Ngại sửa nên từ chối
Khảo sát vài điểm sửa chữa xe trên đường Trương Công Giai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho thấy, các nơi này nhận sửa một số lỗi liên quan đến phần cứng của xe như thân vỏ, lốp, la-zăng, gương, kính… và từ chối sửa chữa các lỗi liên quan đến pin hay phần mềm.
Một chủ cửa hàng cho biết, dù hệ thống truyền động của xe điện đơn giản hơn so xe chạy xăng, nhưng kèm theo mỗi hệ thống truyền động là hệ thống điện tử kiểm soát phức tạp nên cần các công cụ chuyên dùng để sửa chữa. Bên cạnh đó, điều này cũng yêu cầu các kỹ thuật viên, thợ sửa xe phải nắm được công nghệ và hệ thống. Đặc biệt đối với công nghệ pin cho xe điện cũng yêu cầu gara phải trang bị nhiều trang thiết bị khác nhau.
Nói thêm, người này cho biết, nhiều ô-tô hiện đại sở hữu hệ thống pin 400 và 800 volt có thể gây chết người khi kỹ thuật viên xử lý không đúng cách, bởi vậy các loại trang thiết bị phục vụ sửa chữa xe điện cũng cần yêu cầu khác so xe xăng truyền thống.
Trong khi đó, hãng xe điện, như VinFast quản lý rất chặt các loại phụ tùng, linh kiện lớn, phải là chủ xe và mua đúng phiên bản của xe đang sở hữu mới được. Vì vậy rất khó tìm nguồn cung ngoài chính hãng. Ngoài ra, muốn nhận sửa chữa xe điện cũng cần trang bị thêm các bộ công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc dập tắt ngọn lửa trong trường hợp nổ do pin lithium.
Do đó, hiện nay, muốn sửa chữa xe điện, các chủ xe chỉ có phương án đưa đến các cửa hàng ủy quyền của hãng hoặc đưa trực tiếp đến hãng. Trong xu thế lượng xe điện tăng nhanh như hiện nay, điều này sẽ dẫn đến quan ngại về các cửa hàng nhượng quyền/hãng khi gặp khó khăn sẽ đẩy chi phí sửa chữa và thời gian chờ đợi tăng cao.
Lo lắng bài toán nhân sự
Trong tương lai, độ phổ cập của xe ô-tô điện cũng tương đương với xe sử dụng xăng hiện nay, do đó sẽ cần số lượng các gara độc lập sẵn sàng sửa chữa xe chạy điện, bởi so sánh với hãng, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa của các gara độc lập này thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, thiếu hụt nghiêm trọng các thợ có kỹ năng, am hiểu và có kinh nghiệm trong lĩnh vực ô-tô điện cũng khiến các gara tư nhân do dự.
PGS, TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô-tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Để sửa chữa xe điện, thợ kỹ thuật cần được đào tạo chuyên sâu các kiến thức cơ bản và cốt lõi của ô-tô, thay vì chỉ học những kỹ năng sửa từng bộ phận theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Chỉ khi nắm rõ bản chất vấn đề và có tư duy logic tổng thể, mới có thể bảo dưỡng, sửa chữa hay xử lý được các phần mềm, công nghệ mới vốn liên tục được cập nhật, nâng cấp trên xe điện”.
Trong khi đó, hiện nay gần như các trường đào tạo đều chưa có chương trình giảng dạy về xe điện. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội có hai chương trình đào tạo tiêu chuẩn là Công nghệ ô-tô và Kỹ thuật ô-tô. Tại Trường đại học Giao thông vận tải Hà Nội cũng chỉ mới có khoa Kỹ thuật ô-tô. Những khóa học về ô-tô điện mới chỉ ở mức thí điểm. Tùy từng trường sẽ có cách cho sinh viên tiếp cận ô-tô điện khác nhau như tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dự án nghiên cứu về loại xe này để sinh viên tham gia.
PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Ô-tô - Máy động lực Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trước sự phát triển nhanh chóng của xe điện thì việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp ô-tô của Việt Nam cần phải đổi mới để “bắt kịp” những xu hướng, đòi hỏi mới của người tiêu dùng. Theo ông Dũng, các trường cần phải nhanh chóng cải cách và cải tiến mô hình đào tạo hiện tại, bởi các nhà sản xuất đã có những yêu cầu mới về khả năng và chất lượng đào tạo sinh viên ngành ô-tô.
Thực tế hiện nay, các gara ô-tô tư nhân tuyển nhân viên chỉ yêu cầu hết trung học, trong quá trình làm việc sẽ được đào tạo về các lỗi của xe và cách khắc phục. Hiểu cách khác là không cần nhân viên có tay nghề cao. Trong khi đó, như đã nói ở trên, xe điện yêu cầu hàng loạt tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn khác nhau, đòi hỏi các kỹ thuật viên/thợ sửa xe phải được đào tạo bài bản và nắm rõ các kiến thức cơ - điện khác nhau.