Kỳ tích trong lồng ấp

|

Chăm sóc, điều trị trẻ sinh non là thách thức lớn vì những biến chứng và tỷ lệ tử vong cao. Công việc đặc biệt này không chỉ cần trình độ chuyên môn, bề dày kinh nghiệm mà còn cả trái tim người mẹ. Nhờ đó, nhiều em bé cực non tháng, chào đời chỉ nặng từ vài trăm gram đã khỏe mạnh để trở về với vòng tay bố mẹ.

Hồi sinh diệu kỳ

Từng sảy thai và sinh non nhiều lần, đến lần thứ 7, vào tuần thai 21, chị T. (32 tuổi, Thanh Hóa) được đưa đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (BVPSHN) trong tình trạng tiền sản giật nặng, thai nhi suy dinh dưỡng, cạn ối. Sản phụ được chỉ định truyền ối để cứu thai nhi. Tuy nhiên sau 5 tuần, tình trạng tiền sản giật của người mẹ ngày càng nặng nề, em bé tiên lượng xấu khiến gia đình xin đình chỉ thai kỳ. Chào đời ở tuần tuổi thứ 26, nhờ được hồi sức cấp cứu kịp thời, em bé dần hồng hào, có phản xạ tay chân, mở mắt... Từ khoảnh khắc đó, các bác sĩ BVPSHN đã nhen lên hy vọng và quyết tâm bằng mọi cách phải cứu sống “chiến binh” nhỏ bé này.

Em bé nhanh chóng được chuyển về Khoa Sơ sinh. Với một cơ thể quá bé như vậy, việc lấy ven vô cùng khó khăn nên con được truyền dịch nuôi dưỡng bằng kỹ thuật longline, đặt tĩnh mạch rốn và động mạch rốn để thuận tiện cho việc xét nghiệm. Định kỳ 3 tuần/lần, con được truyền máu... Trong quá trình điều trị, có lần con bị nhiễm khuẩn nặng nhưng may mắn đáp ứng thuốc tốt vượt qua thử thách. Được các bác sĩ, các cô điều dưỡng, hộ sinh tận tình chăm sóc, cứ thế tiếp nối mỗi ngày, tình trạng sức khỏe của con được cải thiện dần.

Đa phần các bé vào Khoa Sơ sinh đều ở tình trạng sinh non nhưng đây là em bé nhẹ cân nhất được chăm sóc, điều trị thành công. Ngoài ra, tại Khoa Sơ sinh, nhiều em bé tuổi thai chỉ từ 24-25 tuần, nặng 500-600 gram đã được chăm sóc khỏe mạnh để trở về với vòng tay bố mẹ. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Phương, Trưởng khoa Sơ sinh cho biết: “Một em bé sinh ra đời đủ tháng khỏe mạnh đã là một điều kỳ diệu nhưng một em bé sinh non với vẻn vẹn 400-700 g, tuổi thai 24-26 tuần qua bao gian nan, vất vả của các y, bác sĩ mới đến tay cha mẹ thì còn hơn cả một điều kỳ diệu. Tại bệnh viện, chăm sóc trẻ sinh non được phối hợp ngay từ trước sinh giữa các bác sĩ sản khoa và sơ sinh. Bên cạnh việc bác sĩ phát hiện bệnh, đưa ra phác đồ điều trị chuẩn xác thì còn cần sự phối hợp rất chặt chẽ của những điều dưỡng tay nghề cao”.

Từ mẫu áo trắng

Ngoài các bác sĩ trực tiếp thăm khám, tất cả sinh hoạt, chăm sóc trẻ đều do các điều dưỡng thực hiện. Trong hình hài nhỏ xíu, những ven, đường tĩnh mạch của các em bé sinh non đôi khi chỉ mảnh như một sợi chỉ. Để lấy được một đường truyền tĩnh mạch, các điều dưỡng phải có tay nghề rất cao mới có thể thực hiện. Nhưng công việc của các điều dưỡng không chỉ có thế. Cả ngày tất bật, chạy đôn chạy đáo để xem xét, ghi chép, rồi làm thuốc. Chăm sóc lâu ngày, từng cữ ăn, giấc ngủ của mỗi em bé đều được các cô thuộc lòng...

