Cuộc hành hương Hajj

|

Hơn 1.300 người được ghi nhận tử vong trong thời gian tham gia cuộc hành hương Hajj năm nay tới Thánh địa Mecca (Saudi Arabia). Dù chính quyền Riyadh đã đề ra nhiều chính sách trước đó nhằm bảo đảm an toàn cho các tín đồ Hồi giáo, song việc hàng trăm nghìn tín đồ hành hương trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt khiến một số hậu quả không mong muốn vẫn xảy ra. Nhiều công ty du lịch liên quan việc sắp xếp bất hợp pháp các cuộc hành hương Hajj hiện bị điều tra.

Ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu

Hajj là một trong năm trụ cột của đạo Hồi và tất cả người Hồi giáo đều phải hoàn thành lễ hành hương này ít nhất một lần trong đời, tùy vào điều kiện kinh tế và sức khỏe. Khi tham gia lễ Hajj ở Thánh địa Mecca, những tín đồ Hồi giáo phải thực hiện hàng loạt nghi thức như đi bộ ngược chiều kim đồng hồ 7 lần chung quanh ngôi đền hình khối chữ nhật nổi tiếng Kaaba ở trung tâm sân nhà thờ Hồi giáo Masjid al-Haram, chạy qua lại giữa các ngọn đồi Al-Safa và Al-Marwah, uống nước từ giếng Zamzam, đi tới vùng đồng bằng sát núi Arafat để thức thâu đêm và tham gia “ném đá quỷ dữ” trừ tà.

Năm nay, ước tính khoảng 2 triệu người Hồi giáo, trong đó khoảng 1,6 triệu người đến từ nước ngoài, đã đổ về Thánh địa Mecca để thực hiện các nghi thức linh thiêng. Lễ hành hương Hajj kéo dài nhiều ngày, với các hoạt động chủ yếu tổ chức ngoài trời, trong khi nhiều người hành hương đã cao tuổi và ốm yếu. Những năm gần đây, cuộc hành hương lớn nhất thế giới ngày càng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu do Saudi Arabia công bố vào tháng trước cho thấy nhiệt độ ở khu vực thực hiện các nghi lễ đang tăng 0,4oC mỗi thập kỷ. Trung tâm khí tượng quốc gia nước này cũng cho biết, nhiệt độ lên tới 51,8oC tại Grand Mosque (Đền thờ Lớn) ở Mecca hôm 17/6 vừa qua.

Trước mức nhiệt tăng cao kỷ lục, cuộc hành hương Hajj tới Thánh địa Mecca năm nay đã trở thành một thảm kịch. Theo số liệu do AFP tổng hợp, hiện số nạn nhân tử vong vì nắng nóng đã lên tới hơn 1.300 người đến từ khoảng 10 quốc gia. Dù vậy, con số có thể còn cao hơn bởi các nước có công dân tham gia sự kiện tôn giáo này chưa đưa ra thông tin đầy đủ. Một quan chức cấp cao Saudi Arabia xác nhận, trong hai ngày cao điểm của lễ Hajj là 15 và 16/6, số người chết lên tới 577, khi người hành hương tập trung hàng giờ để cầu nguyện dưới cái nắng thiêu đốt ở núi Arafat và tham gia lễ ném đá quỷ dữ ở Mina.

Những tín đồ tham dự lễ Hajj cho biết, đã gặp những cảnh tượng khủng khiếp dọc theo tuyến đường hành hương khi nhiệt độ tăng cao. “Có rất nhiều thi thể trên mặt đất ở Arafat, Mina và trên đường tới Mecca. Tôi nhìn thấy mọi người đột nhiên ngã nhào xuống và chết vì kiệt sức”, Mohammed, 31 tuổi, người Ai Cập chia sẻ. Mohammed tham gia lễ Hajj năm nay cùng người mẹ 56 tuổi. Trong khi đó, theo một phụ nữ Ai Cập sống ở Thủ đô Riyadh (Saudi Arabia), mẹ cô cũng kiệt sức trên đường hành hương dưới cái nắng thiêu đốt. Cô đã không thể gọi xe cứu thương cho mẹ mình và xe cấp cứu chỉ đến sau khi mẹ cô qua đời.

Zirrar Ali, 40 tuổi, vừa trở về Anh sau chuyến hành hương cùng người cha 70 tuổi cho hay thường xuyên có người bất tỉnh trong quá trình hành hương. Một nhân chứng khác là Ahmad, người Indonesia, vẫn chưa hết bàng hoàng: “Trên đường về, tôi thấy nhiều người hành hương thiệt mạng. Hầu như cứ cách vài trăm mét lại có một thi thể nằm và được phủ một tấm vải ihrom (vải trắng)”.

