Nhiều trường học, thậm chí cả những cộng đồng cư dân trong các khu vực nông thôn ở Nigeria đang đối mặt tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Dù vậy, chính phủ nước này vẫn chưa tìm ra phương án tích cực để giải quyết.

Trong buổi sáng cuối tháng 5/2024, học sinh một ngôi trường ở Olodo Okin, Ibadan (Nigeria) đang cố gắng trả lời một câu hỏi Toán học trên bảng. Không khí diễn ra sôi nổi khiến mọi người quên rằng những tia nắng chiếu qua cửa sổ gỗ là nguồn ánh sáng duy nhất tại lớp học này. Học sinh nheo mắt nhìn lên những trang sách và lên bảng mỗi khi giáo viên kêu gọi sự chú ý. Đó là một thực tế đối với nhiều học sinh trên khắp Nigeria, nơi nhiều khu vực không tiếp cận mạng lưới điện quốc gia. Tại Ibadan, không chỉ các trường học mà toàn bộ cộng đồng cư dân không được kết nối với nguồn điện, ông Muyideen Raji, Hiệu trưởng ngôi trường nói trên cho biết. Việc không có điện ảnh hưởng sâu sắc đến học sinh, khi chúng không thể học cách sử dụng máy tính hoặc internet và không thể học vào buổi tối.

Theo AFP, khoảng một nửa trong số hơn 200 triệu người dân Nigeria được tiếp cận mạng lưới điện quốc gia, song nguồn điện không đủ khả năng cung cấp hằng ngày cho hầu hết gia đình. Nhiều cộng đồng nông thôn nghèo như Olodo Okin hoàn toàn không có điện sử dụng. Là quốc gia có ánh nắng mặt trời dồi dào, nhiều người Nigeria đang mong muốn có thể dùng năng lượng mặt trời để bù đắp sự thiếu hụt điện, nhưng hầu hết các nhà đầu tư không ưu tiên tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời lớn, bởi đây là hướng đầu tư nhiều rủi ro.

Các nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã chỉ ra rằng, Nigeria có thể tạo ra nhiều điện hơn mức cần thiết từ năng lượng mặt trời. Nhưng 14 dự án năng lượng mặt trời quy mô, ước tính có thể tạo ra 1.125 megawatt điện cho quốc gia này đã bị đình trệ kể từ khi hợp đồng được ký kết vào năm 2016. Những người cố gắng phát triển các dự án năng lượng mặt trời trong nước đổ lỗi cho lãi suất vay lên tới 15%, cao gấp hai đến ba lần so các nền kinh tế tiên tiến, khiến các công ty trong lĩnh vực này tốn kém hơn khi làm việc ở Nigeria so các nước phát triển khác.

"Một dự án có cùng quy mô ở Nigeria và Đan Mạch, dự án của Đan Mạch sẽ được vay vốn với lãi suất chỉ 2 đến 3%, trong khi đó tại Nigeria, chúng tôi phải vật lộn để có được các khoản vay với lãi suất 10%, thậm chí cao hơn”, ông Najim Animashaun, Giám đốc Nova Power - một trong những dự án năng lượng mặt trời bị đình trệ, cho biết.

Theo AFP, với công suất dưới 8.000 megawatt và nguồn cung trung bình dưới 4.000 megawatt, ít hơn một nửa so nguồn điện mà Singapore cung cấp cho chỉ 5,6 triệu người, mất điện là chuyện xảy ra hằng ngày ở Nigeria. Hầu hết gia đình đều phải sử dụng máy phát điện tư nhân chạy bằng xăng và diesel. Với các khoản trợ cấp xăng dầu kéo dài hiện đã gỡ bỏ, nhiều hộ gia đình, trường học, bệnh viện và doanh nghiệp phải vật lộn với chi phí nhiên liệu cho máy phát điện dự phòng. "Chúng tôi đã ngừng sử dụng máy phát điện diesel như một giải pháp thay thế do chi phí quá cao", ông Abdulhakeem Adedoja, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo và tiểu học Lorat ở Ibadan cho biết. Ông Adedoja chia sẻ, dù trường Lorat nằm trong khu vực Ibadan được kết nối với lưới điện, song việc mất điện ở đây có thể kéo dài đến hai tuần.

Trước cuộc khủng hoảng thiếu điện, tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng Nigeria Adebayo Adelabu thừa nhận, chính phủ không đủ khả năng trả 3.000 tỷ naira (2,4 tỷ USD) trợ cấp điện. Chính phủ cũng nhấn mạnh, nếu người dân Nigeria trả tiền đầy đủ cho lượng điện họ tiêu thụ, chính phủ sẽ khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với mức lương tối thiểu khoảng 30.000 naira (khoảng 20 USD/tháng), người tiêu dùng ở Nigeria khó có thể chi trả tiền cho năng lượng tiêu thụ mà không cần trợ cấp.

Do đó, người dân Nigeria hy vọng nếu tài chính cho các dự án năng lượng mặt trời quy mô không tăng lên, chính phủ nên đưa ra các ưu đãi như giảm thuế, lãi suất để khuyến khích đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực nói trên.