Hiểm họa do thủy điện?
Sau những đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh lộ 543B từ ngã ba Cửa Rào vào NMTĐ Bản Vẽ qua bản làng thuộc các xã Xá Lượng, Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) mặt đường vốn không rộng nay càng bị thu hẹp hơn, khi nhiều đoạn ta luy âm, lề đường, hệ thống biển báo, viễn thông… bị sạt lở do lũ. Nhiều ngôi nhà nằm dọc sông Nậm Nơn cũng bị nước cuốn trôi, phá hỏng còn trơ lại nền hay buộc phải di dời khẩn cấp. Người dân mất nhà đành phải căng lều bạt ở tạm dọc bờ sông, sườn đồi hay ở nhờ nhà hàng xóm; nhà cửa tháo dỡ cùng đồ đạc để ngổn ngang dọc tuyến đường.
Từ túp lều ở lưng chừng đồi đi xuống, bà Vi Thị Hải, bản Minh Phương, xã Lượng Minh cho biết: Do bị trôi hết đồ đạc, lương thực, thực phẩm nên giờ đây, chúng tôi phải sống vào nguồn hỗ trợ mì tôm, gạo… Lều bên cạnh chừng 10 m2 của gia đình bà Lô Thị Khương là nơi trú ẩn của năm nhân khẩu. Bà Khương chia sẻ: Lũ về làm nhà cửa hư hỏng hết, chúng tôi muốn tìm một nơi ở để yên tâm làm ăn nhưng giờ vẫn chưa thấy gì (ý nói khu tái định cư).
Bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, trở nên tan hoang khi có nhiều ngôi nhà kiên cố nằm ở ngay phía dưới NMTĐ Nậm Nơn vừa bị lũ cuốn trôi hay phá hỏng. Vợ chồng ông Vi Văn Huệ cùng những người dân đang lần mò dưới lớp bùn ngay trong nền nhà để tìm những vật dụng còn sót lại. Anh Huệ cho biết: Gần trưa hôm 31-8, trời bình thường, bỗng nước sông Nậm Nơn lên cao đột ngột, nước lũ đỏ ngàu như thác đổ về và bất ngờ cuốn trôi mấy ngôi nhà phía trước. Được hàng xóm giúp đỡ, gia đình tôi mới tháo được nửa ngôi nhà gỗ thì nửa còn đã bị lũ cuốn phăng. Nhìn móng cột điện truyền tải cho NMTĐ Nậm Nơn còn trơ những cục bê-tông bám vào; toàn bộ kè dọc bờ sông chỉ còn trơ móng; bờ sông trơ đá, cuội… mới thấy sức tàn phá ghê gớm của lũ dữ.
Theo Chủ tịch UBND xã Lượng Minh Vi Đình Phúc: Trước đây, do tác động trong quá trình vận hành của NMTĐ, dẫn đến sạt lở cần phải di dời 34 hộ dân trong lòng hồ thủy điện Nậm Nơn nhưng chưa triển khai được, vì chưa có khu tái định cư. Nay lại phát sinh thêm 31 hộ nữa ở các bản: Lả, Minh Phương, Xốp Mạt và bản Côi cần phải di dời khẩn cấp. Nhưng phần mặt bằng ở đây không dễ tìm, lại vướng vấn đề thủ tục đấu thầu, thi công nên không thể một sớm, một chiều triển khai các khu tái định cư, khiến cuộc sống của người dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bản Khe Choóng nằm ở hạ du NMTĐ Bản Vẽ chừng 3 km được xem là một trong khu tái định cư khá chuẩn, nhưng kể từ khi NMTĐ Bản Vẽ xả lũ lịch sử, người dân đứng ngồi không yên. Bởi lũ đã cuốn mất chiếc cầu bê-tông duy nhất bắc qua sông đi vào bản; làm sạt lở và hư hỏng nhiều nhà dân; tuyến đường ở trung tâm bản bị lún, nứt nhiều đoạn. Chưa hết, phía trên núi, một số hòn đá mồ côi lăn xuống nhà dân bất cứ lúc nào… Một số người dân ở khu tái định cư này lại tính chuyện tái định cư lần hai.
NMTĐ Bản Vẽ xả lũ cũng gây thiệt hại không nhỏ cho các công trình thuộc nhà máy đầu tư và quản lý. Đó là làm hư hỏng nặng hệ thống kè đá chống sạt lở bờ sông ngay phía dưới hạ lưu nhà máy; làm trôi cầu bê-tông qua bản Choóng… Do mực nước từ thượng lưu đổ về, việc điều tiết xả lũ của NMTĐ Khe Bố không kịp thời nên khu vực lòng hồ của thủy điện này bị ngập rất nặng, đã “góp phần” làm Quốc lộ 7 ngập sâu trong nước một số đoạn, làm sạt lở ta luy âm, gây nguy cơ mất an toàn giao thông cho tuyến quốc lộ huyết mạch miền tây Nghệ An và với nước bạn Lào. Cùng với đó, làm ngập và hư hại nhiều nhà dân cùng tài sản đi cùng.
Làm gì để hạn chế tối đa thiệt hại cho hạ du?
