“Cởi trói” năng suất lao động (kỳ 1)

|

Mọi chỉ số về năng suất lao động của Việt Nam trong những năm vừa qua đều cho thấy mức tăng đang chậm lại, chưa đạt những mục tiêu đề ra và không theo kịp với đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định: Chỉ số về năng suất lao động của Việt Nam đang giảm dần, thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Tốc độ tăng năng suất lao động của nền kinh tế đang chậm lại, nhưng qua thực tế khảo sát khu vực doanh nghiệp và người lao động, chúng tôi nhận thấy “năng suất của người lao động” Việt Nam là khá cao. Dường như đây là một nghịch lý. Lao động Việt Nam được nhìn nhận chăm chỉ, sáng tạo, trình độ đang ngày một cao hơn nhưng mức thu nhập hiện nay tỏ ra chưa tương xứng. Phải chăng đây là một yếu tố đang kìm hãm bức tranh chung - mức tăng năng suất lao động của nền kinh tế chững lại (?!).

Kỳ 1: Mục tiêu bị thử thách

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra mục tiêu: “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Với đà tăng năng suất lao động (NSLĐ) đang chậm lại, chúng ta sẽ rất khó đạt được mục tiêu đề ra.

Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ của toàn nền kinh tế tính theo giá năm 2023 ước chừng 199,3 triệu đồng/lao động. Con số này tương đương 8.380 USD/lao động và đã tăng 274 USD so với năm 2022.

Thực tế nếu tính từ năm 2010 trở lại đây, duy nhất có giai đoạn 2016 và 2020 đạt mục tiêu đề ra. Giai đoạn này tốc độ tăng NSLĐ khoảng 6,05%. Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng NSLĐ chỉ tăng 4,5%.

Giai đoạn từ năm 2020 cho đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tăng NSLĐ đang chậm lại đáng kể so với mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng NSLĐ trung bình giai đoạn này khoảng 4,6%. Mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đặt ra là tốc độ tăng NSLĐ bình quân mỗi năm hơn 6,5%. Với đà tăng hiện tại, mục tiêu tăng NSLĐ giai đoạn 2021 - 2025 chắc chắn không hoàn thành. Mục tiêu dài hạn giai đoạn tiếp theo, 2026 - 2030, càng trở nên mong manh.

Bức tranh mờ ảo

Trên nhiều báo cáo, những chỉ số thể hiện NSLĐ của Việt Nam quá thấp và đang thua kém nhiều nước trong khu vực. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), NSLĐ của Việt Nam đã tăng 64% trong giai đoạn 2010 - 2020. Còn theo Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam đạt 6,4 USD. Như vậy chưa bằng 1/2 Thailand (14,8 USD) và 1/10 Singapore (68,5 USD).

Giữa một ma trận số liệu, có vẻ như NSLĐ Việt Nam rất thấp. Tuy nhiên, tính riêng năm 2020 đã có độ vênh nhất định. Theo số liệu của APO, NSLĐ mỗi giờ bằng 1/10 Singapore. Như vậy có thể hiểu là NSLĐ Việt Nam chỉ bằng 1/10 Singapore. Sang đến cách tính theo PPP 2017, thì trong năm 2020 NSLĐ Singapore gấp 8,8 lần Việt Nam.

10 lần và 8,8 lần rõ ràng rất khác biệt, nhất là khi chúng ta cần căn cứ để xác định mục tiêu dài hạn. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Cũng theo một báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2020, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc theo giá hiện hành đạt 67.600 đồng. Số liệu này chỉ bằng 1/2 so với số liệu của APO và cả 2 cơ quan đều khẳng định, NSLĐ Việt Nam bằng 1/2 Thailand...!

Năm 2021 và 2022 chứng kiến tốc độ tăng NSLĐ chậm. Năm 2021, tốc độ tăng NSLĐ chỉ đạt 4,6% so với năm 2020. Mặc dù năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao 8,02% nhưng NSLĐ của nền kinh tế cũng chỉ tăng 4,7% so với năm trước. Trong những năm này, cách tính của Tổng cục Thống kê đã thay đổi. 4,4 triệu lao động tự sản xuất ra sản phẩm cho tiêu dùng của chính họ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bị loại ra. Trong khi đó, giá trị của các sản phẩm do hoạt động tự sản xuất cho tiêu dùng được tính và đưa vào quy mô GDP để tính NSLĐ của nền kinh tế. Số lao động tự sản, tự tiêu hiện nay chiếm khoảng 8,2% tổng số lao động đang làm việc của nền kinh tế.

Năm 2021, NSLĐ thực chất chỉ tăng 2,9% nếu tính cả lao động làm các công việc tự sản, tự tiêu. Đến bây giờ nhiều người vẫn chưa hiểu tại sao lại nên loại bỏ lao động làm công việc tự sản, tự tiêu ra khỏi công thức tính NSLĐ. Tốc độ tăng NSLĐ vốn dĩ đã thấp nhưng nếu chỉ cần thay đổi vài thông số, tốc độ tăng đáng kể. Như vậy, có thể NSLĐ thấp hay cao đôi khi chỉ là do cách tính? Hay đơn thuần chuyện cao hay thấp đơn giản chỉ là do góc nhìn?

