Cảnh giác dịch vụ sửa điều hòa tận nhà

|

Bạn đọc viết: Mai Quốc Toản (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội): Sử dụng điều hòa nhiệt độ là việc phổ biến trong những ngày hè oi bức. Sau gần một năm mới được “sờ” đến, chiếc máy điều hòa gia đình thường hoạt động không như mong muốn, thông thường là do bụi bẩn lâu ngày. Thế nhưng, khi liên hệ với các cơ sở điện lạnh để sử dụng dịch vụ bảo dưỡng tại nhà, không ít người “tự nhiên” nhận được những kết quả lạ lùng đại loại kiểu: điều hòa đã hết ga, trời nóng quá nên tụ điện bị cháy, rơ-le cảm biến hỏng, bo mạch điều khiển chập...

Là thợ điện lạnh lâu năm, tôi được biết, điều hòa nhiệt độ luôn được thiết kế để có thể sử dụng qua một thời gian rất lâu mới phải thay ga. Ngay cả trường hợp được bật 24/24, một chiếc điều hòa thông thường cũng có thể “trụ” ít nhất 2-3 năm, gia chủ mới phải nghĩ tới việc bơm thêm ga. Ngay cả hệ thống tụ điện, rơ-le... cũng đều có tuổi thọ tốt, nếu không gặp sự cố chập, cháy điện, hoặc trường hợp đã bị thay đồ kém chất lượng từ trước, thì không bao giờ có chuyện “tự nhiên” hỏng. Và trong những trường hợp kể trên, chi phí sửa chữa, thay mới linh kiện thường rơi vào khoảng 500 nghìn tới một triệu đồng, anh thợ nào “mát tính” cũng “hét” ít nhất 300 nghìn đồng. Thời tiết oi bức, trước những sự cố kiểu “trên trời rơi xuống” như vậy, khách hàng chỉ còn cách gật đầu đưa tiền cho... mau được mát mẻ.

Hiện nay, các “cơ sở” sửa chữa điện lạnh còn có một chiêu mới, đó là dựng lên những địa chỉ “ma” và tìm cách đưa lên các trang quảng cáo, giới thiệu trên internet hoặc nhanh nhất là qua Facebook. Các “cơ sở” này dĩ nhiên không tồn tại, mà chỉ tiếp nhận yêu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng, rồi sau đó liên hệ với “thợ” khắp nơi đến sửa chữa đều qua điện thoại. Nghĩa là, nếu có không hài lòng hoặc muốn khiếu nại, khách hàng không thể đòi lại quyền lợi với chiếc điều hòa đã bị thay thế thiết bị, linh phụ kiện “rởm” nhiều khả năng sẽ “tịt ngóm” sau vài tuần sử dụng.