Thoát nghèo nhờ làm du lịch
Men theo đường vòng hồ Ba Bể, du khách ngỡ ngàng chứng kiến từ trên cao bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, Bắc Cạn, hơn 90 căn nhà sàn, tựa lưng vào vách núi đá sừng sững, đẹp như tranh vẽ. Con đường nhỏ vào bản, đi trên cây cầu sắt bắc qua sông Lèng. Pác Ngòi theo tiếng dân tộc Tày nghĩa là trăm ngòi nước. Theo các bậc cao niên trong bản, con sông Lèng bắt nguồn từ dãy núi ở xã Bằng Phúc, Chợ Đồn, cần mẫn chảy, đưa nước vào hồ Ba Bể. Cư dân trong bản trước đây sống trên núi cao, sông Lèng bồi đắp phù sa, tạo nên bãi bồi bằng phẳng, dân chuyển xuống sinh sống, lập nên bản Pác Ngòi như bây giờ.
Hơn chục năm trước, ông Ngôn Khánh Toàn, tiên phong sửa nhà làm dịch vụ homestay, khách đến đông, làm ăn phát đạt, người trong bản học theo, đến nay, đã có 29 hộ làm mô hình du lịch này. Nhà nghỉ đều là nhà sàn gỗ, được nâng cấp, lắp đặt thêm nhiều thiết bị hiện đại. Các hộ còn đầu tư các dịch vụ ăn uống, cho thuê xe đạp, xe máy, đưa khách du lịch tới các điểm tham quan, phục vụ những tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống.
Ông Đồng Văn Út trước đây làm nông nghiệp, rất vất vả, nhưng chỉ đủ ăn. Năm 2015, ông vay vốn đầu tư mở rộng, nâng cấp căn nhà sàn của mình để làm du lịch homestay. Người trong nhà, ngày đi làm nông nghiệp, tối về bắt tay nấu nướng những món ăn dân tộc như cá nướng, măng luộc, thịt lợn đen nướng… phục vụ khách du lịch. Với chín phòng nghỉ, khách chủ yếu là người nước ngoài, mỗi năm, gia đình ông có thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Ông Út phấn khởi cho biết, việc đánh cá trên hồ trước chỉ phục vụ gia đình thì nay chuyển sang nấu nướng cho du khách, khách quốc tế đặc biệt thích những món truyền thống như cá chua, tép chua…
Ở Pác Ngòi, nhà nghỉ Thế Sang của chị Đàm Thị Miên là điểm đến của nhiều du khách quốc tế. Căn nhà sàn nằm sát bên sông Lèng. Nghỉ ở đây, ngày có thể thấy những đứa trẻ trâu vui tắm sông, khói lam chiều của người làm đồng, thật yên bình. Đều đặn từ 2009 đến nay, mỗi năm, có từ 500-600 khách quốc tế đến nghỉ tại nhà chị Miên, giúp chị có thu nhập sau trừ chi phí hơn 100 triệu đồng. Chị khoe, nhờ khách quốc tế mà giờ chị cũng có thể phát âm, trao đổi nhiều bằng tiếng nước ngoài.
Đêm xuống, sương lạnh len lỏi khắp bản. Đội văn nghệ của bản lại xúng xính trong trang phục dân tộc, chỉnh lại dây đàn Tính chuẩn bị biểu diễn. Ở Pác Ngòi hiện duy trì bốn đội văn nghệ, thành phần chủ yếu là chị em phụ nữ, ngày đi làm nông nghiệp, tối về biểu diễn hát Then. Lời Then mộc mạc, chân chất, dân dã như bản chất người Tày nơi đây đủ khiến khách đường xa lưu luyến.
Trưởng bản Hoàng Văn Chuyền cho biết, mỗi nhà sàn homestay ở đây có từ 10-20 phòng, đều làm theo nguyên mẫu nhà sàn cổ, diện tích khoảng 200 m². Ở bản không có chuyện cạnh tranh về giá cả, ai làm đều thống nhất chỉ thu 70.000 đồng/khách/đêm, trung bình mỗi hộ thu khoảng 100 triệu đồng/năm thì mỗi năm, bản thu về ngót nghét ba tỷ đồng. Vài năm gần đây, bà con tham gia nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ nên nhận thức về cách làm du lịch đã được cải thiện rất nhiều. Để bảo đảm phát triển bền vững, vào dịp cuối mỗi năm, các hộ tham gia làm dịch vụ du lịch tại Pác Ngòi họp lại để trao đổi, rút kinh nghiệm nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ khách du lịch ngày một tốt hơn.
Du khách quốc tế chèo thuyền Kayak trên hồ Ba Bể.
