Cậu bé Mouhamed Sall bước lên bảng và đặt câu hỏi nhanh bằng ngôn ngữ ký hiệu cho trợ giảng. Sau đó, dưới những cái vẫy tay thể hiện sự cổ vũ, em đã giải bài tập trước sự chứng kiến của các bạn cùng lớp. Sall và ba học sinh khác là một phần trong chương trình phương pháp tiếp cận giáo dục mới tại số ít trường học ở Senegal, cho phép học sinh khiếm thính học tập chung với các học sinh còn lại trong lớp. Kể từ khi Sall gia nhập lớp, một số bạn cùng lớp tại Trường Apix Guinaw Rails Sud nằm ở ngoại ô Thủ đô Dakar, đã nắm bắt cơ hội để học ngôn ngữ ký hiệu.
ABC News dẫn các số liệu từ LHQ cho hay, có khoảng 60% trẻ em khuyết tật ở Senegal không được đến trường. Tuy nhiên, chính phủ lại thiếu dữ liệu toàn diện về vấn đề này và chỉ tính đến trẻ em chính thức được xác nhận là khuyết tật. Bà Sara Poehlman thuộc Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Senegal, cho biết: “Chúng tôi đang mong đợi những tiến bộ từ phía chính phủ để bảo đảm mọi trẻ em, bất kể năng lực, đều có cơ hội học tập”.
Những thách thức ngày càng gia tăng do không ít người ở Senegal vẫn còn quan điểm kỳ thị người khuyết tật. Một số bậc phụ huynh che đậy khiếm khuyết của con và ngăn cản chúng hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, quan điểm này đang dần thay đổi. Vào năm 2021, đội tuyển bóng đá bao gồm các cầu thủ khiếm thính của Senegal đã giành chức vô địch bóng đá châu Phi đầu tiên dành cho nhóm đối tượng này.
Năm ngoái, Bộ Giáo dục Senegal đã tổ chức các lớp học hỗn hợp tại bốn trường trung học công lập và áp dụng các phương pháp giáo dục hòa nhập. Trường Apix là một trong số đó. Sall được hưởng nền giáo dục miễn phí, được xem là một lợi thế lớn tại Senegal, khi học phí là vấn đề gây “căng thẳng” cho các bậc phụ huynh. Đến nay, khắp Senegal hầu như đều có trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, nhưng các trường này thường là các trường tư thục và có học phí đắt đỏ. Mẹ của Sall, bà Khadija Koundio, ban đầu phải trả khoảng 17 USD mỗi tháng để con trai bà tham gia một trung tâm dành cho trẻ em gặp khó khăn trong học tập ở khu vực lân cận. Sau đó, cậu bé Sall được vào học tiểu học với sự hỗ trợ của một chương trình nhân văn và hòa nhập.
Ông Omar Diop, giám thị tại trường Apix, bày tỏ ủng hộ chương trình giáo dục mới cho học sinh khiếm thính, song ông cho biết, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức bởi trình độ ngôn ngữ ký hiệu của các em học sinh còn chưa quen thuộc với các giáo viên. Bên cạnh đó, nhiều học sinh khiếm thính sống ở xa cơ sở giáo dục và gặp khó khăn với chi phí di chuyển giữa nhà và trường học.
Bà Sara Poehlman cùng UNICEF đã nêu bật các sáng kiến của chính phủ như cung cấp hỗ trợ tài chính cho các gia đình để trẻ em có thể tiếp cận những trường chuyên biệt. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình giáo dục hòa nhập được triển khai tại các trường công lập.
Sall chia sẻ rằng, em cảm thấy được các bạn cùng lớp chấp nhận. Các giáo viên ở Apix cũng dành sự khen ngợi trí thông minh và năng khiếu nghệ thuật của em trong việc tạo ra các mô hình ngôi nhà và những chiếc thuyền truyền thống đầy mầu sắc. Trong khi đó, mẹ của Sall mong muốn em theo đuổi đam mê của mình, bao gồm cả nghệ thuật. Bà cho biết: “Tôi hy vọng con trai mình và những đứa trẻ cùng cảnh ngộ sẽ có đủ khả năng để tự nuôi sống bản thân sau khi tham gia những mô hình giáo dục hòa nhập đang được triển khai hiện nay”.