Giá trị thực

Có rất nhiều định nghĩa hoặc cách hiểu về NSLĐ. Theo quan điểm kinh tế chính trị của K.Marx, NSLĐ được định nghĩa là số lượng sản phẩm mà người lao động sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hay số thời gian hao phí để sản xuất ra một sản phẩm. Theo một cách hiểu khác, như của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), NSLĐ dựa trên giá trị gia tăng, là thông số phổ biến nhất để tính toán NSLĐ. Cụ thể hơn, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tính NSLĐ bằng cách lấy GDP theo sức mua tương đương (PPP) chia cho tổng số việc làm. Riêng Việt Nam, Tổng cục Thống kê tính NSLĐ bằng công thức GDP/tổng số người làm việc bình quân.

Hầu hết chúng ta có chung góc nhìn với kinh tế chính trị K.Marx. NSLĐ thấp làm mọi người nghĩ ngay rằng, lao động Việt lười hoặc không đủ trình độ. Anh Phan Thanh Hiền (sinh năm 1994, quê Phong Điền, Thừa Thiên Huế) hiện đang làm lái xe cho một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, điển hình cho một lao động Việt Nam, trước đây đi lao động xuất khẩu Đài Loan (Trung Quốc) 3 năm. Doanh nghiệp của anh chuyên sản xuất cờ-lê. Theo quy trình bình thường, mỗi khuôn làm cờ-lê sẽ hao mòn, trục trặc sau khi làm được 50 chiếc cờ-lê. Những người đứng máy trước đây đến từ Indonesia hay Ấn Độ sẽ gọi cho quản lý và yêu cầu kỹ thuật viên lên sửa chữa hoặc thay thế. Tuy nhiên, người Việt có cách làm khác. Anh tự mày mò và sửa khuôn cho đỡ mất thời gian gọi cho quản lý, đồng thời sản lượng được cải thiện rõ rệt. Hiệu quả là sau đó, chủ doanh nghiệp chuyển hẳn sang thuê 100% lao động Việt Nam.

Ở Công ty Daikin Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên), Giám đốc công ty, ông Katahashi Kentaro nhận xét, lao động Việt Nam hết sức chăm chỉ và dồi dào năng lượng. Chỉ tính riêng lao động nữ, nữ lao động Việt Nam có thời gian nghỉ đẻ thấp hơn 50% nhưng vẫn có thể đảm nhận những công việc thậm chí cao hơn lao động nữ Nhật Bản.

Trên thực tế, người lao động Việt Nam được thừa nhận từ nhiều bạn bè quốc tế, không chỉ riêng Đài Loan hay Nhật Bản. Họ có tính sáng tạo cao đi cùng với khả năng làm việc bền bỉ. Trong một số công việc cụ thể người lao động Việt còn hết sức khéo léo. Không phải tự nhiên mà Việt Nam trở thành điểm đến của rất nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới. Xét cho cùng, nếu chỉ tính về số lượng lao động, chúng ta không hề có ưu thế so với các nước khác trong khu vực như Bangladesh hay Ấn Độ…

Chưa dừng lại ở đó, trong hành trình đi tìm bản chất vấn đề, chúng tôi còn bắt gặp thêm những tình huống khó hiểu. Một công nhân dệt may nếu làm ở Việt Nam thì thu nhập một tháng từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng khi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc hoặc Đài Loan, thu nhập của họ tăng vọt lên 30 - 40 triệu đồng/tháng. Vẫn làm trên cùng một dây chuyền đó, số lượng sản phẩm làm ra trong một đơn vị thời gian không đổi.

Tình huống trên phổ biến trong những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Còn đối với các ngành nghề yêu cầu trình độ cao hơn thì sao? Một lập trình viên giấu tên làm việc trong doanh nghiệp lớn trong nước, mỗi tháng thu nhập có được khoảng 30 triệu đồng. Thế nhưng khi sang Nhật Bản làm việc theo hợp đồng công ty mình ký với đối tác, người lập trình viên đó lại được trả lương cao gấp 3 lần. Liệu với mức lương mới họ được trả có được coi như NSLĐ đã tăng gấp 3 lần?

Sự chênh lệch về mức trả lương giữa các vùng miền, hay quốc gia, cho cùng một công việc có nhiều cách để lý giải. Mỗi nơi có chi phí đầu vào khác nhau như giá điện, giá nguyên vật liệu… và kể cả thuế. Tuy nhiên, từ góc nhìn của người lao động đơn thuần, “sự bất công” này luôn tạo cho họ cảm giác yếu thế, bị bóc lột.

ILO vẫn khẳng định, NSLĐ của một quốc gia hầu như không phản ánh mức độ chuyên cần hay khả năng của người lao động ở quốc gia đó. Bởi vậy, nếu chỉ bằng thống kê mà kết luận rằng người lao động ở Malaysia hoặc Singapore có thể tạo ra một sản phẩm cụ thể nào đó nhanh hơn một người lao động Việt Nam là không đúng.

Chúng tôi còn ấn tượng hơn nữa với ý kiến của một người Nhật. Ông Matsuo Tomoyuki, Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam, đã có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành và làm việc với hàng trăm nhân sự Việt Nam. Ông cho rằng, người lao động Việt rất chăm chỉ, có lòng tự trọng cao và rất trung thành. “Tôi không muốn thay đổi gì ở họ. Vấn đề cần thay đổi là cách nhìn của người quản lý", ông nói.

Chúng ta cần thay đổi và đã đến lúc cần thay đổi, không cần bàn cãi gì nữa. Nhưng chúng ta cũng cần một cách tiếp cận mới, cởi mở hơn. Chỉ có như vậy mới có thể "cởi trói" cho NSLĐ Việt Nam.

(Còn nữa)