Sẵn sàng di dời
Với cuộc di dời dân lần này, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang lập lại lịch sử khi đưa hàng nghìn hộ dân đi nơi khác định cư. Trước đó, vào năm 2009, một cuộc di dời dân lớn cũng đã được chính quyền nơi đây thực hiện với việc đưa các hộ dân vạn đò sống trên sông Hương, sông Kẻ Vạn, sông Đông Ba… lên định cư trên bờ. Trả lời báo chí trước cuộc di dời dân vùng Kinh thành Huế đi đến nơi ở mới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế nói rằng: “Đây sẽ là cuộc di dời dân rất lớn của tỉnh”.
Trải qua nhiều thập kỷ, những hộ dân ở trong khu vực 1 Kinh thành Huế luôn sống trong sự chật chội, ẩm thấp của những ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng. Tình trạng đó không chỉ làm cuộc sống của người dân không được bảo đảm mà nó còn kéo theo sự nhếch nhác đối với bộ mặt của thành phố.
30 năm trước, ông Giáp Thanh Hà mua lại khu đất với 100 m² rồi làm nhà sống ở kiệt 94, đường Ông Ích Khiêm, phường Thuận Thành và sống suốt từ đó đến nay. Căn nhà xập xệ là nơi ở của bốn người trong gia đình và cũng là nơi ông buôn bán cà-phê cóc hằng ngày. Cuộc sống ngay giữa lòng thành phố nhưng chật hẹp, tù túng. Chính quyền thành phố đã có chủ trương di dời những hộ dân sống trong Kinh thành cổ từ nhiều năm nay, cả gia đình ông giờ cũng mong được bố trí một chỗ ở nào đó để cất ngôi nhà cho kiên cố. “Chúng tôi sẵn sàng đi nơi khác khi chính quyền có quyết sách di dời”, ông Hà khẳng khái nói.
Cùng nguyện vọng với ông Hà, ông Đặng Văn Tố sống trên đoạn bờ thành cạnh cửa Đông Ba, phường Thuận Lộc cũng rất mong muốn sớm được di dời bởi “sống ở đây chật hẹp, khổ sở quá” mà người dân vẫn gọi đây là “xóm ổ chuột”. Đặc biệt vào mùa mưa bão, có những hôm gió thổi khiến mái tôn rung lên bần bật khiến người dân ở đây chẳng lúc nào yên tâm. Nhưng ông Tố vẫn không khỏi băn khoăn: “Lần này có di dời thật hay không bởi đây là dự án có từ rất lâu rồi? Đã bao lần thành phố rậm rịch triển khai nhưng rồi vẫn để đó”.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Ngọc Thọ thể hiện sự quyết tâm cho lần di dời này. Ông quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan làm hồ sơ, thống kê đầy đủ dân cư, hoàn cảnh từng hộ để có chính sách di dời hợp lý nhất. Mục đích của đợt di dời dân lần này vừa nhằm mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời chỉnh trang đô thị di sản, ổn định cuộc sống cho người dân, bảo tồn di sản Cố đô Huế, tạo sản phẩm du lịch để tăng nguồn thu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bên cạnh đó góp phần thực hiện chủ trương giãn dân để giảm mật độ tham gia giao thông khu vực nội thành, bảo đảm an toàn cho khách tham quan.
Người dân nơi đây rất ủng hộ quyết sách di dời dân của chính quyền. Hơn ai hết họ hiểu và mong chờ ngày được đi đến nơi ở mới.
Khó nhưng sẽ làm được
Phạm vi dự án là giải tỏa toàn bộ các hộ dân ở di tích Hộ thành hào, tuyến Phòng hộ, Thượng thành với chiều dài 11,5 km cùng với hệ thống 24 eo bầu... Dự án bao gồm toàn bộ bốn phường bên trong kinh thành là Thuận Hòa, Tây Lộc, Thuận Thành, Thuận Lộc cùng ba phường bên ngoài, gồm Phú Hòa, Phú Thuận và Phú Bình. Đề án phân làm hai giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 dự kiến triển khai từ năm 2019 - 2021, với phạm vi di dời hết toàn bộ khu thượng thành, hộ thành hào, tuyến phòng hộ, Eo Bầu với 2.938 hộ; giai đoạn 2 là từ năm 2022 - 2025 sẽ di dời khu vực 1 di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Xiểng Võ Từ, Lục bộ và hệ thống hồ tại bốn phường với 1.263 hộ. Kinh phí dành cho dự án khoảng 2.800 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư. Việc tái định cư cả hai giai đoạn dự kiến cần hơn 100 ha đất ở TP Huế, kinh phí khoảng 1.360 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khẳng định, đến nay UBND tỉnh đã hoàn thành đề án trên và có trình gửi Chính phủ để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Chính quyền ở đây cũng đã đặt ra nhiều tình huống trong giải quyết vấn đề này, nếu thiếu vốn sẽ huy động từ nguồn địa phương và chọn khu vực Hộ thành hào, Thượng thành giải quyết trước nhằm tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi họ di dời. Theo ông Tuấn thì dân sẽ được đưa ra tái định cư ở khu vực phường Hương Sơ, TP Huế. Khu vực tái định cư sẽ được đầu tư những thiết chế văn hóa cho người dân để họ có được cuộc sống tốt. “Với việc học hành của con em các hộ dân, chúng tôi sẽ thực hiện theo nguyện vọng của người dân. Nếu con em họ muốn học tại trường cũ cho đến hết cấp học thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện, còn nếu muốn chuyển trường cũng được hỗ trợ”, ông Tuấn thông tin.
Các hộ dân sống ở khu vực kinh thành cổ phần lớn là hộ nghèo, lao động phổ thông, thời gian cư trú của họ đã khá lâu, nếu theo các quy định của pháp luật thì việc di dời sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đề án cũng nghiên cứu khung chính sách về hỗ trợ đất đai, tài sản theo từng mốc thời điểm cụ thể, các chính sách ổn định cuộc sống, giáo dục, tái định cư, an sinh...
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sẽ có các chính sách phù hợp để đền bù cho người dân. Theo đó, khung chính sách đền bù sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn mà người dân sinh sống. “Đây là dự án lớn nên trong việc giải phóng mặt bằng rất dễ xảy ra khiếu kiện, khiếu nại. Vì vậy, cần ưu tiên tập trung nguồn lực để giải tỏa, tái định cư. Bên cạnh đó, cần kiện toàn bộ máy, giao trách nhiệm cho từng cơ quan, công khai minh bạch và giải quyết kịp thời các bức xúc, nhu cầu chính đáng của người dân”, ông Tuấn cho hay.