Hơn 20 năm làm việc tại Khoa Sơ sinh, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thanh đã trực tiếp chăm sóc, thắp lên tia hy vọng sống cho hàng vạn em bé sơ sinh non tháng. Chia sẻ về công việc đặc biệt này, chị Thanh cho biết: Chăm sóc trẻ non tháng, nhẹ cân luôn là thử thách, bởi hệ thống miễn dịch, các cơ quan chức năng trong cơ thể trẻ chưa hoàn thiện, dễ nhiễm khuẩn, kém thích nghi... Mọi thao tác luôn được chúng tôi thực hiện tỉ mỉ đến từng chi tiết. Bằng mọi cách để tạo cho em bé cảm giác an toàn như ở trong bụng mẹ, từ nhiệt độ, độ ẩm đến ánh sáng, âm thanh. Đặc biệt, với trẻ sơ sinh, mọi diễn biến đều rất nhanh, chỉ tính bằng giây, bằng phút nên vào ca trực các bác sĩ, điều dưỡng phải thức trắng đêm, không giây phút nào lơ là.

Về công tác tại Khoa Sơ sinh từ khi chưa lập gia đình, chưa làm mẹ, điều dưỡng Nguyễn Thị Lượt chia sẻ: “Lúc mới đi làm, nhìn những em bé non tháng trong hình hài nhỏ xíu tôi cảm thấy rất bỡ ngỡ. Vậy nhưng hằng ngày, được chăm sóc, chứng kiến con ăn được thêm một chút, dừng thuốc, cai máy thở, cân nặng tiến triển... Hạnh phúc của gia đình các con tự lúc nào cũng thành hạnh phúc của mình. Tình cảm cứ vậy ngày càng nhiều thêm để rồi tôi quyết định gắn bó với khoa cho đến giờ”.

Cuộc chiến không đơn độc

Theo báo cáo của Viện quốc gia về Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người của Mỹ (NICHD), trẻ sinh non dưới 24 tuần tuổi có ít cơ hội sống sót. Trong trường hợp trẻ sống được lại đối mặt với nguy cơ gặp biến chứng suốt đời. Mốc 24 tuần được nhiều nơi lấy làm thời điểm giới hạn để có thể cứu sống em bé sơ sinh non tháng. Từ tuần tuổi thứ 26, tỷ lệ sống sót của em bé khoảng 78%. Trẻ sinh non sau 28 tuần tuổi có khả năng sống sót lên đến 80-90%. Tuy nhiên, khoảng 10-20% nguy cơ có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe lâu dài như vấn đề hô hấp, huyết học, tiêu hóa...

Những năm qua, các y, bác sĩ BVPSHN đã cứu chữa thành công hàng nghìn bé non tháng mỗi năm, nhiều trẻ cực non với tuổi thai dưới 28 tuần. Việc chăm sóc phát triển cũng vô cùng tỉ mỉ nhằm giảm ánh sáng, giảm tiếng ồn, trẻ được nghe nhạc, thay đổi các tư thế trong ổ cuốn, trẻ được vuốt ve, giữ yên giấc ngủ, tăng sự kết nối theo phương pháp chăm sóc bà mẹ Kangaroo… Sàng lọc sau sinh là một trong những bước quan trọng trong việc tầm soát ở trẻ sinh non. Tất cả tạo nên một môi trường chăm sóc và điều trị thân thiện, an toàn, hiệu quả cho trẻ. Chị Nguyễn Hoàng Linh Chi (Tây Hồ, Hà Nội) có hai bé sinh đôi đang nằm ở phòng Kangaroo của bệnh viện chia sẻ: Lúc vào các cháu rất yếu, còn chưa tự thở được nhưng may mắn có các y, bác sĩ ở Khoa Sơ sinh tận tình chăm sóc. Mẹ cháu khi mới vào đây chưa có kinh nghiệm nên các bác sĩ và điều dưỡng đã hướng dẫn cho mẹ biết cách chăm sóc, ấp con, rồi xử lý những tình huống khi con có vấn đề như sặc, chớ... Sau 6 tuần điều trị, thật mừng sức khỏe của cả hai con đều đã ổn định, tự thở bình thường để xuất viện.

Trung bình mỗi năm, Khoa Sơ sinh BVPSHN tiếp nhận hơn 6.000 trẻ, trong đó 50% là bệnh nhi non tháng. Cùng với các bé trong những ngày tháng đầu đời là tình yêu thương, sự chăm sóc đặc biệt của các y, bác sĩ và gia đình. Nhờ những nâng niu đó, bao mầm sống mong manh đã được hồi sinh, trở về với vòng tay bố mẹ.

Theo các chuyên gia y tế, chức năng sống cơ bản của trẻ sơ sinh là hô hấp và tim mạch, bé có thể ngừng thở, ngừng tim rất đột ngột, nếu không phát hiện kịp thời trẻ có thể tử vong ngay. Vì vậy, cùng với các bác sĩ, đội ngũ điều dưỡng phải tập trung cao độ để ứng phó nguy cơ có thể xảy ra với em bé như: Hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, suy hô hấp, nhiễm khuẩn, vàng da, viêm ruột hoại tử… Đây là những cấp cứu tối quan trọng bởi nếu sơ sểnh, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.