Tỏa hương chè Xuân Lương

|

Xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang chủ yếu là nơi đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống. Nơi đây giáp ranh với huyện Đồng Hỷ và huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên - vựa chè của miền bắc. Xuân Lương cũng trồng chè lâu đời song chỉ khoảng 5 năm nay vùng đất chè này mới thật sự khởi sắc.

Đánh thức vùng chè quý

Trên đường đưa chúng tôi đến thăm các đồi chè ở bản Ven, Chủ tịch UBND xã Thân Nhân Khuyến vui miệng nói: “Tiền đâu phải là lá nhưng với người Cao Lan ở Xuân Lương nay lá lại là tiền, lá chè tươi già giờ vẫn có thể bán được 30 nghìn đồng/kg, trong khi búp chè tươi có lúc lên đến 60 nghìn đồng mỗi kg. Có trong tay cái thứ lá chỉ việc hái để lấy tiền mà để dân còn nghèo là lỗi của chính chúng ta”.

Nói về chè, Chủ tịch xã có lẽ “chém gió” cả ngày không biết chán và mỗi khi nhắc đến cây chè, tôi nhận thấy ông luôn hào hứng và trong đôi mắt ánh lên đầy hy vọng. Anh cho biết, khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp đã cho cây chè Xuân Lương có những hương vị đặc biệt. Chè ở đây khi hãm, nước có mầu xanh vàng như mầu mật ong, vị đậm, thoảng hương cốm nhẹ. Trước đây mỗi gia đình trong xã chỉ trồng chè trên diện tích vài thửa đất, cây chè cằn cỗi già nua, từ chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ đều theo tập tục cũ nên chất lượng sản phẩm, giá thành rất thấp. Thông thường bà con trồng chè để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến chè ở tỉnh Thái Nguyên.

“Sao dân Cao Lan mình trồng được chè ngon mà ít người biết đến, thậm chí lại phải mang danh chè Thái Nguyên. Phải làm một thương hiệu gì đó cho riêng mình chứ?”. Câu hỏi đó của anh Thân Nhân Khuyến khi còn là cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Yên Thế (năm 2011) trong một chuyến công tác lên Xuân Lương khiến ông Ninh Quản Nghiệp (dân tộc Cao Lan), Chủ tịch xã Xuân Lương lúc ấy, nay là Bí thư Đảng ủy xã hết sức trăn trở. Ông Nghiệp trả lời: “Đồng bào chúng tôi có đất, có nhân lực, kinh nghiệm làm chè nhưng ngặt một nỗi chưa có công nghệ chế biến, bảo quản và chưa xây dựng được thương hiệu, thị trường”. Sau cuộc trò chuyện ấy, hai người đã “tâm đầu ý hợp” cùng chí hướng và bắt tay hợp tác vận động bà con nông dân chuyên canh làm chè.

Như một cơ duyên, không bao lâu sau một người trẻ, năng động như anh Khuyến được luân chuyển lên làm Chủ tịch UBND ở xã vùng cao này. Sau khi cân nhắc, bàn bạc rất kỹ với nhân dân, anh Khuyến đã đóng vai trò chính trong việc vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) Thân Trường mà chính anh là người góp đầu tư vốn, tìm hiểu khoa học, kỹ thuật, đầu tư công sức tạo dựng thương hiệu chè bản Ven và kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kể từ đó, tiềm năng cây chè của Xuân Lương dần được đánh thức.

Thoát nghèo ở vùng đất khó

Việc sản xuất chè thành vùng hàng hóa tập trung với quy mô lớn theo đề xuất của anh Khuyến đã nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của người dân cũng như chính quyền các cấp. Được sự vận động của chính quyền, nhân dân đã phá bỏ các loài cây tạp để chuyên canh cây chè. HTX Thân Trường trở thành nơi trung gian chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm chè, liên kết với các doanh nghiệp, nhà khoa học. Tuy nhiên, phải từ năm 2015, sau khi áp dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất mới và cách làm chuyên nghiệp sản lượng, chất lượng chè Xuân Lương mới thật sự được nâng lên và thương hiệu chè bản Ven của HTX Thân Trường là sản phẩm đại diện cho sự thành công đó. Từ vài chục ha (năm 2012) đến nay diện tích chè trong xã đã phát triển tới gần 300 ha, năng suất có thời điểm cáo nhất đạt tới 15 tấn/ha (cao hơn nhiều lần so bình quân chung toàn huyện Yên Thế).