Từ đầu năm đến nay, diễn biến thời tiết, thiên tai ở miền Tây Nghệ An dị thường. Trong đó, từ ngày 18-7 đến 31-8 đã xảy ra ba trận lũ lớn. Đặc biệt, trong vòng 15 ngày (từ ngày 17-8 đến 31-8) đã xảy ra hai trận lũ lịch sử (với lưu lượng lũ đổ về trên 4.200 m3/s) ở thượng nguồn sông Cả. Đây là mức lũ lịch sử có tần suất 50 - 55 năm mới xảy ra một lần.
Điều đáng nói, từ ngày 29 đến 31-8, trong lúc ở một số địa phương phía tây Nghệ An mưa không lớn và không kéo dài, nhưng do lũ từ Lào đổ về thượng nguồn sông Cả cực lớn, buộc NMTĐ Bản Vẽ phải xả lũ lịch sử lên đến 4.260 m3/s. Phải nói rằng, hai trận lũ lớn ban đầu, do hồ chứa các NMTĐ (trong đó có Bản Vẽ và Khe Bố) đang “đói” nước nên đã có tác dụng cắt lũ khá tốt. Cụ thể như từ ngày 17 đến 20-8, lưu lượng nước đổ về hồ NMTĐ Bản Vẽ hơn 4.000 m3/s, nhưng lưu lượng xả ra chỉ trên 2.000 m3/s, đã góp phần cắt gần 2.000 m3/s nước lũ cho hạ du.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 8, khi trận lũ thứ ba đổ về với lưu lượng hơn 4.200 m3/s thì việc cắt lũ của các hồ thủy điện không còn nữa, bởi các hồ này đã “no” nước. Do vậy, nước lũ về bao nhiêu, NMTĐ Bản Vẽ buộc xả lũ bấy nhiêu. Khi xả lũ làm co hẹp dòng chảy, lại xả lũ từ trên cao xuống, tạo lưu tốc lớn làm tăng tốc dòng chảy, gây sạt lở, ngập nặng cũng như “góp phần” gia tăng thiệt hại cho hạ lưu, như phần nêu trên. Kế đến, việc NMTĐ Khe Bố xả lũ không kịp thời, tạo độ dềnh lớn khu vực lòng hồ làm ngập trên cao trình lòng hồ thêm 0,6 m.
Bên cạnh đó, Bản Vẽ là thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ, có dung tích hồ 1,8 tỷ m3 nước, trong đó, dung tích phòng lũ hơn 300 triệu m3 nước, nhưng hành lang thoát lũ chưa bảo đảm an toàn khi hạ mực nước hồ thủy điện này về mực nước phòng lũ. Cùng với đó, Nghệ An vẫn chưa có bản đồ ngập vùng hạ du của các NMTĐ theo quy định. Công tác dự báo lũ về hồ NMTĐ Bản Vẽ không bảo đảm chính xác, do 80% diện tích lưu vực sông Cả ở trên địa bàn nước bạn Lào. Trong lúc đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ không với tới được, thì NMTĐ Bản Vẽ chỉ có một trạm thủy văn đặt ở xã Mỹ Lỹ, cách thượng lưu nhà máy khoảng 60 km. Từ đó đã gây nên hệ lụy lớn đối với hạ du bởi việc xả lũ vào cuối tháng 8 vừa qua.
Tỉnh Nghệ An cần phối hợp các nhà khoa học để đánh giá đúng phần nào thiệt hại do thiên tai, phần nào do các NMTĐ xả lũ gây ra để chủ động khắc phục, hỗ trợ, đền bù thỏa đáng cho người dân, tránh hiện tượng “hòa cả làng”. Các NMTĐ cần trang bị hệ thống thông tin, cảnh báo sớm đến các khu dân cư (còi hụ); bổ sung, hoàn thiện hệ thống giám sát, phần mềm hỗ trợ cho công tác quan trắc, thủy văn để đưa ra được dự báo sớm nhằm chủ động trong chỉ đạo xả lũ, điều tiết được lưu lượng xả phù hợp, giảm thiệt được tác hại lũ lụt đối với hạ du...
Về lâu dài, để giảm thiểu tác động và tác hại của biến đổi khí hậu cũng như việc xả lũ của các NMTĐ đối với hạ du, đề nghị T.Ư lắp hệ thống ra đa phục vụ công tác dự báo thời tiết ở thượng nguồn sông Cả đặt ở huyện Kỳ Sơn (Về vấn đề này đã có kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 44/TB-CP năm 2017). Đồng thời, hỗ trợ Nghệ An xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du sông Cả gắn với thủy điện xả lũ. Đề nghị sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả cho phù hợp thực tế. Ngoài ra, một số NMTĐ cũng không tích nước vào mưa lũ. Có cơ chế trích (%) lợi nhuận của các NMTĐ làm quỹ hỗ trợ dân sinh và cơ sở hạ tầng khi bị thiệt hại do xả lũ...
Đợt lũ cuối tháng 8 vừa qua đã gây thiệt hại cho các huyện miền tây Nghệ An (Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn…) khoảng 139 tỷ đồng. Trong đó, hơn 100 ngôi nhà và phòng học bị sập, cuốn trôi, hư hỏng hay phải di dời khẩn cấp do sạt lở; gần 500 nhà dân và trường học bị ngập; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập, bị sạt lở, hư hỏng nặng nhiều đoạn; năm cầu bị trôi hay bị hư hỏng... (Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An).