Tích hợp vẫn mờ nhạt
Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, ở cấp THCS, những môn học tích hợp là: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên (Hóa học, Sinh học, Vật lý); Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Giáo dục địa phương.
Sau 5 năm ngành giáo dục công bố các môn tích hợp, tại nhiều diễn đàn, các thầy cô giáo, đại diện các trường, các nhà quản lý giáo dục vẫn đang gặp nhiều khó khăn với vấn đề gọi là tích hợp nhưng từ chương trình tổng thể; chương trình môn học; giáo trình bồi dưỡng giáo viên đến sách giáo khoa lại chủ yếu vẫn được trình bày riêng lẻ theo từng nội dung của phân môn. Như vậy, yếu tố tích hợp vẫn rất mờ nhạt. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên từ trước tới nay vẫn chỉ được đào tạo đơn môn tại các trường sư phạm. Để đứng lớp dạy các môn tích hợp, các thầy, cô phải học thêm kiến thức của những môn khác và tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn theo quy định.
Cụ thể, nội dung kiến thức bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp cho giáo viên theo Quyết định 2454 về Chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên; Quyết định 2455 về Chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS môn Lịch sử và Địa lý cũng được bố trí từng phân môn riêng lẻ. Ngay cả giảng viên đứng lớp bồi dưỡng chứng chỉ theo các quy định này cũng dạy theo giáo trình từng phân môn riêng chứ không có giảng viên dạy môn tích hợp. Về đội ngũ quản lý, chuyên viên ở các sở cũng không có chuyên viên tích hợp… Chưa kể, đó còn là những “rắc rối” ở các trường chung quanh chuyện phân tiết dạy phân môn, kiểm tra và đánh giá đối với môn tích hợp.
Chính vì vậy, để dạy các môn tích hợp rất cần có đội ngũ giáo viên được đào tạo sư phạm bài bản, chính quy từ các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) để thích hợp với kiến thức liên môn và nhiều kỹ năng mới.
Nhiều đơn vị đào tạo vào cuộc
Là trường đầu tiên mở ngành đào tạo giáo viên dạy hai môn tích hợp là Lịch sử-Địa lý và Khoa học tự nhiên, TS Nguyễn Hoàng Trang, Giảng viên Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Với Chương trình học tích hợp, các bạn sinh viên chủ yếu được rèn luyện dạy học kiến thức tích hợp và xây dựng các chủ đề tích hợp. Qua đó, có thể vận dụng được liền mạch nội dung kiến thức của những lĩnh vực đơn lẻ và xây dựng một bài học mang tính linh hoạt theo những chủ đề, yêu cầu của bối cảnh thực tế”.
PGS, TS Ngô Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cũng cho biết: “Khoa Sư phạm chúng tôi có những hoạt động trải nghiệm gọi là Forbes vào tháng 11 hằng năm để các bạn sinh viên rèn nghề. Thí dụ như thi giảng, thi thiết kế phương tiện dạy học, làm các video… để khi ra trường, các bạn có kinh nghiệm và kiến thức về các hoạt động trải nghiệm. Từ năm thứ hai, các giáo sinh đã thực tập tại các trường phổ thông. Tăng cường hoạt động trải nghiệm là yêu cầu bắt buộc đối với đào tạo sư phạm tích hợp vì vậy thực hành thiên nhiên, trải nghiệm thực tế tại các địa điểm lịch sử luôn được nhà trường tổ chức xuyên suốt bốn năm học”.
Được biết, mùa tuyển sinh năm học 2024-2025, lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mở đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý (mã số 7140249) và Khoa học tự nhiên (mã số 71402470 trình độ ĐH. Trước đó, từ năm 2019, một số ĐH, cao đẳng (CĐ) sư phạm bắt đầu tuyển sinh ngành sư phạm liên môn, chuẩn bị đội ngũ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó phải kể tới Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh mở ngành đào tạo Sư phạm Khoa học tự nhiên. Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế tuyển mới các ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Giáo dục pháp luật, Lịch sử - Địa lý; Trường ĐH Vinh tuyển mới ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên; Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng tuyển mới ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên; Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên tuyển ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên…
Bạn Nguyễn Thu Mại, sinh viên Khoa Sư phạm - Trường ĐH Giáo dục: “Môi trường học của chúng em rất đa dạng. Có thể học trong phòng thí nghiệm, có thể đi kiến tập, thực tập ở các trường phổ thông. Qua đó, chúng em học hỏi kinh nghiệm từ nhiều thầy, cô, từ nhiều môi trường khác nhau. Từ đó, chúng em có được những kiến thức tích hợp, là hành trang để giảng dạy sau này”.