Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 7 ước đạt 528,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2%.
Chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực
Nhìn nhận kết quả này, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sức mua trong nước 7 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng (nếu loại trừ yếu tố giá) chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực và không còn là động lực của tăng trưởng. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) năm 2023 tăng 9,8%, năm 2019 tăng 8,74%, năm 2018 tăng 8,72%, năm 2017 tăng 8,7%, năm 2016 tăng 8,6%, năm 2015 tăng 8%.
Đáng quan ngại, kể từ đầu năm 2024 đến nay, mức tăng tiêu dùng đã loại trừ đi yếu tố giá chỉ hơn 5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 6,42%. Thậm chí, mức tăng 5,2% đã có sự đóng góp lớn của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành do có sự phục hồi mạnh mẽ của khách quốc tế với 10 triệu lượt khách trong 7 tháng đầu năm. Điều này có nghĩa người Việt Nam đã chần chừ và ngại hơn trong chi tiêu cho tiêu dùng, khiến mức tăng tiêu dùng nội địa giảm mạnh, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng của kinh tế.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại Nielsen IQ Việt Nam cho biết, thị trường tiêu dùng hiện nay đã thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Lý giải về điều này, bà Dung cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 82 nhóm ngành hàng tăng giá, kể cả thực phẩm. Giá cả hàng hóa tăng nên người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chịu khó tiết kiệm và tăng cường tiết kiệm.
Khảo sát cho thấy, 68% người tiêu dùng kiểm tra giá cả hầu hết các sản phẩm trước khi mua, thậm chí so sánh 2 - 3 loại sản phẩm cùng lúc rồi mới quyết định mua. Chính vì quan tâm đến giá hàng hóa nên chỉ cần giá hàng hóa nhích lên là người tiêu dùng nhận ra, đồng thời sẽ so sánh kỹ. Bên cạnh đó, có đến 69% người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch bằng cách lập danh sách rõ ràng, thay vì mua sắm theo kiểu ngẫu hứng.
Theo số liệu của Bộ Công thương, nếu tính chung cả giai đoạn 2021 - 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%. Mức tăng này thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là 13 - 13,5%. Đặc biệt, riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức này thấp hơn so với mục tiêu của ngành trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước. Điều này vô hình trung ảnh hưởng tới tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào tăng trưởng khu vực dịch vụ và GDP chung cả nước.
Nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng
Theo đại diện các đơn vị phân phối, chuỗi siêu thị lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, sức mua của người tiêu dùng đã giảm mạnh trong thời gian qua. Hiện sức mua đã từng bước khôi phục trở lại, song thói quen của người tiêu dùng lại có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào các nhóm hàng thiết yếu, có lợi cho sức khỏe. Do đó, các doanh nghiệp cũng đã và đang nỗ lực thích ứng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Đối ngoại miền trung, miền nam tập đoàn bán lẻ Central Retail Việt Nam cho biết, thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi sau dịch Covid-19. Vì vậy, các hệ thống siêu thị của Central Retail tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn phù hợp với xu thế tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, Central Retail cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm các địa phương để mở rộng đầu ra cho hàng hóa các tỉnh, thành phố và tìm kiếm các đơn vị có sản phẩm phù hợp.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã thực hiện chương trình khuyến mãi tập trung (Shopping Season) kéo dài 3 tháng, trong đó có những đợt cao điểm kích cầu và người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá tốt nhất. Mới đây, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng phát động chương trình “Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường” phục vụ người dân có thu nhập thấp, công nhân, lao động với hơn 40 nhóm hàng thiết yếu, gần 500 sản phẩm dành cho mỗi gia đình. Với chủ trương khuyến mãi thiết thực, chương trình bán hàng lưu động - bình ổn thị trường mang đến cho người dân cơ hội mua hàng giảm giá, nhiều nhất lên đến 80%..., thời gian kéo dài trong 30 ngày. Ngoài ra, dự kiến sẽ có thêm chương trình khuyến mãi hàng hiệu.
Theo chuyên gia Võ Trí Thành, thời gian tới, cùng với kích cầu tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư (đầu tư công, đầu tư tư nhân), Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển thông qua chính sách tài khóa, thuế phí và chính sách tiền tệ, như chính sách tín dụng và giảm lãi suất. Điều quan trọng hơn là cần tạo dựng lại niềm tin thị trường nhờ phục hồi kinh tế tổng thể, phục hồi các thị trường, bên cạnh giải quyết vấn đề tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô để người tiêu dùng thấy phía trước là sáng sủa, từ đó sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn.
Tại Chỉ thị 29 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước ngày 27/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành có giải pháp kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường trong nước có thế mạnh, thị trường có nhu cầu. Các cơ quan này hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của
doanh nghiệp FDI; tăng kết nối vùng để giảm chi phí, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Các hiệp hội ngành hàng nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, khó khăn của doanh nghiệp, đề xuất cơ quan chức năng tháo gỡ.
Về phía các tập đoàn, tổng công ty, lãnh đạo Chính phủ đề nghị họ đổi mới, giảm chi phí, giá thành, sử dụng nguyên liệu, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước. Các bộ, ngành, địa phương cùng doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kết nối cung cầu, kích cầu tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Bộ Công thương có giải pháp khuyến khích các sàn thương mại điện tử có chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng sản xuất trong nước. Bộ Tài chính tính toán giải pháp kiểm soát hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử, đề xuất chính sách thuế thu hút dự án đầu tư sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu. Cùng với đó, cơ quan này phải có các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới với các nước trong khu vực, thị trường nhập khẩu lớn.