Không để nỗi đau lặp lại

|

Đến hôm nay, vài ngày sau vụ việc bé trai 5 tuổi tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của một trường mầm non ở Thái Bình, nỗi xót xa vẫn chưa nguôi. Câu hỏi đặt ra là tại sao sau không ít sự cố đáng tiếc tương tự, chúng ta vẫn để nỗi đau lặp lại?


Sự việc vẫn tái diễn

Chỉ cách đây ít ngày, bé trai T.G.H. (sinh ngày 20/9/2019), là học sinh Trường mầm non Hồng Nhung (cơ sở 2), địa chỉ tại xã Phú Xuân, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình bị bỏ quên trên xe đưa đón, dẫn đến tử vong. Cũng như những sự cố đau lòng trước, đó là hậu quả của một chuỗi tắc trách. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, bé H. lên xe khoảng 6 giờ 20 phút sáng 29/5, ngồi ngay sau lái xe, được đón đến trường cùng 9 bé khác. Tới nơi, giáo viên đưa đón và lái xe đều không kiểm tra. Giáo viên đứng lớp soát sĩ số thấy thiếu bé H., đã báo lên phần mềm của nhà trường nhưng không thông báo cho gia đình. Nhà trường dù có hệ thống quản lý, nhưng cũng không làm hết trách nhiệm với học sinh. Phải đến cuối giờ chiều ngày 29/5, khi người thân đến đón không thấy bé H., bé mới được phát hiện đã tử vong trên xe sau 11 giờ suy kiệt, suy hô hấp dưới trời nắng nóng.

Lãnh đạo chính quyền tỉnh Thái Bình đã họp khẩn, chỉ đạo Công an tỉnh khởi tố vụ án ngay trong đêm. Đã có tới 4 người gồm cô phụ trách đưa đón, lái xe và 2 cô giáo đứng lớp của Trường mầm non Hồng Nhung bị khởi tố, bắt tạm giam. Nhưng nỗi đau với người thân cháu bé có lẽ chẳng thể nguôi ngoai. Nhìn di ảnh bé H. với gương mặt khôi ngô, trong veo, nhiều người không cầm được nước mắt.

Đáng tiếc, trước đó, nhiều sự việc tương tự đã xảy ra. Xét cho cùng, sự cố đau lòng với bé trai ở Thái Bình, hay nhiều vụ hỏa hoạn, tai nạn lao động diễn ra liên tiếp gần đây đều là hậu quả của sự vô ý thức, thiếu trách nhiệm. Những bài học nhức nhối ấy đã gióng lên nhiều hồi chuông cảnh tỉnh, nhưng có được tiếp thu và hiện thực hóa bằng những giải pháp triệt để hay không lại là nỗi băn khoăn với xã hội.

Trường mầm non Hồng Nhung cơ sở 2, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Phải quyết liệt thay đổi

Quay lại sự cố với cháu bé ở Thái Bình, đây trở thành đề tài thời sự tại nghị trường kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, trong thời gian học sinh đến trường, bất kỳ sự cố nào xảy ra cũng thuộc về trách nhiệm của nhà trường; việc trường học - nơi lẽ ra phải an toàn nhất với trẻ - lại để xảy ra những tai nạn đáng tiếc là chuyện đau lòng. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) băn khoăn về mối liên hệ chưa được thông suốt, thường xuyên giữa gia đình và nhà trường, nhất là trong thời đại số. Theo bà Sửu, cần phải rà soát lại, có chế định mới chặt chẽ hơn về việc tổ chức hoạt động các trường mầm non, kể cả công lập lẫn tư thục, không để đến khi sự cố xảy ra mới can thiệp.

Riêng với loại hình vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô-tô, hiện trên cả nước chưa có quy chuẩn, quy định cụ thể. Để xóa “lỗ hổng” này, dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được thảo luận, cho ý kiến tại Quốc hội cũng có những mục, điều, khoản quy định riêng đối với xe chuyên chở học sinh. Theo đó, xe chở học sinh phải đúng quy chuẩn về chủng loại, có mầu sắc đặc trưng; được trang bị hệ thống cảnh báo tự động bằng còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc khẩn cấp trực tiếp đến lái xe; xe chở học sinh mầm non, tiểu học phải có ghế ngồi phù hợp lứa tuổi, phải bố trí người quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh; lái xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu hai năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách...

Trong khi đó trên mạng xã hội, những ý kiến đóng góp để giảm thiểu rủi ro cho trẻ trên xe đưa đón học sinh, nhất là lứa tuổi mầm non, tiểu học cũng thu hút sự chú ý. Chẳng hạn, nhà trường và gia đình cần dạy các em biết bấm còi xe để cầu cứu khi không may bị bỏ quên, do còi xe thường được đấu trực tiếp vào ắc-quy, vẫn hoạt động ngay cả khi tắt máy. Theo một ý kiến khác, chúng ta có thể học hỏi cách làm từ hệ thống school bus (xe bus trường học) của Mỹ, trong đó ngoài camera, ô-tô còn được lắp hệ thống chuông cảnh báo ở cuối xe, buộc lái xe sau khi dừng phương tiện phải đi qua tất cả các hàng ghế mới có thể tắt tiếng.

Từ nhiều năm nay, xu hướng xã hội hóa giáo dục mầm non, tiểu học, hay nói cách khác là mở các trường tư thục đã nở rộ ở các thành phố lớn và cũng đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước. Đối với lứa tuổi bé bỏng, dễ tổn thương này, những quy định, quy chuẩn, chế tài, công cụ bảo vệ các em là cực kỳ quan trọng. Nhưng trên hết vẫn là ý thức, trách nhiệm quan tâm, chăm sóc của những người liên quan trực tiếp đến trẻ trong gia đình và nhà trường.