Một người bị sốc nhiệt trong quá trình hành hương.Ảnh: AFP

Điều tra các công ty du lịch

Theo CNN, đối với những người theo đạo Hồi, lễ hành hương là đỉnh cao tinh thần trong cuộc sống. Lễ Hajj là minh chứng cho sự đoàn kết của người Hồi giáo cũng như lòng quy phục của họ trước thánh Allah. Một số người coi lễ Hajj là bổn phận tôn giáo cần phải hoàn thành. Vì thế, họ bất chấp nguy hiểm để thực hiện nghi lễ này, khi không đăng ký qua các kênh chính thức.

Giới chức Saudi Arabia cho biết, trong số hơn 1.000 người tử vong, một nửa là tín đồ không có giấy đăng ký hành hương. Ai Cập là quốc gia có số người tử vong nhiều nhất tính tới ngày 23/6, với 658 người trong đó 630 người đi theo các kênh bất hợp pháp. Đây được cho là nhóm người dễ bị tổn thương trong thời tiết nắng nóng bởi không có giấy phép, họ không thể đi vào khu vực có điều hòa nhiệt độ do chính quyền Saudi Arabia cung cấp phục vụ người có giấy phép.

Trước đó, theo quy định của Riyadh, những người muốn tham gia lễ hành hương Hajj phải xin thị thực Hajj đặc biệt với chi phí khá cao. Bù lại, họ sẽ được xe bus du lịch đưa đón, trên xe có máy lạnh và nước uống, thực phẩm. Họ cũng dễ dàng tiếp cận các chăm sóc y tế. Dù vậy, từ năm 2019, khi Saudi Arabia cấp thị thực du lịch mới giúp việc nhập cảnh vào nước này dễ dàng hơn, nhiều tín đồ đã thông qua kênh của các công ty du lịch xin thị thực thăm thân cá nhân để hành hương bất hợp pháp. Tuyến đường phi chính thức tới Mecca giúp họ tiết kiệm vài nghìn USD, song đối mặt nguy cơ bị bắt và trục xuất. Trước tình hình đó, nhiều người lựa chọn việc đi bộ băng qua sa mạc trong nắng nóng nhằm giảm thiểu rủi ro.

Sau thảm kịch trên, Ai Cập - quốc gia ghi nhận nhiều người tử vong nhất trong cuộc hành hương năm nay đã thành lập một nhóm đặc trách do Thủ tướng Mostafa Madbouly đứng đầu để “theo dõi và quản lý tình hình liên quan người hành hương Ai Cập tử vong trong mùa lễ hành hương Hajj”. Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly ngày 22/6 đã ra lệnh thu hồi giấy phép của 16 công ty du lịch liên quan việc sắp xếp bất hợp pháp các cuộc hành hương Hajj. Theo một tuyên bố của Chính phủ Ai Cập, quản lý của các công ty du lịch này cũng sẽ bị truy tố công khai về tội gian lận. Chính quyền Ai Cập cũng cho rằng, các công ty du lịch này đã không cung cấp “chỗ ở thích hợp” cho người hành hương, khiến họ “kiệt sức vì nhiệt độ cao”.

Về phía nước chủ nhà, Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia Fahd Al-Jalajel cho biết, công tác quản lý lễ hành hương Hajj năm nay của nước này được coi là thành công. Hệ thống y tế của Saudi Arabia đã cung cấp hơn 465.000 dịch vụ điều trị chuyên biệt, bao gồm 141.000 dịch vụ cho những người không có giấy phép chính thức tham gia lễ hành hương Hajj. Một số biện pháp nhằm giảm rủi ro như tăng cường các khu vực có bóng râm, điểm cấp nước cũng như nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cũng đã được thiết lập…

Lập tức, tuyên bố của ông Al-Jalajed đã vấp phải sự chỉ trích của các quốc gia có tín đồ tham dự lễ hành hương. Giới chức các nước này cho rằng, dù có nguồn thu lớn từ các nghi lễ Hồi giáo, ước tính đem lại 12 tỷ USD mỗi năm cho Saudi Arabia, song chính quyền nước này trong nhiều năm qua đã không có những biện pháp thích hợp nhằm bảo đảm an ninh và an toàn cho tín đồ tham gia các nghi lễ tại đây. Ngay biện pháp phun nước vào đám đông để làm mát cũng vấp phải tranh cãi khi các chuyên gia y tế cho rằng, nếu nhiệt độ quá cao, phun nước không giúp làm mát người, thậm chí có thể gây thêm rủi ro khi cơ thể người cố gắng tỏa nhiệt qua mồ hôi trong điều kiện ẩm ướt.

Các nhà chức trách thế giới đề nghị Riyadh cần có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý các cuộc hành hương cũng như nghi lễ tiến hành tại nước này nhằm bảo đảm an toàn cho các tín đồ sau nhiều thảm kịch không mong muốn xảy ra những năm qua.