Kỳ 1: Mưu sinh trong nắng, bụi bao trùm
Bụi mù như màn sương dày đặc bao trùm khắp các con phố, len lỏi vào từng góc ngách thành phố. Giống như một “kẻ thù vô hình”, bụi mịn bám vào quần áo, đồ vật, xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Bầu không khí oi nồng, ngột ngạt như muốn bóp nghẹt lồng ngực.
Nhọc nhằn trong khói bụi
Hàng tháng qua, Hà Nội xảy ra nhiều đợt nắng nóng, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, với nhệt độ cao phổ biến trên dưới 40 độ C. Mùi khói xe cộ, mùi rác thải và mùi bụi hòa quyện tạo nên một thứ mùi khó chịu khiến nhiều người cảm thấy khó thở, ngứa rát mắt và da dẻ. Hầu hết người dân phải đeo khẩu trang kín mít khi ra đường. Ở nhiều khu vực, ngay cả trong nhà cũng phải đóng cửa sổ để tránh bụi bẩn.
Hệ quả của tình trạng thiếu hụt cây xanh và ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Các em nhỏ bị hạn chế trong việc vui chơi ngoài trời, thiếu đi không khí trong lành và ánh nắng mặt trời, dẫn đến những nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất và tinh thần. Sự ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân khiến họ cảm thấy ngột ngạt, khó chịu và bất an. Nhiều người bày tỏ mong muốn được sống trong môi trường trong lành, an toàn, nơi họ có thể hít thở bầu không khí trong lành và tận hưởng thiên nhiên. Anh Lê Anh Ba đến từ Gia Lai, làm nghề chạy xe công nghệ, luôn phải đối mặt tình trạng khói bụi dày đặc. Sinh sống và làm việc 11 năm tại Hà Nội, anh cho biết, chạy xe từ sáng đến tối, tầm 18 giờ thì về nghỉ ngơi. Biết là thời tiết nắng nóng, anh vẫn chạy buổi trưa để thêm thu nhập, vì lái xe ở thời điểm trưa rất ít, nên cố thêm vài cuốc xe kể cả khoảng cách ngắn hay dài. Trung bình một ngày tầm 20 cuốc xe.
“Mình đang còn trẻ cũng không ngại khổ, còn sức còn làm. Nhiều khi chạy xe giữa trời nắng nóng đôi lúc mình cũng bị choáng, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng và ô nhiễm môi trường như hiện nay. Bụi bẩn và khói xe dày đặc khiến mình phải hít thở bầu không khí ô nhiễm mỗi ngày. Nhiều lúc, mình cảm thấy rát cổ, cay mắt và khó thở”, anh Ba tâm sự.
Còn bạn Lương Vi Dũng, sinh viên năm thứ ba Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì chia sẻ: “Môi trường sống hiện nay thật sự là một thách thức lớn đối với mình. Bụi bặm tràn lan khắp nơi, đặc biệt là vào mùa khô, khiến mình khó thở và dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Nắng nóng gay gắt cũng khiến mình cảm thấy mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng đến sức học tập và sinh hoạt của bản thân”.
Mỗi ngày, Dũng đến trường bằng xe máy trong bụi bặm và khói bụi từ xe cộ. Vào những ngày nắng nóng, Dũng cũng phải thường xuyên sử dụng kem chống nắng, mũ, áo khoác và uống nhiều nước để bảo vệ sức khỏe. “Mình cũng phải dần thích nghi và tìm ra những cách để giải tỏa nhiệt như tắm nước mát, sử dụng quạt điều hòa…”, Dũng kể.