Tuy là người dân tộc Kinh nhưng anh Khuyến khá am hiểu văn hóa, phong tục tập quán và truyền thống của người Cao Lan. Anh chia sẻ: Xuân Lương có 9/14 bản thuộc Chương trình 135 (bản đặc biệt khó khăn), trong đó đa phần là dân tộc Cao Lan. Đặc biệt đồng bào Cao Lan vốn sống khép kín và những kinh nghiệm làm chè ít khi được truyền ra ngoài. Đồng bào vẫn quan niệm “Chè Xuân Lương đựng ống bương, treo gác bếp để giữ hương”, ý cũng là để nói đến sự khép kín, không muốn để lộ bí quyết làm chè ra ngoài. Xưa kia khoảng tháng 11 các cụ đi chọn cây mai, chặt phơi khô rồi cắt thành từng ống bỏ chè vào đó. Nhờ ống dầy, nút kín treo gác bếp nên chè luôn khô và giữ lâu được 80 đến 90% hương.

Thế nhưng bí quyết riêng ấy chỉ là một phần để tạo nên thương hiệu, ngày nay chè Xuân Lương được trồng theo quy trình VietGAP, kết hợp với những công nghệ, kỹ thuật mới. Nông dân trong xã đã được Hợp tác xã Thân Trường tập huấn ứng dụng những công nghệ, phương pháp hái, sao, bảo quản chè mới, giữ cho hương vị chè được đậm đà lâu hơn.

Lan man câu chuyện về chè, anh Khuyến kể: Xưa bà con sao chè bằng tay, trong khi chè muốn ngon thì thời điểm hái chỉ rơi vào khoảng năm ngày chính vụ (một năm có khoảng tám vụ). Nếu cứ theo lối cũ sẽ không thu hoạch kịp nên chất lượng chè rất thấp. Bên cạnh đó, ban ngày đồng bào hái chè đã mệt mỏi, tối về lại phải tiếp tục công đoạn sao chè nên sẽ rất mệt mỏi, có khi ngủ gật, dẫn đến chè không đều mà còn có thể bị cháy. Yếu điểm này đã được anh Khuyến chỉ ra và đã tìm được lời giải. Nay bà con đã chuyên nghiệp hơn, họ thuê nhân công hái chè hoặc đổi công nên chè được hái đúng vụ, cộng thêm đầu tư máy sao, được đến đâu sao đến đấy nên chè không bị ôi. Người dân cũng đã chuyển từ giống chè hạt sang chè cành, sản lượng và chất lượng đều tăng. Cộng thêm việc chăm sóc đúng quy trình nên đã tạo được uy tín, đa phần các hộ đã sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu sinh học, đầu tư máy làm cỏ thay cho việc dùng thuốc trừ cỏ như trước.

Muốn có chè ngon, nguyên liệu phải được hái đúng tiêu chuẩn một tôm hai lá non, không bị dập nát sau đó làm héo sơ bộ bằng cách rải lên nong để ở nơi thoáng mát khoảng bốn giờ. Để búp chè mềm mại, xoăn chặt, chín đều không bị gãy, HTX Thân Trường sau khi thu mua chè tươi của người dân sẽ sử dụng máy sao liên tục với công suất 40 kg chè nguyên liệu/giờ. Sau đó cho vào máy vò khoảng 10 - 15 phút để cánh chè cứng chắc, cho vào máy sao thêm chừng 20 - 25 phút, sàng qua để loại bỏ chè vụn rồi sao 25 - 30 phút cho khô hẳn.

Bản Ven, nơi có diện tích chè lớn nhất xã (hơn 23 ha). Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Ven - ông Trần Văn Kính khoe: Nếu hai năm trước bản có hơn 60 hộ nghèo nay giảm xuống còn 35 hộ. Bản có sự bứt phá mạnh mẽ nhờ mạnh dạn đầu tư theo hướng thâm canh cây chè đã cho thu nhập 150 đến 200 triệu đồng/ha sau khi đã trừ chi phí. Nhờ đó đa số đều thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, xây nhà cao cửa rộng, nhẩm tính của ông Kính, bản Ven có tới năm hộ có xe hơi nhờ nguồn thu nhập chính từ trồng chè. Thương hiệu đã tạo nên giá trị của chè Xuân Lương - một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương. Từ khi chưa có thương hiệu, giá chè tươi 12 nghìn đồng mỗi kg, sau khi xây dựng thương hiệu (2015) giá tăng lên 60 nghìn đồng và đến nay chè bản Ven ổn định cả về chất lượng, sản lượng và giá thành.

Tuy vậy theo ông Khuyến, địa phương vẫn chưa hài lòng với những gì đã có bởi giá chè cao nhất ở Xuân Lương mới đạt 40 USD/kg trong khi ở nhiều quốc gia khác họ đã bán vài trăm đến vài nghìn USD. Điều này là mơ ước của bao người dân Xuân Lương và biết đâu sẽ thành hiện thực.