Kết nối quốc tế
Trưởng bản Hoàng Văn Chuyền bộc bạch, khi phát triển mô hình này, dân trong bản nghĩ, có khách trong nước đến là tốt lắm rồi. Ấy vậy mà, khách quốc tế từ châu Âu, châu Mỹ… có cả. Có người đến rồi, năm sau vẫn quay lại, rủ thêm cả bạn bè cùng đi. Có người đến nhiều, thậm chí còn nói được tiếng Việt, thêm cả vài câu tiếng Tày.
Theo nhiều công ty lữ hành du lịch, chính vẻ đẹp tự nhiên, chất dân dã, hồn nhiên ở Pác Ngòi đã níu chân lữ khách quốc tế, chiếm phần lớn lượng khách đến đây hằng năm. Đặc biệt, nhiều hộ làm homestay đã có tên quảng bá du lịch ở trong nước và quốc tế, là điểm đến hấp dẫn. Tiếp xúc với nhiều khách quốc tế, nhiều hãng lữ hành tên tuổi, dân trong bản bắt đầu thực hiện việc quảng bá du lịch rộng rãi.
Ông Đồng Văn Út vừa đầu tư gần sáu triệu đồng, thuê một đơn vị xây dựng hình ảnh, dữ liệu về nhà nghỉ của mình để đưa lên mạng internet. Ông khoe, tên nhà nghỉ của ông đã có trên trang www.booking.com, lên cả facebook, sau khi đưa lên mạng, lượng khách đến tăng lên hẳn. Đứa con trai được học hành, hiểu biết về internet được bố giao nhiệm vụ theo dõi, đáp ứng thông tin khách đặt phòng qua mạng.
Đến nay, đã có khoảng bảy hộ ở Pác Ngòi giới thiệu, quảng bá về homestay của mình trên internet. Những hộ khác cũng đang rục rịch tìm thuê đơn vị thực hiện. Anh Đổng Văn Hoán đang hoàn thiện căn nhà homestay của mình với tổng vốn đầu tư gần một tỷ đồng. Anh cho biết, bên cạnh làm homestay, anh còn đầu tư một xuồng máy chở khách, bốn chiếc thuyền kayak, sắp tới sẽ quảng bá trên internet để khách quốc tế đến với gia đình.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Cạn, homestay của người Tày ở vùng hồ Ba Bể đang trở thành “điểm nhấn” trong du lịch sinh thái của tỉnh. Sản phẩm chính là tham quan rừng nguyên sinh, hồ Ba Bể, thác nước, hang động, kết hợp với lễ hội truyền thống, ẩm thực địa phương. Không chỉ riêng Pác Ngòi, mô hình homestay đã mở rộng sang cả các thôn lân cận như Bó Lù, Cốc Tộc. Thời gian khách lưu trú trung bình 1,5 ngày/người, lượng khách quốc tế tăng hằng năm, riêng năm 2017 đã thu hút được gần 200.000 lượt, chiếm gần một nửa tổng lượng khách du lịch đến với Bắc Cạn.
Để phát triển bền vững du lịch nơi đây, tỉnh Bắc Cạn đã đề ra giải pháp cải tạo đường giao thông quanh hồ Ba Bể, đề xuất xây dựng đường từ Phủ Thông - Ba Bể để rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội lên Ba Bể chỉ còn hơn ba giờ đồng hồ. Tỉnh mời tư vấn xây dựng quy hoạch homestay tại các bản Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám… theo hướng giữ nguyên hiện trạng, sửa chữa đường trong bản, nhà sinh hoạt chung, chợ ẩm thực… Đồng thời, đề xuất phát triển du lịch mạo hiểm khám phá hang Thẳm Khít, Thẳm Phầy…, trồng hoa, cây dược liệu…
Rời Pác Ngòi khi chiều buông, du khách không khỏi lưu luyến hình ảnh bóng người đánh cá trên hồ, tiếng trẻ vui đùa trên sông Lèng, hương cá nướng phảng phất đâu đây… Người Tày ven hồ đang giàu lên nhờ du lịch homestay. Tất nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn khi nhiều nhà sàn đang bị phá cách, mất đi ít nhiều nét truyền thống, nhiều hộ không nắm rõ quy định nên làm nhà lên cả đất rừng đặc dụng… Thế nhưng, với quy hoạch bài bản thì tương lai không xa, những bản người Tày nơi đây có thể là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế.
Người dân tộc nơi đây còn sáng tạo, trồng hoa cải đôi bờ sông Năng. Vào mùa hoa nở, vườn bán vé vào thăm 10.000 đồng/lượt, 100 nghìn đồng/cặp chụp ảnh cưới, ngày cao điểm thu hơn hai triệu đồng. Mùa hè năm 2018, bản Bó Lù thực hiện trồng cánh đồng hoa hướng dương. Cánh đồng rực sắc hoa vàng không chỉ hút khách quốc tế mà còn thu hút một lượng lớn du khách trong nước tới thăm, chụp ảnh. Những cánh đồng trước chỉ làm một vụ, giờ trở thành điểm đến du lịch, mang lợi nhuận cho đồng bào dân tộc.