Mật độ xây dựng dày đặc càng hạn chế việc phát triển các không gian xanh và không khí thêm ngột ngạt. |
Thêm vất vả vì thiếu cây xanh
Cùng với thời tiết cực đoan, tình trạng thiếu mầu cây xanh trên nhiều địa bàn như một “vết đen” tô đậm thêm tình trạng ô nhiễm của môi trường thành phố. Nhiều con đường nóng bức, oi ả, chìm trong cái nắng chói chang gay gắt. Nhiều đoạn đường nhựa, đường bê-tông dài, bóng râm che chắn gần như không còn, khiến người dân sống gần đó cảm thấy ngột ngạt, khó chịu giữa những tòa nhà cao tầng san sát nhau mọc lên như nấm. Khung cảnh thiên nhiên tươi mát, trong lành dần bị lấn át bởi bê-tông cốt thép. Thiếu vắng cây xanh càng khiến cho công việc của nhiều người lao động thêm phần vất vả, khắc nghiệt. Không khó để bắt gặp những người làm việc giữa trời nắng nóng. Ông Toản đã gắn bó với nghề giữ xe ở Bệnh viện Phổi suốt 7 năm. Mỗi ngày, ông làm việc 12 tiếng, dưới cái nắng chang chang hay những cơn mưa bất chợt. Thu nhập một tháng của ông khoảng 6-7 triệu đồng. Vất vả nhưng vì mưu sinh nên ông vẫn chịu khó, bất chấp nắng mưa thất thường.
Anh Hưng, chủ một quầy bán xiên nướng khu vực Trường đại học Luật Hà Nội, chia sẻ về những khó khăn trong công việc của mình. Gia đình anh có 3 người con, anh chủ yếu làm nội trợ, phụ vợ bán hàng để kiếm sống. “Trời mát thì còn có khách, chứ nắng nóng như thế này thì ai cũng ngại ra đường”, anh Hưng than thở: “Nhiều hôm mệt quá, muốn về sớm cũng không dám, phải cố gắng bán hết hàng mới về”. Vợ chồng anh bán hàng từ 2 giờ chiều đến 2 giờ sáng hôm sau. Thời gian làm việc dài, cộng thêm thời tiết Hà Nội gần đây rất thất thường, nắng nóng xen kẽ mưa cục bộ, khiến công việc của anh càng trở nên vất vả. “Bán hàng vỉa hè, nắng nóng đổ mồ hôi như nước, không có chỗ che chắn, nhiều lúc chỉ muốn bỏ cuộc,” anh nói: “Lại thêm thiếu cây xanh, bụi bẩn nhiều, khách hàng cũng ngại mua, ảnh hưởng đến thu nhập”.
Nhiều tuyến phố Hà Nội đang trong tình trạng thiếu vắng cây xanh. Trên nhiều tuyến phố tập trung nhiều tòa nhà cao tầng, dễ dàng thấy thiếu cây xanh như Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển… Trên nhiều tuyến đường khác còn tồn tại những khu vực thưa thớt cây xanh, đặc biệt là địa bàn các quận Thanh Trì, Hoàng Mai và Long Biên. Dọc theo đường vành đai 3, những cây xanh chủ yếu là những cây nhỏ, mới được trồng, chưa đủ tán để che bóng mát. Khu vực Trần Duy Hưng nối đường Đại lộ Thăng Long cũng không tránh khỏi tình trạng nắng nóng oi ả khi vắng bóng cây che mát, nhất là các trạm dừng đèn đỏ.
Nỗi vất vả của anh Hưng cũng như bạn Dũng, ông Toản, anh Ba… là vài thí dụ cho sự mưu sinh của nhiều người lao động bán hàng rong tại Hà Nội. Đó là làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, môi trường ô nhiễm. Nhiều người mong có sự quan tâm và hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương để những người lao động nói chung có môi trường làm việc an toàn hơn, bảo đảm sức khỏe, tinh thần. Chất lượng môi trường và không khí tại các đô thị lớn vẫn luôn ở mức báo động gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người. Trong khi đó, những địa điểm có không khí trong lành, thoáng đãng lại rất hiếm hoi. Để cải thiện tình trạng này, rất cần có thêm nhiều hành động của cá nhân, tập thể để cùng xây dựng không gian xanh tạo nên những thay đổi tích cực cho môi trường chung quanh.
(Còn nữa)